23/07/2011 07:14 GMT+7

Quyện "ròm" đỗ thủ khoa

L.T.
L.T.

TT - Biết tin Nguyễn Trần Văn Quyện là “quán quân” kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM khi đã cuối chiều ngày 22-7, chúng tôi tìm đến xóm nhỏ ở vùng quê Mỹ Thạnh Tây (xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) để gặp gỡ chàng thủ khoa này.

D2A5grN5.jpgPhóng to
Quyện cùng cha mẹ - Ảnh: DUY THANH

Xóm nhỏ Mỹ Thạnh Tây như vỡ òa niềm vui khi hay tin Quyện đạt tổng cộng 26,75 điểm, là thủ khoa, khó ai nghĩ cậu học sinh gầy nhom, nhỏ con, ít nói và hơi rụt rè này lại tài năng đến vậy. Từ chiều, nhiều hàng xóm, bạn bè, thầy cô đến tận nhà hoặc gọi điện thoại liên tục chúc mừng, chia sẻ niềm vui của Quyện.

Niềm tin của người thầy

Trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho Uyên “chuối chiên”

Ban tổ chức chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2011 của báo Tuổi Trẻ vừa quyết định trao suất học bổng trị giá 5 triệu đồng cho bạn Ngô Hoàng Phương Uyên (nhân vật trong bài viết Uyên “chuối chiên” đi thi đại học, Tuổi Trẻ ngày 8-7-2011) - á khoa khối D Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM.

Cũng theo ban tổ chức học bổng, các tấm gương vượt khó học giỏi đã được thể hiện trên báo Tuổi Trẻ trong thời gian qua nếu trúng tuyển đại học đều được trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2011, trị giá 5 triệu đồng/suất.

Quyện cho hay khoảng 16g chiều 22-7, trong lúc ra tiệm Internet gần nhà để dò xem điểm thi đại học nhưng chưa thấy, thì ba em đi tìm và cho hay thầy giáo chủ nhiệm lớp 12A1 của Quyện điện về báo tin kết quả thi của em là toán 8,75 điểm, vật lý 9 điểm và hóa học 9 điểm. “Nghe số điểm cao như vậy em rất mừng, chỉ nghĩ chắc mình đỗ rồi, không dè khoảng mười phút sau thầy chủ nhiệm điện báo thêm em đỗ thủ khoa. Đó là điều bất ngờ mà em không dám nghĩ đến khi đi thi” - Quyện bộc bạch.

Chàng thủ khoa tuổi 18 cho biết khi làm xong bài thi, em đã đoán được hai môn sở trường là vật lý và hóa học sẽ đạt điểm cao, nhưng không yên tâm với môn toán vì làm bài không như mong muốn. Nhưng thầy giáo chủ nhiệm lớp 12A1 Huỳnh Ngọc Thoại không nghĩ như vậy. “Tôi từng nói trước cả lớp rằng em Quyện rất có khả năng đỗ cao, đỗ đầu vào trường mà em đã chọn vì Quyện rất xuất sắc ở hai môn vật lý, hóa học và khá chắc chắn ở môn toán”.

Có cha nhưng... mang họ mẹ

Ngồi trò chuyện với cha mẹ Quyện, chúng tôi thắc mắc vì sao người cha mang họ Trần, trong khi em lại họ Nguyễn. Thì ra cuộc đời của chàng tân thủ khoa này là một câu chuyện có khởi đầu trắc trở nhưng phần sau lại có hậu.

Ông Trần Kim Quang, cha Quyện, kể sau khi vợ ông mất vào năm 1988, một mình ông bươn chải bằng nghề làm nông nuôi bốn người con. Năm 1992 ông và bà Nguyễn Thị Thu Phương tìm hiểu nhau và năm 1993 Quyện ra đời. Tuy nhiên, do có nhiều sự ngăn cản nên ông Quang và bà Phương không thể tiến tới được. Quyện ra đời, làm khai sinh mang họ mẹ, lót họ cha và hai mẹ con sống trong căn nhà nhỏ ở thôn Mỹ Lệ Đông, cách nhà ông Quang khoảng 2km.

Tuổi thơ của Quyện thiếu vắng tình thương của cha, chỉ một mình mẹ bươn chải nuôi nấng, chăm sóc để Quyện học hành đầy đủ như bạn bè. Mãi đến năm 2004, khi Quyện bước vào cấp II, mới được cha đón về ở, bốn năm sau đó ông Quang đón bà Phương về ở chung. Quyện tâm sự mười mấy năm gia đình chưa sum vầy cũng là từng ấy năm em mang trong mình một nỗi buồn rất lớn. “Nhưng càng buồn em càng quyết tâm học tập thật tốt để... quên” - Quyện nói.

Bây giờ, hằng ngày hai vợ chồng ông Quang - bà Phương ra ruộng cấy cày, nuôi thêm gần 100 con gà, vịt để kiếm tiền lo cho Quyện ăn học. Ngoài giờ học tập Quyện thường xắt rau, trộn cám... đỡ đần cha mẹ.

Nỗi khổ của mẹ cha là động lực

aZTqNYut.jpgPhóng to
Thủ khoa Nguyễn Duy Hải - Ảnh: V.Đồng

“Mấy hôm con đi thi tôi không tài nào ngủ được. Thi xong, con về nhà rồi tôi vẫn trằn trọc, trông cho đến ngày biết điểm. Nay biết con đậu thủ khoa, vợ chồng tôi mừng rơi nước mắt. Anh em, làng xóm biết tin cũng đến chúc mừng” - chị Lê Thị Hà, mẹ của thủ khoa Trường đại học Ngoại thương Nguyễn Duy Hải (18 tuổi, trú tại xóm 5, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An), thổ lộ.

Chị Hà bảo: “Mong cho con đậu đại học là mừng lắm rồi chứ không dám mơ đến hai chữ thủ khoa. Thi đại học là chọi điểm với những học sinh được học nhiều hơn con tôi, trong khi đó con tôi học ở trường làng, lại không có tiền đi học “lò” nên tôi không dám tự tin”.

Ngoài việc làm ruộng với vợ, hết mùa cày bừa cấy hái, anh Nguyễn Duy Bốn (bố của Hải) còn tranh thủ đi làm thợ xây. Biết con đạt 29 điểm (toán 9,25 điểm, lý 9,5 điểm, hóa 10 điểm, tổng điểm 28,75 được làm tròn 29 điểm) người thợ xây lam lũ này mừng khôn xiết. Anh liệt kê những thành tích của con: 12 năm liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện của các cấp trường; lớp 5, học sinh giỏi môn toán, tiếng Việt của tỉnh; lớp 9 giải nhì tỉnh môn toán; lớp 12 giải nhất tỉnh môn toán với điểm tuyệt đối 20/20 điểm.

Trò chuyện về gia đình, Hải ngước nhìn lên mái nhà cấp bốn đã cũ, nói: “Động lực chính giúp tôi vượt lên là do bố mẹ vất vả quá. Mẹ đau yếu nhưng vẫn phải lặn lội mưa nắng ngoài đồng. Bố bị dị ứng với ximăng nên bị ngứa toàn thân. Khi ngứa quá thì bố phải nghỉ đi xây. Dịp đi xây, đêm nào về bố cũng phải bôi thuốc. Do tiền công ở nông thôn thấp nên mỗi tháng bố chỉ làm được số tiền vừa trang trải trong gia đình”.

L.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên