TTCT - Lâu nay nói đến sách kinh tế, không ít bạn đọc vẫn hiểu rằng sách kinh tế là sách dạy bí quyết kinh doanh, sách về quản trị hay marketing... Có thể gọi chung là sách dạy làm giàu. Để hiểu thêm về sách kinh tế, TTCT đã có cuộc trao đổi với dịch giả chuyên ngành sách kinh tế học Nguyễn Đôn Phước. Phóng to Dịch giả Nguyễn Đôn Phước - Ảnh: T.N.T. * Thưa ông, có thể xem sách dạy làm giàu là sách kinh tế? - Cũng có thể xem như vậy nếu hiểu nôm na kinh tế là những gì dính đến “cơm áo gạo tiền”. Còn mảng tôi chuyên dịch là sách kinh tế học, một bộ môn mà định nghĩa còn tùy thuộc vào mỗi trường phái và học thuyết. Không phải là một khoa học “cứng” như vật lý học thế thì hiểu biết kinh tế học giúp ích gì cho ta trong cuộc sống? Tôi xin mượn ý của Joan Robinson (nhà kinh tế học người Anh, 1903-1983) để trình bày một cách dễ hiểu rằng: nếu có được kiến thức kinh tế thì giúp ta cảnh giác khỏi bị đánh lừa bởi những ý tưởng phổ biến trong xã hội. Chẳng hạn, đề cập đến thị trường ta thường nghe rằng “khách hàng là thượng đế”, “thương trường là chiến trường”, “quy luật cung cầu”... Nhưng đâu là “chủ quyền” của người tiêu dùng (một khái niệm của kinh tế học tân cổ điển) và người ấy có thật là thượng đế không? Trong thực tế, do thu nhập hạn chế thì chỉ có thể “tự do” lựa chọn mua thực phẩm... không an toàn! * Ông vừa nhắc đến chữ “tự do” mà ở đây hiểu rằng nó nằm trong ngoặc kép! Quả thật đối với những người có thu nhập thấp, khó có thể nói họ được đối xử như “thượng đế”. Thưa ông, với những độc giả không am tường về kinh tế, vấn đề đạo đức trong kinh tế hay chủ nghĩa tự do được hiểu như thế nào? - Do cách tiếp cận thiếu tư tưởng phê phán và cách diễn giải lại thường thô thiển theo kiểu khẩu hiệu (như khách hàng là thượng đế chẳng hạn) nên dễ gây ngộ nhận. Tôi cho rằng việc tìm hiểu các cơ sở triết học của chủ nghĩa tự do là điều cần thiết. Trong quyển Đạo đức trong kinh tế, tác giả Francisco Vergara đã làm rõ là ngay trong trào lưu này có hai dòng tư tưởng khác nhau trên nhiều điểm căn bản, chẳng hạn về vai trò của nhà nước. (Cuốn sách nêu ra hai trường phái tự do: các nhà tự do cổ điển mà đại diện là Adam Smith, John Stuart Mill... và các nhà tự do cực đoan gồm Milton Friedman, Friedrich Hayek... Hai trường phái này cũng đều gọi chung là “chủ nghĩa tự do” nhưng quan điểm về tự do khác nhau. Ví dụ, trong giáo dục, các nhà tự do cổ điển chấp nhận vai trò của nhà nước, song “đề nghị là nhà nước tự giới hạn ở việc giám sát và thanh tra giáo dục tư nhân và bổ sung cho những thiếu sót của nền giáo dục này”. Trong khi đó các nhà tự do cực đoan phủ quyết hoàn toàn vai trò của nhà nước, chỉ trao quyền tự do cho cá nhân, các doanh nghiệp. Sự cực đoan của trường phái này còn thể hiện như việc đề xuất tư hữu hóa tiền tệ, tức mỗi doanh nghiệp đều có quyền phát hành tiền giấy, hay chống lại việc được cấp phép hành chính để hành nghề y tế... - PV). Ngày nay, dưới lập trường xã hội hóa, quan điểm tân tự do xem giáo dục như mọi hàng hóa khác đã được du nhập vào VN, với những hệ quả mà ai cũng thấy. Quan điểm này khác với quan điểm của những nhà tự do cổ điển như Condorcet, Jefferson và Humboldt, những người từng khởi xướng hệ thống giáo dục công cộng trong các nước họ sống hay như Adam Smith, người sáng tạo ẩn dụ “bàn tay vô hình” cũng là người đòi hỏi nhà nước mở “trong mỗi huyện hay mỗi hạt một ngôi trường nhỏ để trẻ em có thể được dạy dỗ với một số tiền khiêm tốn đến độ người cày ruộng bình thường có thể trang trải được”. * “Người có óc thực tế luôn tin tưởng bản thân mình hoàn toàn không chịu bất kỳ ảnh hưởng tri thức nào lại thường là tín đồ của một nhà kinh tế học kinh viện nào đó. Còn những kẻ điên khùng đang nắm quyền luôn nghe theo những lời xì xầm bên ngoài, lại cuồng lên vì một nhà văn thiếu thực tế của một vài năm về trước”, đây là câu nói của John Maynard Keynes - nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh. Ông bình luận gì về câu nói này? - Đây là một câu nói khá nổi tiếng của Keynes. Câu nói mang tính khôi hài này thực chất là nhận định về tầm ảnh hưởng của các tư tưởng kinh tế, vốn hay bị những cách diễn giải tầm thường hóa. Nhắc đến câu này của Keynes, tôi nhớ đến câu chuyện tiếu lâm về một tổng thống Mỹ (Ronald Reagan - PV) muốn tìm một người cụt tay làm cố vấn kinh tế cho mình. Sao lại là một người cụt tay? Vì mỗi khi được hỏi giải pháp cho một vấn đề kinh tế, các nhà kinh tế thường nói “về mặt này (in one hand) thì... còn về mặt kia thì... (in the other hand)”. Một trong những cách hiểu ngụ ngôn này là phải rạch ròi trách nhiệm của nhà chính trị trong việc ra quyết định và trách nhiệm của nhà kinh tế khi tham mưu hoạch định chính sách. Thời sự cung cấp một minh họa với vụ việc chuyên chở bôxit ở Việt Nam. * Như vậy, vai trò của nhà kinh tế là đưa ra những phương án, dự báo những khả năng có thể xảy ra. Còn quyết định thuộc về nhà chính trị? - Đúng là như vậy. Vì nhà kinh tế đâu có quyền quyết định (cười). Nhân đây tôi cũng xin nói thêm rằng hiện nay đang có một hiện tượng mà tôi cho là không hay: cái gì ngược với cái trước kia thì dường như được coi là chân lý. Nhưng thực tế lại không phải như vậy mà phức tạp hơn nhiều. Ở tất cả các lĩnh vực: văn hóa, giáo dục, kinh tế... không có cái gì được nêu ra là chân lý cả. Ở trên chúng ta nói một câu chuyện về mối quan hệ giữa nhà kinh tế và nhà chính trị, nhưng thực chất sự lựa chọn hay quyết định cũng là ở mỗi cá nhân bình thường. Trước phương án mà nhà kinh tế đưa ra thì cũng không có cái nào là chân lý cả, mà ở đây chỉ cung cấp quyền tự do lựa chọn được dành cho mỗi người. Chính ở chỗ này, những ai đọc, nghiên cứu kinh tế sẽ thấy đây không phải là một lĩnh vực khô khan hay xa vời, mà thật sự dính đến chuyện “cơm áo gạo tiền” của mỗi chúng ta. Trước đây trong một cuộc trò chuyện với các bạn trẻ, tôi có nói vui rằng nếu các bạn muốn thi đậu trong các kỳ thi thì... không nên đọc sách do tôi dịch, nhưng nếu các bạn chuẩn bị cho tương lai thì rất nên đọc. * Rõ ràng sách kinh tế tuy khó đọc nhưng không phải là khô khan, chán ngắt như số đông độc giả vẫn nghĩ. Có khi đọc một cuốn sách kinh tế chúng ta mới “vỡ lẽ” nhiều điều về chính trị, văn hóa, thậm chí văn chương... Ông có thể chia sẻ thêm về điều này? - Đúng thế, nhất là khi đọc với tinh thần phê phán. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008 bắt nguồn từ những khoản tín dụng dưới chuẩn, nhiều nhà kinh tế không quên nhắc lại rằng những cuộc khủng hoảng tài chính với các xìcăngđan đi kèm trong thế kỷ 19 từng gợi cảm hứng cho cả một loạt tiểu thuyết nổi tiếng, như Tấn trò đời của Balzac hay Tiền bạc của Zola. Những ai đọc các tiểu thuyết này đều thấy rõ sự khắc họa khuôn mặt hám tiền của những chủ ngân hàng, những kẻ đầu cơ, mô tả những thủ đoạn tài chính, những cơ ngơi có được đột ngột và những lần phá sản liên tiếp. Và việc cảnh báo những hậu quả sau cuộc đại suy thoái trong những năm 1930 cũng được phản ánh trong tác phẩm Của người và chuột của John Steinbeck. * Ông nghĩ gì về một người am hiểu kinh tế nhưng không thể làm giàu? - Chuyện ấy cũng bình thường thôi. Bởi mỗi người đều có một lựa chọn cá nhân về những hệ giá trị mà mình theo đuổi. Ricardo và Keynes là hai nhà kinh tế rất thành công trên thị trường chứng khoán, nhưng Ricardo đã dành phần cuối đời mình để tập trung nghiên cứu và Keynes được tiếng là một mạnh thường quân hỗ trợ các hoạt động văn hóa và nghệ thuật. * Xin cảm ơn ông. “Đọc sách kinh tế để tăng cường óc phê phán” Nguyễn Đôn Phước sinh năm 1951, tại Huế. Ông tốt nghiệp Trường Quốc gia thống kê và quản lý kinh tế, từng dạy về kinh tế tại Paris, làm chuyên gia thống kê kinh tế cho Viện Quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế Pháp (INSEE), Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD). Từ năm 1998 đến nay dịch sách kinh tế và nghiên cứu độc lập về kinh tế, thống kê tại TP.HCM. Các tác phẩm chính gần đây ông đã dịch gồm: Ngân hàng Thế giới - Đi tìm mô hình phát triển và trường hợp Việt Nam (Jean Pierre Cling, François Roubaud, Mireille Razafindrakoto), Xã hội học về tiền bạc (Damien de Blic, Jeanne Lazarus), Giải Nobel kinh tế (Jean-Édouard Colliard & Emmeline Travers), Đạo đức trong kinh tế (Francisco Vergara), Kinh tế học doanh nghiệp (Olivier Bouba-Olga)... Năm 2010 Nguyễn Đôn Phước nhận giải thưởng Quỹ Phan Châu Trinh cho công trình dịch thuật: Từ điển phân tích kinh tế - kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô, lý thuyết trò chơi... của tác giả Bernard Guerrien. “Một phần lớn lý thuyết kinh tế hiện nay giống như toán học ứng dụng hơn là suy tư về hiện thực con người và xã hội”, đó là lời phát biểu của tiến sĩ kinh tế học Gilles Dostaler. Trong một tương quan, với bối cảnh Việt Nam, dịch giả Nguyễn Đôn Phước với các công trình chuyển ngữ của mình cũng có tham vọng cung cấp những kiến thức kinh tế, nhưng không chú trọng vào “mẹo” làm giàu mà trên nền tảng học thuật. Nguyễn Đôn Phước luôn nhấn mạnh “đọc sách kinh tế là để tăng cường óc phê phán, luôn luôn thường trực óc phê phán để có được sự lựa chọn tốt nhất có thể”. Tags: Làm giàuNguyễn Đôn PhướcSách kinh tếBí quyết kinh doanh
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Cận cảnh thủy lợi Bản Mồng sau 14 năm khởi công, đội vốn hơn 1.800 tỉ đồng DOÃN HÒA 05/11/2024 Sau 14 năm khởi công, dự án hồ thủy lợi Bản Mồng có tổng mức đầu tư hơn 5.550 tỉ đồng ở Nghệ An vẫn chưa hoàn thiện như dự kiến.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy 'giải oan' cho bệnh nhân mắc Wilson bị chẩn đoán nhầm tâm thần nhiều năm THU HIẾN 05/11/2024 Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa 'giải oan' cho một bệnh nhân nữ mắc bệnh Wilson hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm thành tâm thần phân liệt nhiều năm.
Cha mẹ giao xe máy cho con đừng vì 'con người ta có thì con mình cũng có' LÊ TẤN THỜI 05/11/2024 Phụ huynh nên cân nhắc khi giao xe máy cho con vì đó là sự an toàn, là tính mạng của con em mình.