Quyền lực cốt lõi và hướng đi mới của Trung Quốc

NGUYỄN THÀNH TRUNG 16/11/2016 17:11 GMT+7

TTCT - Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” để làm trong sạch đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn đã kỷ luật 1 triệu trong hơn 88 triệu đảng viên sẽ diễn tiến ra sao, nhất là sau Hội nghị trung ương VI của BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 vừa kết thúc với sự tham dự của gần 400 đại biểu cao cấp, một sự kiện mà theo truyền thống của đảng này, các chính sách quan trọng thường được thông qua.

Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Vương Kỳ Sơn-nybooks.com
Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Vương Kỳ Sơn-nybooks.com


Còn nhớ ở Hội nghị trung ương III khóa 11 vào tháng 11-1978, chính sách cải cách mở cửa của Trung Quốc được chính thức thông qua. Trong Hội nghị trung ương V khóa 18 năm 2015, Trung Quốc chính thức bãi bỏ chính sách kế hoạch hóa dân số được duy trì suốt từ những năm 1980 và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm từ 2015-2020.

Chính vì vậy, Hội nghị trung ương VI vừa rồi thu hút rất nhiều sự chú ý, trong bối cảnh khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 chỉ còn một năm nữa là diễn ra với nhiều đồn đoán về sắp xếp nhân sự, cũng như trong bối cảnh Tổng bí thư Tập Cận Bình đang tập trung quyền lực.

Ngoài chức vụ chủ tịch Quân ủy trung ương, trong tháng 4 vừa qua ông Tập giữ thêm chức vụ tổng chỉ huy liên hợp quân ủy (tương đương chức tổng tư lệnh quân đội). Điều này dẫn đến nhiều phán đoán cho rằng ông Tập sẽ củng cố quyền lực trong hội nghị này để tạo thuận lợi cho việc nắm giữ chức tổng bí thư ba nhiệm kỳ.

Chỉnh đốn Đảng

Trong khi chủ đề của các hội nghị trung ương trước là về cải cách kinh tế, cải cách luật pháp thì điểm chính của Hội nghị trung ương VI lần này tập trung vào công tác xây dựng đảng, bao gồm vạch đường hướng phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như quy định điều lệ mới để cải thiện kỷ luật trong đảng khi hội nghị thông qua hai văn kiện chính:

“Bộ quy chuẩn sinh hoạt chính trị trong đảng trong tình hình mới” (Chế định tân hình thế hạ đảng nội chính trị sinh hoạt nhược can chuẩn tắc) và “Điều lệ giám sát trong đảng” (Trung Quốc cộng sản đảng nội giám điều lệ).

Nghị quyết cũng nhấn mạnh xây dựng nền chính trị trong sạch và tiếp tục chiến dịch chống tham nhũng là một nhiệm vụ quan trọng trong việc củng cố và thể chế hóa đời sống chính trị trong đảng.

Điều đáng lưu ý là ông Tập cũng yêu cầu các đảng viên không được chỉ trích vô căn cứ lãnh đạo. Điều này có thể hiểu là các nhà lãnh đạo cao cấp trong đảng sẽ mạnh tay với các chỉ trích phê bình quá đà, và đề cao sự đoàn kết thống nhất trong đảng.

Trong hệ thống Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều lệ đảng cũng như kỷ luật đảng được coi là công cụ để đảng tự kiểm soát, và thông điệp của Hội nghị trung ương VI là không chỉ cá nhân trong đảng vi phạm sẽ bị trừng phạt, mà kể cả các tổ chức đảng và các cơ quan kỷ luật giám sát cũng sẽ phải chịu trách nhiệm.

Nghị quyết của hội nghị nêu rõ “giám sát là biện pháp cơ bản để bảo đảm thực hiện quyền lực một cách hợp lý cũng như là biện pháp quan trọng để tăng cường và điều hành sinh hoạt chính trị trong đảng”. Nghị quyết còn kêu gọi tăng cường kiểm tra nội bộ trong đảng, nghiêm khắc trừng trị các hành vi vi phạm, đặc biệt là tham nhũng.

Ông Tập cũng yêu cầu tất cả các ủy viên Trung ương Đảng và thành viên gia đình phải khai báo tài sản. Nghị quyết nhấn mạnh không có vùng cấm hay ngoại lệ trong kiểm tra đảng.

Điều này có nghĩa Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi” để làm trong sạch đảng. Cho đến nay, chiến dịch này đã kỷ luật 1 triệu trong hơn 88 triệu đảng viên, giúp ông Tập chiếm được cảm tình của người dân Trung Quốc.

Nghị quyết Hội nghị trung ương VI cho thấy ông Tập sẽ không dừng lại khi ông vẫn chưa diệt được con hổ lớn nhất.

Việc triển khai đúng như nghị quyết và bộ quy chuẩn sẽ còn là một quá trình đấu tranh lâu dài trong chính nội bộ đảng, nhưng ít ra hai văn kiện mới đã chỉ khá rõ đường hướng tiếp theo.

Về mặt hiệu ứng, bộ quy chuẩn sinh hoạt chính trị trong đảng và giám sát trong đảng cũng gửi đi thông điệp quyết tâm thúc đẩy tính minh bạch trong quy trình ra quyết định ở chính quyền cấp dưới, nhằm chiếm được lòng tin của nhân dân với chính quyền trung ương, góp phần xây dựng hình ảnh tích cực của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với nước ngoài.

Lãnh đạo cốt lõi hay lãnh đạo tập thể

Ngoài ra, một điểm quan trọng khác của Hội nghị trung ương VI là đoạn cuối của nghị quyết kêu gọi tất cả các đảng viên đoàn kết xung quanh BCH Trung ương Đảng với Tổng bí thư Tập Cận Bình làm “lãnh đạo cốt lõi (hạt nhân)”.

Danh xưng “lãnh đạo cốt lõi” hay “lãnh đạo hạt nhân” (hexin lingdao) đặt Tập Cận Bình ngang hàng với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, hai nhà lãnh đạo của thế hệ thứ nhất và thứ hai của nước CHND Trung Hoa.

Cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân cũng được gọi là “cốt lõi (hạt nhân)” của thế hệ lãnh đạo thứ ba. Tuy nhiên, người kế nhiệm của ông Giang, tổng bí thư Hồ Cẩm Đào, tức thế hệ lãnh đạo thứ tư, chưa bao giờ đạt được vai trò này. Đối với chính trị trong nước, vai trò “lãnh đạo cốt lõi” củng cố vị trí của ông Tập trong đảng.

Một bài bình luận trên tờ Nhật Báo Nhân Dân của Trung Quốc nhận xét rằng Hội nghị trung ương VI đã củng cố vị trí của ông Tập, giải thích “lãnh đạo cốt lõi” là cần thiết để đoàn kết đảng vượt qua khó khăn và tiếp tục tiến bước.

Ông Đặng Mậu Sinh, thành viên ban soạn thảo nghị quyết Hội nghị trung ương VI, cho rằng vị trí mới của ông Tập sẽ giúp ông vượt qua trở ngại trong đảng để thúc đẩy cải cách.

Ngoài ra, vai trò “lãnh đạo cốt lõi” cũng được cho là sẽ giúp ông không bị giới hạn bởi nhiệm kỳ lãnh đạo, mặc dù trong nghị quyết của hội nghị, danh xưng “lãnh đạo cốt lõi” (hạt nhân) của ông Tập chỉ được nhắc hai lần và không có miêu tả cụ thể về vai trò này.

Hội nghị cũng xác định thời gian Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 sẽ diễn ra là vào nửa cuối năm 2017, trong bối cảnh ông Tập vẫn chưa xác định người kế nhiệm khi ông chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ thứ hai.

Theo hiến pháp Trung Quốc, chức vụ chủ tịch nước, một chức vụ khác của ông Tập, sẽ không được giữ quá hai nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, chức tổng bí thư thì không có quy định chính thức về số nhiệm kỳ mà một lãnh đạo đảng có thể giữ. Kể từ thập niên 1990, bắt đầu với thời kỳ tổng bí thư Giang Trạch Dân, xu hướng chung được mặc nhiên thừa nhận là lãnh đạo đảng chỉ giữ hai nhiệm kỳ, và người kế thừa sẽ dần lộ diện trước công chúng trước khi người đương chức bước vào nhiệm kỳ thứ hai.

Điều quan trọng là quy trình lựa chọn người kế thừa phải được sự đồng thuận trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của đảng.

Cũng cần nhắc rằng nguyên tắc lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước giờ là “lãnh đạo tập thể”. Với việc nghị quyết đồng thời kêu gọi toàn thể đảng viên đoàn kết dưới sự lãnh đạo cốt lõi của Tổng bí thư Tập Cận Bình, khả năng cân bằng giữa nguyên tắc lãnh đạo tập thể và lãnh đạo cốt lõi có thể sẽ khác.

Quyền lực của ông Tập, trong khi đó, vẫn chưa thể sánh với những người tiền nhiệm như Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình, bởi “chế độ chính trị Trung Quốc hiện tại đã ổn định hơn và có tính quy trình rõ ràng”, theo bình luận của The New York Times.

Dẫu vậy, ông Tập “đã tạo được một nhóm lãnh đạo dưới quyền của ông” để ra chính sách, cũng như trao thêm quyền lực cho cơ quan kỷ luật của đảng. Thời điểm của việc đảng trao cho ông Tập vai trò “lãnh đạo cốt lõi” cũng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ để tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng mà còn để chuẩn bị cho Đại hội đảng 2017.

Nguyên tắc lãnh đạo tập thể sẽ được thử thách nhiều trong việc xác định tuổi về hưu ở kỳ đại hội đảng năm sau. Tuổi về hưu của ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện là 68. Khi đại hội đảng diễn ra vào năm tới, 5/7 ủy viên thường vụ đương chức sẽ phải về hưu, ngoại trừ hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.

Ông Tập năm nay 63 tuổi, còn ông Lý Khắc Cường 61. Câu hỏi đặt ra là liệu có thay đổi gì với quy định này không, khi người được cho là cánh tay phải của ông Tập đồng thời là lãnh đạo chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” Vương Kỳ Sơn sẽ 69 tuổi vào năm 2017.

Thậm chí còn xuất hiện cả tin đồn đoán nói ông Vương sẽ thay ông Lý làm thủ tướng. Ngoài ra, Bộ Chính trị Trung Quốc gồm 25 người sẽ chứng kiến gần phân nửa số ủy viên về hưu vào kỳ đại hội đảng năm tới.

Việc thay đổi độ tuổi về hưu không phải là chưa có tiền lệ trên chính trường Trung Quốc. Cũng có khả năng ông Tập sẽ làm tiếp nhiệm kỳ thứ ba sau Đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022, dù không nhất thiết việc chưa chọn người kế nhiệm đồng nghĩa với việc ông Tập sẽ tiếp tục nắm giữ những chức vụ cao nhất sau đó. Mọi chuyện sẽ rõ hơn trước kỳ đại hội đảng vào năm sau.■

Nhốt quyền lực trong lồng chế độ

Bộ quy chuẩn mới (về sinh hoạt chính trị trong đảng dưới tình hình mới) có nhiều nội dung phong phú, trong đó có nói nhiều đến vấn đề đáng quan tâm như tuyển chọn sử dụng cán bộ trong giai đoạn chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng tiếp theo vào năm 2017, hay các vấn đề giám sát cán bộ cao cấp, tính dân chủ trong đảng.

Cấm hành vi mặc cả trong đảng: Các tổ chức đảng phải tự giác ngăn ngừa và sửa đổi những vấn đề tồn tại trong tuyển dụng.

Nghiêm cấm các hành vi mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền, vận động cử tri bỏ phiếu sai quy định; nghiêm cấm xin xỏ chức vụ, danh hiệu hay chế độ đãi ngộ trong đảng; nghiêm cấm hành vi mặc cả trong đảng, không được tuyển dụng người nhà, bà con thân thuộc, không được hứa hẹn đề bạt chức vụ, tiết lộ thông tin nhân sự, mua chuộc cán bộ, cá nhân không được gửi gắm hay có văn bản về vấn đề đề bạt cán bộ.

Không có đảng viên đặc quyền: Tăng cường giám sát cán bộ lãnh đạo, trong đảng không cho phép sự tồn tại những quyền lực không chịu sự ràng buộc, không chấp nhận tồn tại những đảng viên đặc thù không chịu sự giám sát của pháp luật.

Nhốt quyền lực trong chiếc lồng chế độ: Hoàn thành cơ chế giám sát ràng buộc thực thi quyền lực, hình thành chế độ có quyền lực phải có trách nhiệm, sử dụng quyền lực phải gánh vác trách nhiệm, lạm quyền phải bị truy cứu trách nhiệm.

Thực hiện chế độ liệt kê quyền lực, công khai kết quả quá trình thực thi quyền lực, kiện toàn cơ chế truy cứu trách nhiệm sử dụng quyền lực không thích đáng, quyền lực được nhốt trong chiếc lồng chế độ, quyền lực được vận hành công khai dưới ánh mặt trời.

CẢNH CHÁNH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận