Đó là những chiếc nón lá trên đầu và những bó hoa sen trên tay ông Wenger cùng các học trò; là cảnh đẹp của chùa Một Cột, của lăng Bác...
Chưa hết, hình ảnh con người VN đầy vẻ thân thiện cũng xuất hiện tràn ngập. Ví dụ, ảnh vedette của trang web Arsenal ngày hôm qua là một chàng trai Việt có nụ cười thật dễ mến, ngồi chung trên xe chở các thành viên Arsenal. Được biết, anh chàng này là một sinh viên, quá mê Arsenal nên chạy theo xe chở đội này suốt mấy cây số.
Ông Wenger nhận thấy sức hút thật đẹp từ anh chàng cổ động viên này nên chủ động mời lên xe để toàn đội ký tặng lên chiếc áo truyền thống của Arsenal mà anh đang mặc. Xem đến đây, tôi chợt nhớ trước đó vài ngày, ông Wenger đã kinh hãi lẩn tránh fan của Arsenal tại Indonesia vì cuồng nhiệt quá mức.
Tôi không có các công cụ để thống kê một cách đầy đủ rằng có bao nhiêu lượt người ở nước ngoài xem những hình ảnh đẹp này, nhưng chắc chắn con số sẽ là không nhỏ.
Đơn giản bởi Arsenal là một đội bóng có hàng trăm ngàn người Anh mê mẩn, cùng vô số fan ở các nước, chẳng thế mà mỗi năm chỉ mỗi chuyện tham quan sân Emirates thôi cũng đã có vài trăm ngàn lượt du khách.
Một ông Wenger nào chỉ có các fan của Arsenal yêu thích, mà còn vô số người Pháp cũng yêu không kém. Một Podolski là người hùng của tuyển Đức, nên chân sút này đâu chỉ có fan của Arsenal mê. Và Arsenal thì đâu chỉ có Wenger với Podolski.
Như thế, chúng ta hẳn cũng mường tượng được thắng lợi đầu tiên của sự kiện đón Arsenal đến VN, khi tổ chức chu đáo và có ý tưởng tốt trong việc tận dụng cơ hội để quảng bá thương hiệu đất nước.
Năm 2008, VN đã chi gần 5 tỉ đồng để quảng cáo du lịch nước nhà trên CNN phát trong khu vực châu Á. Mới nhất, hồi tháng 4 năm nay, Ninh Bình và Bộ VH-TT&DL cũng đã chi 7 tỉ đồng để phát 180 lượt spot quảng cáo (30 giây) cảnh đẹp Tràng An trên CNN trong một tháng ở khu vực châu Âu.
Nhắc lại những chuyện này để nhiều người đừng vội mắng là “nghèo mà chơi sang” khi mời Arsenal. Nếu chỉ nhìn ở góc độ giải trí bằng một trận đá bóng thì thấy phí, nhưng nếu nhìn thấy cả chuyện quảng bá hình ảnh đất nước thì chưa chắc.
Cái này gọi là “quyền lực mềm” - một khái niệm được đưa ra bởi giáo sư Joseph Samuel Nye của Đại học Harvard hồi năm 1990, nhưng đến giờ chúng ta vẫn chưa thực hiện nhuần nhuyễn.
Nhắc đến việc sử dụng quyền lực mềm, vừa rồi tôi thấy K+ rao vào lúc 20g tối 17-7 sẽ truyền hình trực tiếp trận đấu của CLB Chelsea đá với tuyển các ngôi sao Thái Lan.
Lần đầu tiên VN mới đón tiếp một đội bóng nổi tiếng của Anh, còn người Thái đã làm chuyện này quá quen thuộc. Như năm nay, họ vừa mới tiễn Manchester United đi thì đón ngay Chelsea tới. Qua những thắng lợi ban đầu của sự kiện đón Arsenal, tôi lờ mờ nhận thấy người Thái thường xuyên mời các đội bóng ngôi sao đến chơi nhà không chỉ vì mỗi chuyện bóng đá. Phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến họ trở thành bậc thầy trong việc thu hút khách du lịch?
Đến đây, lại tự hỏi không biết có nước nào truyền hình trực tiếp trận tuyển VN - Arsenal không nhỉ? Phía VTV cho biết họ chỉ có trách nhiệm thực hiện hợp đồng với ban tổ chức trận đấu là cung cấp sóng sạch cho Arsenal, còn sau đó đội bóng này có phát cho ai không thì chẳng biết. Ai sẽ là tổng đạo diễn cho một chiến dịch thật sự khi đón Arsenal, chứ không phải may nhờ rủi chịu?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận