08/01/2017 10:22 GMT+7

Quyền lực Twitter Donald Trump

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Từ kinh tế đến chính trị - xã hội, từ trong nước đến nước ngoài, mỗi dòng trạng thái (tweet) trên Twitter của tổng thống đắc cử Donald Trump đều gần như ngay lập tức khiến mọi thứ chuyển động.

Twitter của ông Donald Trump và một số dòng tweet “chấn động” Ảnh chụp từ Twitter Donald Trump
Twitter của ông Donald Trump và một số dòng tweet “chấn động” - Ảnh chụp từ Twitter Donald Trump

Trả lời chương trình 60 phút của Đài CBS tháng 11-2016, ông Trump từng nói rằng sẽ hạn chế sử dụng Twitter sau khi chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20-1-2017. Chưa thể nói trước điều gì vì ngày đó chưa đến, nhưng ít nhất tới thời điểm này, Twitter Donald Trump vẫn nóng hầm hập với nhiều “chỉ đạo” đối nội, đối ngoại của người sắp bước vào Nhà Trắng.

Thế giới dưới những dòng tweet

Trung Quốc đã cấm cửa Twitter từ năm 2009, nhưng họ không thể ngó lơ hoàn toàn mạng xã hội của Mỹ này. Ít nhất Tân Hoa xã vẫn sử dụng tài khoản Twitter để thông tin toàn cầu. Ngày 4-1, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng đăng tải một bài viết cho rằng tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đang là một nỗi ám ảnh với “chính sách ngoại giao Twitter”.

Bài bình luận của Tân Hoa xã chứng minh rằng dù không xem đây là một kênh ngoại giao, phía Trung Quốc vẫn để ý từng động thái của ông Trump thông qua Twitter và nhiều tranh cãi cũng xuất phát từ mạng xã hội này.

Tháng 12-2016, Twitter là “kênh phát ngôn” của ông Trump về sự kiện Trung Quốc tịch thu tàu lặn không người lái của Mỹ. Đầu tháng 1 này, ông Trump tiếp tục dùng Twitter chỉ trích thái độ của Trung Quốc liên quan tới việc Triều Tiên tuyên bố kế hoạch bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Thậm chí một dòng tweet của ông Trump về cú điện thoại với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã khiến Trung Quốc phản ứng.

Trang Mashable (Mỹ) ngày 5-1 thừa nhận những dòng trạng thái của ông Trump trên Twitter giờ đây chính là tin tức. Ông Trump, người từng chỉ trích thậm tệ CNN hay The New York Times, đã không tổ chức bất kỳ buổi họp báo nào từ tháng 6-2016 và dự kiến chỉ có họp báo vào ngày 11-1, trước ngày nhậm chức. Tuy vậy, tin tức về ông, những phát ngôn của ông vẫn... xuất hiện đều đều.

Một dòng tweet, đi tỉ “đô”

Những dòng tweet dài không quá 140 ký tự trên đã giúp ích cho ông Trump rất nhiều trong việc đánh bại đối thủ tranh cử tổng thống Hillary Clinton, trong tư thế không có tờ báo lớn nào chống lưng cho ông tại Mỹ. Và đến nay, những dòng tweet của ông Trump xung quanh vấn đề việc làm, kinh tế tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến các công ty.

Các hãng xe đang là đích ngắm của ông Trump và gặp không ít rắc rối vì những dòng tweet trên tài khoản hiện có 18,8 triệu lượt người theo dõi này.

Ngày 3-1, ông Trump viết: “General Motors đang đưa những dòng xe Chevy Cruze do Mexico sản xuất đến các đại lý miễn thuế ở Mỹ qua biên giới. Hãy sản xuất xe tại Mỹ, hoặc chịu đóng thuế nhiều hơn”. Cổ phiếu General Motors lập tức sụt giá 3% sau dòng tweet ngắn ngủi ấy và chỉ hồi phục sau khi công ty này giải thích rằng số lượng lớn xe sản xuất tại Mexico đều nhằm phục vụ thị trường quốc tế, không phải ở Mỹ. Trong 190.000 chiếc Chevrolet Cruze bán ra ở Mỹ năm ngoái, chỉ 4.500 chiếc được làm tại Mexico. Nhờ Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hiện nay các công ty Mỹ có thể nhập khẩu hàng hóa không chịu thuế từ Mexico. Tuy nhiên, ông Trump tuyên bố NAFTA là hiệp định thương mại “tồi tệ nhất từ trước tới nay” và dọa đánh thuế 35% đối với xe làm từ Mexico bán sang Mỹ.

The Guardian ngày 4-1 cho biết Hãng xe Ford đã hủy kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Mexico trị giá 1,6 tỉ USD. Động thái này diễn ra chỉ một tháng sau khi ông Trump thỏa thuận với United Technologies về việc ngăn chặn 1.100 việc làm liên quan tới sản xuất tại bang Indiana ra khỏi nước Mỹ. Ngày 5-1, đến lượt Toyota rơi vào tầm ngắm. “Toyota Motor nói sẽ xây nhà máy mới ở Baja, Mexico để ráp xe Coralla cho Mỹ. Không đời nào! Xây nhà máy ở Mỹ hoặc đóng thuế nặng” - ông Trump viết trên Twitter.

Các hãng sản xuất như Boeing và Lockheed Martin cũng là “nạn nhân” từ những dòng tweet của tổng thống đắc cử. Đầu tháng 12-2016, ông Trump chê dự án chuyên cơ Air Force One 747 của Boeing có chi phí chế tạo quá đắt, những 4 tỉ USD, và nói rằng hủy đặt hàng. Dòng trạng thái ấy quét sạch 1 tỉ USD giá trị của Boeing trên thị trường trước lúc hồi phục.

Tương tự, ông Trump cũng khiến giá trị của Lockheed Martin biến động hàng tỉ USD sau khi lên Twitter nhận xét chương trình chế tạo tiêm kích F-35 tốn hàng tỉ USD, thay vào đó sẽ lấy tiền phục vụ quân đội hoặc tìm phương án thay thế.

Từ “tweet” mô phỏng tiếng kêu của loài chim, như biểu tượng chú chim xanh của Twitter. Mỗi dòng tweet bị giới hạn 140 ký tự để đúng tính chất thông điệp nhanh, ngắn gọn.

Khi ông Trump “tweet”, Seoul sẽ “lắng nghe”

Cơ quan phụ trách các vấn đề Bắc Mỹ của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vừa có thêm một vị trí nhân sự mới. Người này được giao đặc trách theo dõi các phát biểu trên Twitter của tổng thống đắc cử Donald Trump, nhất là các nội dung liên quan tới Hàn Quốc và các quốc gia Đông Bắc Á.

Theo nhật báo Korea JoongAng Daily của Hàn Quốc, trong quá trình gây dựng quan hệ với chính quyền mới của tổng thống đắc cử Donald Trump, Chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa nắm rõ nhiều quan điểm đối ngoại của ông Trump. Những thông tin gói gọn trong dòng trạng thái 140 ký tự trên Twitter của tổng thống đắc cử Mỹ sẽ giúp chính quyền Hàn Quốc có được cái nhìn sâu hơn về vấn đề này. Trước đây, tuyên bố của Washington về các chính sách ngoại giao chủ chốt sẽ thông qua Đại sứ quán Hàn Quốc tại Washington, sau đó cơ quan này sẽ tổng hợp thành báo cáo gửi về Seoul. Nhưng nay Hàn Quốc sẽ nắm được trực tiếp phần nào quan điểm của ông Trump thông qua các phát biểu của ông trên Twitter.

ĐỖ DƯƠNG

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên