Nghệ sĩ Quyền Linh được khán giả nhớ tới không chỉ là một nghệ sĩ mà còn là một người hoạt động thiện nguyện tích cực - Ảnh: NVCC
Người ngoài mình còn chạy đi giúp người ta được thì em út trong nhà chẳng lẽ không lo
Nghệ sĩ Quyền Linh
Những câu chuyện của họ như câu chuyện về tình anh em của bao mái nhà Việt có lẽ sẽ khiến người đọc đầy cảm xúc khi nghĩ về gia đình!
Quyền Linh: người anh, người thầy
Khán giả yêu mến diễn viên Quyền Linh ắt hẳn đã từng đọc đâu đó về quãng đời cơ cực thuở bé với một bầy em nhỏ của anh.
Trong gia đình đó, ngoài Quyền Linh nổi tiếng, còn hai người em cũng hoạt động nghệ thuật mà ít người biết. Đó là diễn viên múa rối Huyền Huy và đạo diễn Quyền Lộc.
Đồng hành cùng giấc mơ của em trai
Huyền Huy là em trai kế Quyền Linh. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh được Quyền Linh đưa lên TP.HCM gửi đi học may để có cái nghề sinh sống. Anh trai đang học Trường Nghệ thuật sân khấu II, cũng có đóng vài vai nhỏ nhỏ trên phim nhưng Huyền Huy lại chẳng để ý.
Đến một ngày nhớ nhà quá anh vô Thảo cầm viên chơi, thấy người ta diễn rối nước anh đứng coi mê. Sau bữa đó về anh nằng nặc đòi theo đoàn rối học nghề. Quyền Linh khá ngạc nhiên nhưng cũng khuyên em thích thì phải cố gắng hết sức.
Đó là những năm 1995, 1996 Huyền Huy mày mò tập từ động tác nhỏ, vì mê nên anh siêng năng và biết rất nhanh. Suất diễn đầu tiên lãnh được 10.000 đồng anh bươn bả chạy từ Đa Kao qua Trường Sân khấu để khoe với anh trai cho bằng được.
Con đường nghệ thuật "ngang hông" đó đã cuốn Huyền Huy đi tới mười mấy năm. Từ một người chẳng biết rối nước là gì, anh trở thành diễn viên giỏi nghề rồi làm trưởng một đội rối nước của Đoàn nghệ thuật múa rối TP.HCM, được tham gia lưu diễn ở Mỹ, Canada…
Đến một ngày, Huy đi khám phát hiện anh có cục bướu trong não phải phẫu thuật. Quyền Linh đang quay phim ở Bến Tre phải bỏ hết chạy về TP.HCM trong đêm để lo cho em. Bệnh phức tạp nên phải phẫu thuật mấy lần, điều trị một thời gian dài.
Và sau đó sức khỏe của anh trở nên sa sút. Không được làm nghề nhớ chịu không nổi, Huy lén theo một đoàn rối tư nhân diễn đâu được 8, 9 suất thì ông anh phát hiện lôi về. Biết em đam mê lắm nhưng sức khỏe không bảo đảm nên Quyền Linh đem em về nhà ở chung, anh kề cận chăm sóc em trai. Rồi đưa em về quê Tiền Giang cho trồng rau, nuôi cá để khuây khỏa đầu óc.
Cách đây 2 năm, Quyền Linh đầu tư vào khu du lịch Giếng Tiên ở Sóc Trăng, anh để một người em trai và Huyền Huy trông coi việc xây dựng. "Mùa dịch này ảnh chạy suốt nhưng lúc nào rảnh lại hỏi thăm anh em tôi.
Căn dặn giãn cách xã hội người ta kêu ở nhà thì phải tuân thủ không được đi đâu. Rồi ảnh tìm cách gởi đồ đủ thứ, nào là nước xịt khuẩn, khẩu trang, thực phẩm… Nhà có nhiêu đứa em là ảnh luôn ngó mắt tới. Tánh ảnh nóng dữ lắm, có gì la ầm ầm, nguội xuống thì cười hề hề, lại chạy xấc bấc xang bang lo cho em!" - Huyền Huy cười nói về anh trai.
Quyền Linh trong một game show - Ảnh: NVCC
"Đánh vật" thay đổi cậu em
Khi ba mẹ Quyền Linh chia tay, ba anh đi bước nữa và sanh ra Quyền Lộc. Thuở nhỏ, vì mẹ bị bể hụi nên gia đình lâm vào cảnh túng bấn. Quyền Lộc có cả chục năm trời ngủ lây lất ở các sạp hàng trong cái chợ nhỏ ở quận 12 vì không có nhà.
Tuổi mới lớn, Lộc trở thành cậu bé quậy… xám hồn! Đua xe, đánh bài, cờ bạc… cậu chơi tất, may còn chừa hút chích. Lộc còn cả gan dám cầm giấy tờ nhà gán nợ khiến ba má phải bán nhà trả nợ. Ba vì quá giận đổ bệnh. Ngày Quyền Linh về thăm ba, ông nắm tay nhờ vả: "Con ráng giúp ba dạy nó, chứ nó cứ quậy hoài ba chết sớm!".
Đó cũng là lần đầu tiên cậu bé Lộc 16, 17 tuổi mới có dịp tiếp cận với anh trai. Quyền Linh suy nghĩ mãi và quyết định cho Lộc thi vào Trường Nghệ thuật sân khấu II với suy nghĩ biết đâu nghệ thuật hấp dẫn cậu nhóc đỡ ham chơi.
Ba biểu học thì Lộc học với điều kiện phải cho tiền mới chịu đi học. Lần thi năng khiếu chính Quyền Linh là người tập tiểu phẩm cho Lộc, lôi ông nhỏ về cho ăn, ôn bài. Tới bữa thi hộ tống tới trường, ngồi miết bên dưới hồi hộp coi em thi.
Cậu nhóc hơi xấu trai nhưng được giám khảo đánh giá diễn chân thật và đậu vào trường một cách ngoạn mục. Nhưng điều mà chính cậu không ngờ là khi diễn đến phút cuối, nhìn ánh mắt đầy lo lắng của anh trai bên dưới, tự nhiên cậu chỉ muốn trào nước mắt.
Và hành trình sau đó như cuộc "đánh vật" với ông em mà theo Quyền Linh là đứa cứng đầu, cá tính nhất nhà. Nhiều lúc cậu em quậy khiến ông anh phát điên nhưng rồi nghĩ nó là em mình, ráng cố gắng uốn nắn từ từ. Sự kiên trì của anh trai đã khiến cậu em thay đổi đến mức nhiều người quen trước đó không tin là sự thật.
Mỗi lần về thăm nhà ở quận 12, Lộc trở thành "tấm gương" để mấy dì trong xóm dạy con về chuyện… hoàn lương! Quyền Lộc tham gia đóng kịch, ra Bắc đóng phim Ma làng, Những người độc thân vui vẻ…
Rồi đi học thêm đạo diễn và giờ sát cánh bên anh trai làm rất nhiều chương trình vì cộng đồng như Tiếp sức hồi sinh, Mở cửa tương lai, Mong đợi một ngày vui, Ánh sáng ngày mai, Vui cùng con cháu…
Lộc tâm sự: "Với tôi, anh Linh đúng là người thầy kiên nhẫn từng chút một để uốn nắn tôi. Mùa dịch vừa qua, chung cư tôi ở cứ bị phong tỏa miết nên không phụ anh Linh làm từ thiện được. Vậy chứ cứ vài ba bữa anh lại ghé ngang tiếp tế lương thực cho em.
Nhìn anh đầu trần, đen thui hối hả chạy đi giữa trưa nắng mà tôi chỉ muốn khóc. Gần gũi anh riết rồi cũng bị ảnh hưởng, cũng muốn làm từ thiện. Không được đi ra ngoài, bằng mối quan hệ của mình, tôi cũng cố gắng liên hệ được mấy tấn rau củ để chia sẻ với bà con".
Với Quyền Linh, ở vị trí người anh lớn dường như đã tập cho anh thói quen phải để ý, chăm sóc đàn em. Anh nói người ngoài mình còn chạy đi giúp người ta được thì em út trong nhà chẳng lẽ không lo.
Mà cái lo của Quyền Linh làm sao để các em không ỷ lại. Anh biết hết tình trạng của các em nhưng không ra mặt, anh nhờ người này người kia tác động, hỗ trợ, giúp cho các em cách tự lập.
"Mỗi lần nhờ vậy tôi đều nói người quen đừng cho biết là tôi nhờ để các em có thêm sự tự tin!", Quyền Linh chia sẻ. Quyền Lộc tự đi xin làm đạo diễn chương trình, nhà sản xuất đều gọi Quyền Linh hỏi trước. Anh phân tích thế mạnh của em mình và để họ tự quyết định.
Quyền Linh không cho em ỷ lại vào mình nên ai quen biết sẽ thấy Quyền Lộc cực kỳ chịu khó, anh lăn xả học nghề từ những vị trí nhỏ nhất trên phim trường, bởi Lộc đã học được từ anh trai là không ai mạo hiểm giao chương trình cho mình chỉ vì quen biết.
Quyền Linh đang nghĩ đến ngày sẽ xây dựng một sân khấu múa rối nước để cậu em Huyền Huy sau một thời gian tịnh dưỡng có thể tiếp tục đam mê.
Anh trai như thế, hỏi sao đàn em không thấy ấm áp mỗi khi nghĩ về.
Nữ nghệ sĩ Thoại Mỹ - Ảnh: LINH ĐOAN
Có một người chị cùng nghề là may mắn của mình vì có sẵn bàn đạp từ ngày đầu, được chị chỉ dẫn từng li từng tí. Mình có thể chia sẻ được với chị rất nhiều điều từ chuyện nghề chuyện đời. Về chuyên môn, không ai nhận xét, nói thật với mình bằng chị ruột của mình!
Nghệ sĩ Thoại Mỹ
Thoại Miêu: người chị, người mẹ
Thoại Mỹ, Ngọc Huyền, Kim Tử Long… được xem là thế hệ nghệ sĩ trẻ thành công từ lớp đào tạo diễn viên của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Khởi đầu cho sự ảnh hưởng và định hướng con đường nghề của cô đào tài sắc Thoại Mỹ chính là từ người chị ruột - NSND Thoại Miêu, nguyên trưởng đoàn 1 Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Theo chị đi hát
Thoại Miêu và Thoại Mỹ sanh ra trong gia đình có tới 12 người con. Thoại Miêu thứ 5, còn Thoại Mỹ áp út. Cách nhau tới 16 tuổi nên hồi mẹ sanh Thoại Mỹ, Thoại Miêu là người ẵm bồng em mỗi ngày, vất vả chăm sóc cho cô em đẹt ngắt hay bệnh vặt.
Được bà nội nuôi phát hiện có năng khiếu và cho tiền theo học cải lương ở Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ, sau năm 1975 Thoại Miêu về công tác tại Đoàn Văn công thành phố, ở khu tập thể trong quận 5.
Hồi đó bé Mỹ ở cùng ba má ngoài quận 3, cứ cuối tuần má dắt vô quận 5 đem cơm cho chị Thoại Miêu và coi chị hát. Mỗi mùa hè lại được chị dẫn theo đoàn lưu diễn miền Trung cả tháng trời.
Thấy Mỹ hay say mê dòm chị hóa trang, dòm chị hát, Thoại Miêu dắt em về phòng tập thể ở chung, chuyển trường từ quận 3 sang quận 5. Ngày nào cũng vậy, chị hát thì em đeo cánh gà coi miết.
Lúc đó đoàn văn công đang diễn vở Cây sầu riêng trổ bông, nghệ sĩ Lệ Thủy là đào chánh còn Thoại Miêu đóng đào nhì. Một bữa, cô bé đóng Sầu Riêng đổ bệnh đột ngột.
Cả đoàn luýnh quýnh, nhìn quanh quất nghệ sĩ Lệ Thủy mới hỏi Thoại Miêu: "Ê, bé em mày bữa nào cũng coi, nó hát được không cho nó đóng thử!". Thoại Miêu giật mình vì con bé nhút nhát Ngọc Mỹ (tên thật của Thoại Mỹ) có bao giờ nghêu ngao hát hay diễn cho chị coi bao giờ đâu.
Ngặt cái giờ gấp quá kiếm người đâu ra, vậy là chị hồi hộp hỏi Mỹ: "Em thuộc vai này không?". Mỹ mở to mắt gật đầu, vậy là Lệ Thủy chốt: "Lên hát đi, chị với Thoại Miêu yểm trợ cho".
Đêm diễn "liều mạng" đó đã giúp làng cải lương sau này có thêm một nghệ sĩ cải lương trẻ đa năng, giỏi nghề. Mỹ hát trơn tru và nhận nhiều tràng vỗ tay của khán giả.
Cái tên Thoại Mỹ cũng xuất phát từ Thoại Miêu, thầy cô, các anh chị lớn trong nghề cứ gọi Thoại Miêu, Thoại Mỹ riết rồi thành quen, thành nghệ danh của Thoại Mỹ.
Chị em Thoại Mỹ - Thoại Miêu hoạt động cộng đồng - Ảnh: NVCC
Điểm tựa tinh thần
Thoại Mỹ tâm sự, có một người chị cùng nghề là may mắn của chị vì có sẵn bàn đạp từ ngày đầu, được chị chỉ dẫn từng li từng tí. "Mình có thể chia sẻ được với chị rất nhiều điều từ chuyện nghề chuyện đời. Về chuyên môn, không ai nhận xét, nói thật với mình bằng chị ruột của mình", Thoại Mỹ nói.
Con đường nghề của Thoại Mỹ ngay từ những ngày đầu không hề suôn sẻ, chị có khoảng thời gian lận đận hoài với vai đào nhì. Nhưng Thoại Miêu chính là hình ảnh để Thoại Mỹ soi rọi và không nản chí.
"Hồi học trong trường tôi được các thầy cô dạy không phải nhất nhất cứ vai chánh là hay, giỏi mà còn có nhiều nhân vật phụ để mình khai thác khả năng. Chị Miêu của tôi cũng là người chuyên đóng đào nhì.
Bác hai Diệp Lang hồi đó thường nói tôi là "cô đào rộng đường xài", có thể đóng rất nhiều dạng vai từ bi, lẳng tới độc, hài. Bác nói hai chị em không có gì phải buồn, đào nhì mà khai thác được sâu tâm lý nhân vật, đào nhì mà khó thay thế, được người ta nhớ tên là phải hãnh diện", Thoại Mỹ xúc động nói.
Chị vẫn dõi theo từng bước em đi. Thoại Mỹ vốn lận đận chuyện tình cảm nên Thoại Miêu luôn lo lắng cho em. Có lần cố nghệ sĩ Quốc Hùng - nguyên giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - về nói với vợ: "Em coi sao, chớ anh thấy con Mỹ nó buồn buồn!".
Vậy là chị bỏ hết, giao nhà cho chồng qua ở với em gái mấy ngày liền. "Tánh con nhỏ thương ai là thương hết lòng, nó thương người ta quá nên đổ vỡ là buồn như chết rồi. Những lúc vậy nhìn em rất xót nên tôi ở suốt bên cạnh, khuyên nhủ.
Mình đừng nghĩ cho người ta quá, phải lo cho mình, rồi kiếm chuyện này chuyện kia động viên nó lấy lại tinh thần!", Thoại Miêu trìu mến nói về em.
Đáp lại tình thương của chị, Thoại Mỹ cũng là cô em có hiếu với cha mẹ, có trách nhiệm với anh em trong nhà. Thoại Mỹ hay bày việc kinh doanh để chị em trong nhà có thêm việc làm từ mở quán nghệ sĩ đến shop quần áo.
Suốt 2 năm mùa dịch, sô hát ngày càng hiếm hoi, Thoại Mỹ, Thoại Miêu và các anh chị trong gia đình mở shop bán hàng online trên mạng. Shop Mỹ Mỹ kinh doanh nước hoa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Ngày khai trương, nghệ sĩ Lệ Thủy nói: "Lý ra chỗ của chị em mấy đứa là những vai diễn trên sân khấu, mà giờ thấy mấy đứa ngồi livestream bán từng chai dầu thơm, sữa tắm... chị thương quá!".
Những ngày đầu, ngồi livestream chưa quen nên trả lời chậm người ta cự, rồi có người vô nói bà Thoại Miêu, Thoại Mỹ già hết thời phải bán hàng online, tự nhiên nhớ lời chị Lệ Thủy, Thoại Mỹ bật khóc ngon lành. Thế nhưng theo thời gian, chị em họ nhận thấy việc mình làm không có gì xấu, có người chê cười nhưng cũng có nhiều khán giả yêu thương ủng hộ.
Vậy đó, chị em họ vẫn bên nhau, chờ ngày dịch bệnh tạm yên ổn, nhịp sống trở lại bình thường, sân khấu sáng đèn để lại cùng tỏa sáng với những vai diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận