TTCT - Gần 4 năm qua, kể từ khi Quốc hội bấm nút thông qua dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi, 2015) cho phép người chuyển giới được quyền chuyển giới theo quy định, nhưng cộng đồng người chuyển giới vẫn chưa thực hiện được quyền của mình. Lý do vì Luật chuyển đổi giới tính vẫn đang... “treo”. Cộng đồng người chuyển giới chia sẻ mong muốn của mình tại các buổi lấy ý kiến do ICS tổ chức. Ảnh: T.P. Khát khao Nhiên (34 tuổi, ngụ tại TP.HCM) sinh ra là con trai nhưng lại luôn thấy mình là một cô gái. Đến tuổi dậy thì, Nhiên bắt đầu cảm nhận được sự khác biệt mãnh liệt với bạn bè đồng lứa. Trong lòng Nhiên luôn đau đáu mong ước giản dị là được “sống làm người phụ nữ bình thường”. Lớn lên, Nhiên tốt nghiệp quản trị kinh doanh một trường đại học có tiếng ở TP.HCM. Nhờ đọc sách báo, tài liệu, Nhiên mới nhận ra mình thực sự là ai và cần phải làm gì. Để thực hiện mong muốn được là phụ nữ, thời gian đầu Nhiên tự tìm tòi, nhờ bạn bè tìm thuốc tiêm hormone nhằm thay đổi nội tiết tố. Tiêm được vài mũi thì Nhiên phải ngừng vì cơ thể không thích ứng với thuốc. Cách sử dụng thuốc cũng không có thông tin rõ ràng vì cộng đồng người chuyển giới mỗi người tự mày mò một cách. Rất ít cơ sở y tế công lập hay tư nhân chịu tư vấn hoặc giúp những người như Nhiên tiêm hormone. Mấy năm nay, Nhiên đã chuyển sang uống thuốc uống cho đỡ hại sức khỏe dù phương pháp này tốn kém và tác dụng chậm hơn. Dù luôn ao ước được là phụ nữ nhưng đến tận bây giờ, Nhiên vẫn chưa phẫu thuật vì “mong muốn được phẫu thuật tại VN, muốn chờ mọi thứ được hợp pháp hóa và có quy trình cụ thể”. Hàng ngàn người chuyển giới như Nhiên đã và đang phải tự loay hoay, tìm lối đi để được sống đúng với giới tính mình mong muốn. Điều 37 Bộ luật dân sự quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật”. Nhưng từ đó đến nay, chưa ai được chuyển giới hợp pháp. Lý do vì luật chưa có hướng dẫn. Vì vậy, cộng đồng người chuyển giới tại VN hầu như phải đánh cược cả sinh mạng của mình vào các dịch vụ “chui”. Câu chuyện của ông Khởi (53 tuổi, ngụ tại TP.HCM) là một ví dụ điển hình. Sinh ra là nữ nhưng từ nhỏ Khởi đã luôn khát khao được can thiệp y tế để có thể trở thành một người đàn ông thật sự. Những năm 1990, Khởi đã 3 lần ra Hà Nội gửi đơn lên Bộ Y tế xin được chuyển giới nhưng không có kết quả. Năm 30 tuổi, do không được phẫu thuật hợp pháp nên Khởi nhờ người tiêm hormone cho mình. Khởi tiêm đều đặn được 6 tháng thì phải dừng vì không ai tiêm, vì không có điều kiện kinh tế để duy trì sử dụng hormone. Sau hơn 30 năm phải bó ngực bằng những áo bó do mình tự thiết kế, Khởi đã tham khảo thông tin và quyết định thực hiện phẫu thuật cắt ngực tại một bệnh viện ở TP.HCM, chi phí khoảng 40 triệu đồng. Chưa kịp vui mừng thì khi tháo băng, Khởi mới phát hiện phẫu thuật không đạt kết quả như ý muốn. Ngực của Khởi vẫn tiếp tục tích mỡ và bị đau nhói. “Nó hỏng hoàn toàn, tệ hơn những ca hỏng khác. Nhưng thất bại thì bắt đền ai? Kiện bệnh viện khó lắm, khó lấy lại được tiền, khó chỉnh sửa cho hoàn chỉnh” - Khởi chia sẻ. Quyền “treo” Khi thực hiện loạt bài về người chuyển giới, chúng tôi chứng kiến rất nhiều khó khăn mà họ gặp phải: việc tự tiêm hormone đã khiến họ kiệt sức, không thể đi làm, có người còn bị sốc thuốc... Họ cũng không dám đến bệnh viện vì sợ gặp phải sự kỳ thị cũng như các khó khăn khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế. Đã có người mang thẻ bảo hiểm của mình đi khám nhưng nhân viên y tế lại hỏi “mượn thẻ bảo hiểm của ai”. Lý do vì tên trên thẻ bảo hiểm là nữ nhưng ngoại hình người đi khám lại là nam hoặc ngược lại. Đã có bệnh viện từ chối khám bảo hiểm y tế. Một số người chuyển giới phải khai thông tin giả và từ bỏ quyền sử dụng bảo hiểm của mình. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu xã hội - kinh tế và môi trường (iSEE), với những người chuyển giới tự tiêm hormone cho bản thân, chỉ 29% từng được tập huấn bài bản về kỹ thuật tiêm, 71% còn lại tự tìm hiểu và tự tiêm cho mình. Giải thích cho việc tự tiêm hormone, phần lớn lý do là: việc thường xuyên đến các cơ sở dịch vụ không thuận tiện; lo ngại bị kỳ thị khi nhờ tiêm hoặc đến cơ sở dịch vụ y tế, hoặc không có ai giúp. Nhiều người chuyển giới có điều kiện thì chọn đi Thái Lan vì nơi đây cho phép chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên đã có nhiều người chuyển giới chọn cách chờ đợi. “Tôi thực sự muốn được phẫu thuật chuyển giới ở VN chứ không muốn đi Thái Lan. Tôi đã nói chuyện với nhiều bác sĩ ở VN. Họ đều phẫu thuật được nhưng không dám làm vì pháp luật chưa cho phép. Tôi đã chờ nhiều năm rồi, giờ chờ thêm mấy năm nữa cũng không sao” - một bạn chuyển giới nữ, 32 tuổi, sống tại Đồng Nai, chia sẻ. Năm 2015, sau khi Bộ luật dân sự được thông qua, bộ trưởng Bộ Tư pháp lúc ấy cho biết sẽ đề xuất với Quốc hội xây dựng luật về chuyển đổi giới tính. Mãi đến năm 2017, dự thảo Luật chuyển đổi giới tính mới được đưa ra. Bộ Y tế - đơn vị được giao chủ trì soạn thảo dự thảo luật - đã lấy ý kiến về hàng loạt vấn đề: độ tuổi được phép chuyển đổi giới tính, chính sách hỗ trợ tài chính với người chuyển giới, cơ sở nào để được phép chuyển giới?... Những năm qua, Trung tâm ICS - tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (người đồng tính, song tính và chuyển giới) cùng với iSEE đã tổ chức nhiều chương trình vận động để dự thảo Luật chuyển đổi giới tính sớm được thông qua. Cùng ban soạn thảo, iSEE và ICS đã tổ chức nhiều buổi góp ý kiến cho dự thảo luật với sự tham gia của cộng đồng người chuyển giới. Nhiều lá thư kiến nghị đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội; phong trào “Sao phải đợi” được khởi xướng với hàng loạt hoạt động để người chuyển giới được nói lên khát khao, mong mỏi của họ. Nhưng trái với mong mỏi mãnh liệt của cộng đồng này, dự thảo luật vẫn đang “nằm yên”, chưa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Lý do vì dự thảo có nhiều vấn đề được coi là “nhạy cảm”. Chia sẻ với TTCT, anh Vương Khả Phong, cán bộ Chương trình quyền LGBT của iSEE, kiến nghị: trong lúc chờ đợi Luật chuyển đổi giới tính được ban hành, Bộ Y tế nên cho phép các bệnh viện hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và có thể cả việc cung cấp, tiêm hormone cho người chuyển giới để hạn chế rủi ro xảy ra đối với họ. “Các cơ sở y tế, bệnh viện nên chú trọng vào việc đào tạo chuyên môn về chuyển đổi giới tính cho các bác sĩ, y tá để xây dựng môi trường thân thiện, đáp ứng được các nhu cầu y tế của người chuyển giới. Bên cạnh đó, cần phát triển các dịch vụ tư vấn tâm lý cho người chuyển giới có nhu cầu sử dụng nội tiết tố hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Các dịch vụ này cần được phát triển rộng rãi ở cả bệnh viện công và tư để người chuyển giới có thể dễ dàng tiếp cận” - anh Vương Khả Phong đề xuất. Nhiều người chuyển giới cũng hi vọng bảo hiểm xã hội có thể hỗ trợ phần nào chi phí chăm sóc sức khỏe cho họ. ■ Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Nguyễn Huy Quang, người chủ trì soạn thảo dự luật: Hi vọng dự án Luật Chuyển giới sớm được trình Quốc hội Hiện tổ biên tập và ban soạn thảo đã hoàn tất công việc, hi vọng dự luật sẽ sớm được đệ trình Quốc hội. Nếu dự luật được đệ trình Quốc hội năm 2019 thì năm 2020 có thể được thông qua, nhưng nếu chậm trễ (dù chậm một năm nữa) thì có thể đến năm 2023 mới được thông qua. Những người đi nước ngoài chuyển giới rồi nhưng vì chưa có luật, họ không được chuyển đổi về quyền nhân thân, dẫn đến bề ngoài là nam nhưng giấy tờ lại là nữ hoặc ngược lại. Họ gặp khó khăn về giấy tờ với ngân hàng, đi máy bay, sở hữu nhà đất, hay nếu vào nhà vệ sinh thì vào phòng vệ sinh nam hay nữ... Thực tế có những người mới chuyển giới một phần, khi đó người trông giống nữ nhưng bộ phận sinh dục vẫn là nam thì vào khu vệ sinh nào? Rất nhiều phiền toái cần sớm có quy định để thay đổi. Dự thảo Luật chuyển giới theo tôi là giải quyết được hết các vấn đề hiện đang cần giải quyết, từ xác định lại giới tính thế nào, như thế nào thì cần xác định lại, vấn đề hộ tịch hộ khẩu... Hiện ước tính có 0,3-0,5% dân số gặp các rắc rối về vấn đề giới tính thuộc phạm vi điều chỉnh này. Các cơ sở y tế ở VN cũng đều có chuyên gia có thể chỉnh sửa cho người có mong muốn và có bất thường cần chuyển đổi. Nhưng khi có luật thì họ mới triển khai. LAN ANH Luật sư Đinh Hồng Hạnh, Đoàn luật sư TP.HCM: Luật bảo vệ quyền con người, sao lại chậm trễ? Càng trì hoãn trình dự thảo luật càng làm dấy lên những tranh cãi không đáng có về tính “nhạy cảm” của luật này. Việc công nhận và thúc đẩy quyền của người chuyển giới sẽ kéo theo hàng loạt thay đổi khác về quyền và nghĩa vụ dân sự có liên quan, đòi hỏi sự kết hợp khéo léo và đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước. Luật chuyển đổi giới tính ra đời không phải nhằm thực hiện vai trò quản lý hành chính của Nhà nước trong việc “cấp phép, cho phép” một sự kiện pháp lý, mà để thúc đẩy quyền con người của cả một cộng đồng. Thực tế, những thảo luận thời sự đã đi sau sự tồn tại của cộng đồng người chuyển giới. Việc này cũng thể hiện sự thiếu tiếng nói của các đại biểu Quốc hội trong việc giám sát quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. TÂM LỤA Tags: LGBTBộ luật dân sựISEEICSChuyển đổi giới tính
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Xuân Son, Tiến Linh giúp Việt Nam đặt một chân vào chung kết ASEAN Cup 2024 ĐỨC KHUÊ 26/12/2024 Đội tuyển Việt Nam đánh bại Singapore 2-0, rộng cửa vào chung kết ASEAN Cup 2024.
Vì sao trọng tài từ chối siêu phẩm của Nguyễn Xuân Son vào lưới Singapore? QUANG THỊNH 26/12/2024 Trọng tài Kim Woo Sung (Hàn Quốc) cho rằng tiền đạo Nguyễn Xuân Son đã để bóng chạm tay trước khi tung cú sút tung lưới Singapore ở trận bán kết lượt đi ASEAN Cup 2024.
Nguyễn Xuân Son: Tôi không nghĩ đó là một pha bóng chạm tay NGUYÊN KHÔI 26/12/2024 Phát biểu sau trận thắng Singapore 2-0, tiền đạo nhập tịch Nguyễn Xuân Son cho rằng tình huống anh khống chế bóng và ghi bàn mà trọng tài không công nhận không hề chạm tay.
Reuters: Máy bay Azerbaijan chở 67 người rơi do bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ TRẦN PHƯƠNG 26/12/2024 4 nguồn tin thông tin với Reuters ngày 26-12: Máy bay Azerbaijan chở 67 người rơi do bị hệ thống phòng không Nga bắn hạ.