04/12/2021 16:07 GMT+7

‘Quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Ba chưa tính nhiều đến việc cắt lũ’

DUY THANH ghi
DUY THANH ghi

TTO - Đó là ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Hiệp - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - khi đi kiểm tra hậu quả lũ lụt tại Phú Yên sáng nay 4-12.

‘Quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Ba chưa tính nhiều đến việc cắt lũ’ - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp (thứ hai từ phải qua) trao đổi thông tin với Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế (đội mũ bảo hộ) về kinh nghiệm trong vận hành xả lũ liên hồ chứa lưu vực sông Ba - Ảnh: DUY THANH

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online và báo chí xoay quanh câu chuyện các hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực sông Ba ồ ạt xả lũ gây ngập lụt nghiêm trọng cho hạ du thuộc tỉnh Phú Yên các ngày 30-11 và 1-12, ông Hiệp nói có thể nói đợt lụt này có mức độ gần bằng các cơn lũ lịch sử năm 1993 và 2009 ở Phú Yên. 

Chúng tôi có tất cả số liệu về vận hành xả lũ vừa rồi ở lưu vực sông Ba này. Chúng ta đang thực hiện theo một quy trình đã được phê duyệt, tuy nhiên trong quá trình thực hiện quy trình này còn một số điểm chưa chính xác, chưa chuẩn.

Thứ nhất, khi có dự báo, cảnh báo mưa lũ đặc biệt lớn, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải chủ động xả giảm xuống mực nước có lũ để đón lũ. Ngày 27-11, khi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có công điện gởi các địa phương, một số hồ chưa thực hiện nghiêm việc xả nước trước để có dung tích phòng lũ.

Thứ hai, khi lũ về thì quy trình hiện nay hơi nghiêng nhiều về an toàn hồ chứa, chưa tính toán nhiều hỗ trợ cắt lũ với nhau nên đồng loạt cùng xả, gây áp lực rất lớn cho thủy điện Sông Ba Hạ là "chốt chặn" cuối cùng trên bậc thang sông Ba. 

Lúc đó, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên buộc phải ra lệnh hồ thủy điện Sông Ba Hạ xả ở mức độ rất lớn là 9.400m3/s trong lúc lũ ở hạ du đang dâng cao nhưng không còn cách nào khác.

‘Quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Ba chưa tính nhiều đến việc cắt lũ’ - Ảnh 2.

Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ 9.400m3/s lúc 15h ngày 30-11 - Ảnh: DUY THANH

* Ông có thể nói rõ hơn về nhận xét quy trình vận hành liên hồ hiện nay nghiêng về an toàn hồ đập mà chưa nghiêng nhiều đến cắt lũ hạ du?

- Lưu vực sông Ba rộng 13.000km2, có đến 280 hồ chứa lớn nhỏ, tích nước khoảng 1,6 tỉ m3 nhưng chỉ có 6 hồ có chức năng cắt lũ với 530 triệu m3. Như vậy có thể thấy lưu vực này cắt lũ rất thấp.

Chúng tôi nhận thấy là đang có một số vấn đề trong quá trình thực hiện quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Ba hiện nay, cần rút kinh nghiệm, chỉ đạo quyết liệt hơn và kỹ hơn. Bản thân quy trình hiện nay đang nghiêng nhiều về an toàn hồ chứa, chưa tính toán nhiều đến việc cắt lũ hạ du, chúng tôi sẽ phải tính toán lại điều này.

* Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói rằng thời điểm lũ từ thượng nguồn đổ về hồ thủy điện Sông Ba Hạ rất lớn hôm 30-11 thì ông ấy không nhận được thông báo nào về xả lũ từ phía tỉnh Gia Lai. Đánh giá của ông về việc phối hợp vận hành liên hồ chứa giữa hai tỉnh này?

- Chúng tôi đã kiểm tra lại các thông tin này và thấy là trước khi quyết định các hồ thủy điện Gia Lai xả lũ, chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai có công văn gởi các địa phương xung quanh, trong đó có Phú Yên.

Câu chuyện ở đây là hiện nay có rất nhiều cách truyền thông nhanh hơn. Mùa lũ mỗi giây đều quý mà việc ký văn bản, đóng dấu bằng con đường hành chính thông thường thì cũng mất 1-2 giờ đồng hồ, như vậy không tận dụng được "thời gian vàng" trong tính toán xả lũ.

Chúng tôi sẽ phối hợp với các địa phương tính toán chuyện này bằng 2 giải pháp.

Một là số hóa ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại để điều hành hồ tự động. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ngồi ở Phú Yên vẫn biết các hoạt động của hồ chứa ở Gia Lai như thế nào. Cái này chúng tôi đang ứng dụng để điều hành, sắp tới sẽ nối về tới Phú Yên, lắp đặt thêm nhiều cảm biến đo ở các lưu vực lớn để hạ du, đặc biệt là ở Phú Yên nắm được thông tin. 

Thứ hai là chúng tôi sẽ tính toán, tham mưu lại để ra một quy trình chuẩn hơn, trong đó ngoài việc xả xen kẽ, lúc nào hồ nào xả, hồ nào đóng, là trách nhiệm của chủ hồ, của lãnh đạo chính quyền địa phương trong thông tin, thông báo và quyết định của mình.

‘Quy trình vận hành liên hồ lưu vực sông Ba chưa tính nhiều đến việc cắt lũ’ - Ảnh 3.

Các lực lượng và nhân dân tổ chức cứu người dân xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa, Phú Yên) khi lũ bất ngờ ập đến quá nhanh trong trưa 30-11 - Ảnh: LINH NGUYỄN

* Theo ông, cần thêm những giải pháp nào để sắp tới không còn xảy ra việc các hồ chứa bên trên ồ ạt xả lũ xuống cùng lúc buộc hồ chứa cuối cùng cũng xả ồ ạt theo, gây ra hậu quả lũ lụt kinh hoàng cho hạ du như vừa rồi?

Trước hết là giải pháp phi công trình, là quy trình vận hành. Chúng tôi sẽ tham mưu, tính toán lại quy trình vận hành xả lũ liên hồ chứa ở toàn bộ lưu vực sông Ba lần này, trong đó sẽ tập trung tính toán chi tiết hơn, thậm chí ở những giai đoạn báo động cao như vừa rồi thì trung ương chỉ đạo xả lũ, trong đó phải tính toán chi tiết là hồ nào xả vào lúc nào để cắt lũ bớt cho các hồ bậc thang bên dưới và xả phải xen kẽ nhau, có như thế mới giảm ngập lụt cho hạ du. 

Thứ hai là về công trình, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu toàn lưu vực này xem hồ nào có thể nâng dung tích được, giao nhiệm vụ cho một số hồ thủy điện xây mới một số hồ thủy lợi để tăng dung tích cắt lũ lên, chứ hiện nay quá thấp. Chắc chắn dung tích phòng lũ tối thiểu phải 1 tỉ mét khối thì mới có thể cắt lũ lâu dài bền vững được cho hạ du.

Phải làm để không bao giờ tái diễn việc xả lũ ồ ạt như vừa rồi trong phối hợp quy trình vận hành. Cái này không mất tiền, chúng ta tự làm việc với nhau được thì phải làm ngay. Chúng tôi cũng lưu ý địa phương là vùng này mưa lũ bất thường thường xuyên, nên cắt lũ tuyệt đối là không thể, mà chỉ có thể giảm lũ thôi.

Để giảm thiệt hại thì thứ nhất là thực hiện đúng cách thức và quy trình thông báo cho bà con, trong thông báo cho người dân phải thực hiện nghiêm thông báo trước 6 giờ tính đến thời điểm xả. 

Thứ hai là thông báo thì không phải chung chung, phải rõ là 5-6 tiếng tới, tại chỗ ông bà đang ở dâng cao mấy mét nước. Có vậy thì dân mới tính toán kê cao đồ đạc, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Phú Yên sẽ phối hợp tốt hơn với các tỉnh Tây Nguyên trong vận hành xả lũ

Ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - khẳng định lại rằng trong thời điểm lũ căng thẳng nhất hôm 30-11, ông không nhận được thông báo trao đổi nào của Gia Lai về xả lũ.

"Mới đây tôi có nghe là phía Gia Lai nói có thông báo, tôi cho kiểm tra lại ngay nhưng rất tiếc là các kênh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cũng như lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên không nhận được thông báo hay văn bản nào, có lẽ là do trục trặc gì đó mà văn bản không đến được" - ông Thế nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên nói rằng trước mắt Phú Yên sẽ sớm có kế hoạch họp với lãnh đạo chính quyền Gia Lai và Đắk Lắk để có sự phối hợp tốt hơn trong vận hành xả lũ liên hồ lưu vực sông Ba trong thời gian tới.

20211204 tham

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp và ông Trần Hữu Thế thăm hỏi, động viên mẹ và anh trai của bé N.T.K.A. ở thôn Thạnh Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa) đã chết trong vụ lật ca nô cứu nạn chiều tối 30-11 - Ảnh: DUY THANH

Trong sáng nay, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đến thăm hỏi, động viên hai gia đình có hai cháu bé chết do lật ca nô cứu nạn trong lũ vào chiều tối 30-11 tại thôn Thạnh Hội (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên).

Ông Hiệp đã chuyển lời chia buồn, động viên và trao quà của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến người thân của hai cháu.

Xả lũ liên hồ gây ngập lụt nghiêm trọng: Lỗi do ai? Xả lũ liên hồ gây ngập lụt nghiêm trọng: Lỗi do ai?

TTO - Tỉnh Phú Yên cho rằng không nhận được thông báo nào khi các hồ chứa thủy điện, thủy lợi ở tỉnh Gia Lai xả lũ xuống sông Ba, buộc thủy điện cuối cùng trong bậc thang là Sông Ba Hạ phải xả lũ lượng lớn gây lũ lụt nghiêm trọng.

DUY THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên