Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan - Ảnh: PHẠM THẮNG
Chiều 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nghị quyết 30 của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Cần sớm có chế độ đãi ngộ đặc biệt, ổn định tâm lý cán bộ y tế
Trình bày báo cáo của Chính phủ, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định nghị quyết đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, thống nhất trong cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương.
Tuy nhiên Chính phủ thừa nhận công tác phòng, chống dịch còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Trong đó Chính phủ cũng đề cập tình trạng viên chức, nhân viên y tế, nhất là các lực lượng phòng, chống dịch xin nghỉ việc, thôi việc do nhiều lý do.
Ngoài ra có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Xã hội chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ khi vừa phải tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch COVID-19, vừa phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Vì vậy đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có cơ chế đặc thù với việc xử lý những vi phạm khi thực hiện các biện pháp cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt, phù hợp, thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế...
Thiếu trầm trọng nhân lực thẩm định hồ sơ thuốc
Theo nghị quyết 30, các biện pháp cấp bách phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện cho đến hết ngày 31-12-2022.
Tuy nhiên Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện một số biện pháp cho đến hết 31-12-2023.
Lý do của việc này, theo bà Lan, là hiện dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường dẫn đến nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành.
Hiện số lượng hồ sơ gia hạn cần giải quyết rất lớn (trên 14.000 hồ sơ) và tiếp tục tăng lên, trong khi nhân lực thẩm định hồ sơ "thiếu trầm trọng".
Bà khẳng định việc gia hạn này không ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn, hiệu quả của thuốc do các thuốc này đã được đăng ký lưu hành nhiều năm tại Việt Nam và các nước.
"Trường hợp không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và hoạt động cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh", bà Lan nêu.
Về lâu dài bà Lan nói cần có cơ chế gia hạn tự động với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành. Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong sửa Luật dược sẽ trình Quốc hội thời gian tới.
Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám chữa bệnh, thuốc, vắc xin, trang thiết bị y tế khác...
Ghi nhận các kiến nghị nhưng Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá tổng kết đầy đủ.
"Trước tình trạng trong năm 2023 có nguy cơ thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của nguy cơ thiếu thuốc và có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định", Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận