Ngày 30-5, bồi thẩm đoàn của Tòa án Tối cao Manhattan (thành phố New York) đã kết tội cựu tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan việc làm giả hồ sơ để che đậy khoản thanh toán nhằm “bịt miệng” ngôi sao khiêu dâm Stormy Daniels.
Việc 12 thành viên bồi thẩm đoàn kết tội với ông Trump đã đặt ra một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử chính trị Mỹ khi ông là cựu tổng thống đầu tiên bị nhận định có tội hình sự. Đồng thời, ông Trump cũng có thể là ứng cử viên đầu tiên của một đảng lớn (Đảng Cộng hòa) bị kết tội.
Việc bị kết tội hình sự có thể khiến ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa đối mặt với một số vấn đề và hạn chế mới về quyền lợi.
Quyền tranh cử tổng thống
Các chuyên gia pháp lý khẳng định ông Trump hoàn toàn có thể tham gia tranh cử tổng thống. Theo Hiến pháp Mỹ, các cá nhân trên 35 tuổi, có tư cách công dân bẩm sinh và sống ở Mỹ ít nhất 14 năm đều đủ điều kiện để tham gia tranh cử.
Trước ông Trump, ứng cử viên Eugene V. Debs của Đảng Xã hội chủ nghĩa Mỹ từng bị kết án vào thời điểm diễn ra bầu cử Mỹ năm 1920 vì tội xúi giục nổi loạn. Tuy nhiên, ông Eugene V. Debs sau đó vẫn giành được 3,4% trong tổng số phiếu bầu.
Quyền bỏ phiếu
Theo Đài ABC news, cựu tổng thống Donald Trump có thể tham gia bỏ phiếu như bình thường trừ khi ông bị bỏ tù.
Hãng tin Reuters nhận định ông Trump có thể phải đối mặt với mức án từ 16 tháng tới tối đa 4 năm tù.
Tuy nhiên, hãng tin này cho rằng thực tế sẽ không thể có chuyện ông Trump bị bỏ tù. Bởi lẽ hiếm khi những người không có tiền án tiền sự liên quan việc làm giả hồ sơ kinh doanh lại bị kết án tù ở New York. Các hình thức như phạt tiền hoặc quản chế phổ biến hơn.
Mặc dù luật pháp Florida - nơi ông Trump đăng ký bỏ phiếu, cấm những cá nhân bị kết tội hình sự nghiêm trọng tham gia bỏ phiếu cho đến khi hoàn thành án phạt. Tuy nhiên, luật pháp New York lại cho phép vị cựu tổng thống duy trì quyền bầu cử của mình.
Đáng lưu ý là luật pháp Florida quy định người phạm tội sẽ không đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu nếu tòa án của bang mà cá nhân đó bị kết án cấm người đó tham gia bỏ phiếu.
Nói cách khác, Florida quy định nếu một người từng phạm tội ở một bang khác và bản án đó không ảnh hưởng đến quyền bỏ phiếu của họ tại bang đó, thì khi người đó chuyển đến Florida, họ vẫn đủ điều kiện bỏ phiếu.
Vì vậy vị cựu tổng thống sẽ không mất đi quyền bỏ phiếu của mình miễn là ông Trump không ở tù vào thời điểm đó.
Ông Ron DeSantis - thống đốc Florida và là người từng chạy đua vị trí ứng viên tổng thống với ông Trump - vừa qua đã khẳng định ông Trump vẫn có quyền bỏ phiếu tại bang này.
Quyền sở hữu súng
Các chuyên gia pháp lý khẳng định ông Trump không được phép sở hữu súng, kể từ khi phán quyết của tòa án New York có hiệu lực.
Luật pháp liên bang và luật pháp New York đều cấm những người bị tuyên phạm tội hình sự sử dụng súng một cách hợp pháp.
Tuy nhiên ông Donald Trump từng tiết lộ với tờ Washington Times vào năm 2012 rằng ông có giấy phép mang theo súng giấu kín và sở hữu súng. Vì vậy, phán quyết của tòa án nhiều khả năng sẽ không ảnh hưởng lớn đến việc vị cựu tổng thống có thể sở hữu súng hay không.
“Ông ấy (Donald Trump) có thể tìm cách khôi phục quyền sở hữu súng vì ông ấy chỉ bị kết án với tội danh bất bạo động ở mức độ nhẹ”, Đài ABC News dẫn lời nhận định của bà Cheryl Bader - giáo sư Luật tại Đại học Fordham - nói.
Quyền xuất cảnh
Vị ứng cử viên của Đảng Cộng hòa vẫn có thể đi du lịch, tuy nhiên ông Trump có thể phải đối diện với những hạn chế đi lại đáng kể trên khắp thế giới.
Điều này xuất phát từ chính sách nhập cảnh nghiêm ngặt của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với người có tiền án trọng tội.
Trước đó, tạp chí Newsweek ngày 31-5 cho biết nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện các yêu cầu nhập cảnh nghiêm ngặt để bảo vệ công dân và đảm bảo an ninh trong nước.
Dẫn trang thông tin và phân tích về dân số thế giới World Population Review, tạp chí Newsweek cho biết Trung Quốc, Israel, các nước G7 như Canada, Anh, Nhật Bản đã thiết lập chính sách cấm nhập cảnh đối với các cá nhân có tiền án trọng tội.
Các nước này có thể tự động từ chối cấp thị thực hoặc giấy phép nhập cảnh đối với những người bị kết tội hình sự.
16 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm nhập cảnh với người bị kết tội hình sự bao gồm: Argentina, Úc, Canada, Trung Quốc, Cuba, Ấn Độ, Iran, Israel, Nhật Bản, Kenya, Macau, New Zealand, Nam Phi, Đài Loan, Anh, Mỹ.
Tuy nhiên giới quan sát quốc tế lập luận quy định nhập cảnh của từng quốc gia có thể thay đổi linh hoạt và được quyết định theo từng trường hợp cụ thể dựa trên tội danh.
Theo bà Betsy Ginsberg - giáo sư tại Trường luật Cardozo, những quy định trên có thể gây khó khăn cho ông Trump. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng chính phủ các nước có thể cân nhắc đưa ra ngoại lệ dành cho vị cựu tổng thống của Đảng Cộng hòa.
Ông Trump có được mật vụ bảo vệ nếu ngồi tù?
Nói với Đài CNN, ông Anthony Guglielmi - giám đốc truyền thông của Sở Mật vụ Mỹ, khẳng định phán quyết của Tòa án Tối cao Manhattan không ảnh hưởng gì đến sứ mệnh bảo vệ các vị cựu tổng thống và tổng thống của mật vụ Mỹ.
Ông Guglielmi nhấn mạnh các biện pháp bảo vệ an toàn cho cựu tổng thống Donald Trump vẫn được duy trì và không có gì thay đổi.
Mời bạn đọc theo dõi chuyên trang bầu cử tổng thống Mỹ 2024 của Tuổi Trẻ Online tại đây
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận