27/04/2015 06:00 GMT+7

​Quyền được chết, nên hay không?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất của Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) về việc bổ sung quyền được chết vào dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi.

Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang: "Đã có quyền sống tại sao không đặt ra quyền được chết?" - Ảnh: Nguyễn Khánh

Năm 2005 khi xây dựng Bộ luật dân sự, có ý kiến đề nghị những người mắc bệnh hiểm nghèo, y học bó tay có thể có quyền được “an tử”. 10 năm sau, khi xây dựng dự luật dân sự sửa đổi, lại có những ý kiến đề xuất đưa quyền được chết vào Bộ luật dân sự.

Nên hay không?

Kết quả khảo sát do TTO thực hiện trên 685 ý kiến bạn đọc cho thấy có 557 ý kiến đồng ý bổ sung quyền được chết vào Bộ luật dân sự (chiếm 81,3%). Có 117 ý kiến không đồng ý và 11 ý kiến khác.

Bạn đọc Ngân Giang có ý kiến đồng tình: “Đặt ra quyền được chết, con người sẽ rất dễ lạm dụng quyền này để thoái thác trách nhiệm đối với những người mình có bổn phận phải chăm sóc”.

Theo bạn đọc Phạm Hùng: “Thực chất quyền này đã thực hiện trong thực tế, chúng ta thường hay thấy đối với các trường hợp bệnh nặng mà người bệnh sống nhờ máy móc hoặc gần hấp hối thì gia đình đã chủ động làm đơn xin đem về gia đình để được chết ở nhà”.

Anh Lê Tấn Khoa (khu phố 6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) bày tỏ: “Trong xã hội ngày càng hiện đại nên có cái nhìn tân tiến hơn cả về sự sống lẫn cái chết. Chúng ta có nhiều luật và quy định bảo vệ quyền được sống cho con người nhưng đã quên về cái chết. Không có lý do gì chúng ta không có những quy định cụ thể để họ được chết trong êm ái khi y học đã vô phương cứu chữa”.

>> Anh Lê Tấn Khoa

Người bệnh đau đớn “rất nhiều”

Cùng ý kiến này, anh Thanh Toàn (Đồng Tháp) phân tích: “Cảm giác đau vì bệnh sẽ không đau đớn bằng cảm giác không có ngày mai, cảm giác biết mình sớm muộn gì cũng chết mà lại còn làm khổ người thân”. Chị Phương Linh (huyện Nhà Bè, TP.HCM) cho rằng: “Người mắc bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là vào giai đoạn cuối rất khổ sở. Họ rất đau đớn vì bệnh tật”.

Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ, “quyền được chết” là một đề xuất thể hiện tinh thần nhân đạo.

Tuy nhiên, cần xem xét kỹ, quy định chặt chẽ trước khi đưa vấn đề này vào luật.

Bà Minh Huệ cho rằng: “Tồn tại” và “sống” là khác nhau. Một bệnh nhân y học đã bất lực, họ được gọi là “tồn tại”.

Còn bệnh nhân “sống” là họ nhận thức được, cảm nhận được xung quanh và mong muốn vượt qua bệnh để tiếp tục cuộc sống nhờ vào sự hỗ trợ của y học.

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Theo chuyên gia Minh Huệ, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo sẽ rất “đau”. Tuy nhiên, đau thì có đau thể xác và đau tinh thần. “Đau thể xác, có dùng thuốc để giảm đau nhưng đau tinh thần thì không có cách nào có thể diễn tả sự kinh khủng, sợ hãi và bất lực ấy” - bà Huệ nói.

Nhiều trường hợp, họ hiểu rằng những người xung quanh đang mong muốn mình sống tiếp nhưng không thể làm gì được. Đó là một nỗi đau rất khủng khiếp.

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Cần thiết nhưng phải xem xét kỹ

Theo bà Huệ, cần lưu ý đối tượng nào, tình trạng nào được chấp nhận cho quyền quyết định được chết êm ái.

Trường hợp hôn mê sâu không thể quyết định thì ai là người thay thế đưa ra quyết định và làm cách nào để người đó sống bình thản về sau khi tâm lý của họ luôn bị ám ảnh mình đã tước đi mạng sống của người thân mình.

Bên cạnh đó, rất có thể nhiều đối tượng sẽ lợi dụng quyền này để trục lợi bảo hiểm, tranh chấp tài sản…

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - khẳng định: “Quyền được chết là quyền nhân thân nên được bổ sung vào dự thảo Bộ luật dân sự”.

Cụ thể, luật sư Hậu phân tích: Quyền được chết là quyền của một người trong việc tự chấm dứt cuộc sống của mình một cách có nhận thức. Về bản chất, quyền được chết là quyền nhân thân gắn liền với mỗi cá nhân. Điều 19, Hiến pháp năm 2013 có nêu rõ mọi người có quyền sống.

“Nếu đã là quyền, con người có thể được tự do lựa chọn thụ hưởng hay từ bỏ. Quyền được chết có ý nghĩa như quyền tự do cuối cùng của con người” - ông Hậu nhấn mạnh.

Về cơ bản, quyền được chết không mâu thuẫn với những quy định pháp luật hiện hành.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Luật sư Hậu cho rằng: Người bệnh phải chịu đau đớn kéo dài thì không chỉ họ mà cả người thân cũng kiệt quệ về tinh thần, luôn sống trong trạng thái tâm lý căng thẳng.

Gia đình và đội ngũ y bác sĩ điều trị là những người hằng ngày chứng kiến cảnh đau đớn của người bệnh và bất lực khi không cách nào giúp đỡ.

Công nhận quyền được chết sẽ góp phần củng cố và nâng cao quy định Hiến pháp, thực hiện quyền con người.

Nếu không công nhận thì cái chết nhân đạo vẫn diễn ra âm thầm, không kiểm soát, gây hậu quả không tốt cho xã hội cũng như quản lý nhà nước.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Theo luật sư Hậu, quyền được chết mang ý nghĩa pháp lý và xã hội to lớn nên phải xây dựng các quy định hết sức chặt chẽ để tránh tạo kẽ hở cho kẻ xấu lợi dụng, xâm phạm tính mạng người khác.

Về đối tượng, tất nhiên phải là người đó có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền là người này đang trong tình trạng không thể cứu chữa và họ có thư thể hiện nguyện vọng được chết, có sự xác nhận của bác sĩ và người thân.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Chuyên gia tâm lý Minh Huệ cũng cho rằng cần đào tạo những bác sĩ chuyên sâu để đánh giá chính xác mức độ bệnh tình của bệnh nhân. Khi biết y học không thể tiếp tục điều trị thì cần có hội đồng thẩm định để xem xét công bằng, khách quan, không gây ra những hậu quả đáng tiếc.

>> Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên