17/03/2016 11:57 GMT+7

Quy trình chống nhầm con

THÙY DƯƠNG - LAN ANH (thuyduong@tuoitre.com.vn)
THÙY DƯƠNG - LAN ANH ([email protected])

TT - Những ngày qua, trước thông tin về chuyện nhận nhầm con được công bố sau hàng chục năm, nhiều gia đình mới sinh con ở các bệnh viện phụ sản khá lo ngại, nên sáng tạo ra đủ hình thức nhận diện con mình...

Trẻ sau khi sinh sẽ được đánh dấu bằng cách đeo vòng có ghi tên, giờ sinh lên chân và không rời mẹ để tránh nhầm lẫn tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) - Ảnh: Duyên Phan
Trẻ sau khi sinh sẽ được đánh dấu bằng cách đeo vòng có ghi tên, giờ sinh lên chân và không rời mẹ để tránh nhầm lẫn tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) - Ảnh: Duyên Phan

 

Có nhà bôi son vào điểm giữa 2 đầu lông mày của bé, có nhà dán miếng dính lên trán bé kèm tên mẹ, tên bé và số giường, số phòng...

Vòng tay đôi cho mẹ và con

Sáng 16-3, chị N.T.M. ở Hoài Đức, Hà Nội sinh con thứ 2 tại bệnh viện đa khoa huyện. Chỉ một mình chị trong phòng sinh nên sau khi làm rốn cho em bé xong, điều dưỡng khoa sản trao luôn cháu bé cho người thân chị M. trong niềm vui của gia đình.

Theo đại diện bệnh viện, trung bình mỗi ngày bệnh viện này có 2-7 sản phụ sinh con, thông thường trong phòng sinh chỉ có một sản phụ/thời điểm sinh nở, nhiều lắm cũng chỉ có 2 sản phụ sinh cùng lúc và quy trình là làm rốn xong sẽ trao luôn bé cho người thân.

“Chúng tôi không có phòng dưỡng nhi vì không có nhiều trẻ sinh cùng lúc như bệnh viện tuyến T.Ư, bệnh viện sản thành phố, sau sinh là trao luôn cháu bé cho người thân nên không thể có nhầm lẫn xảy ra” - vị đại diện này cho biết.

Ông Vũ Bá Quyết, giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, cho biết từ nhiều năm trước bệnh viện đã sử dụng hình thức lồng dây có đánh số vào cổ bé và tay mẹ ngay khi làm rốn xong cho bé.

Cách đây 4 năm, bệnh viện đã sử dụng loại dây nhựa rất khó cắt hoặc tháo để lồng vào tay phải của mẹ và chân bé, với quy ước dây màu xanh dành cho bé trai và dây hồng cho bé gái.

Trên đó ngoài tên dự định và số thứ tự của bé được ghi không lặp lại theo thứ tự trẻ sinh trong năm của bệnh viện, còn có tên của mẹ. Trước khi lồng dây, mẹ sẽ được hỏi để khẳng định tên mẹ, tên bé đều chuẩn xác. “Việc nhầm lẫn tại các nhà hộ sinh được công bố gần đây tôi cho là những sự kiện hi hữu”- ông Quyết chia sẻ.

Trong khi đó điều dưỡng Lý Bạch Thu Nga, phó phòng điều dưỡng Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM, cho biết trước đây các cơ sở y tế chuyên về sản khoa đều có quy trình giao nhận con, ngày nay quy trình này ngày càng chặt chẽ.

Khi đến Bệnh viện Từ Dũ sinh con, thai phụ sẽ tự điền thông tin cá nhân vào một tờ phiếu. Sau đó, nhân viên y tế sẽ làm một lắc tay cho thai phụ ghi tên, tuổi, mã số nhập viện. Trước khi đeo lắc tay này cho các thai phụ, nhân viên y tế đề nghị các thai phụ đọc lại thông tin này, rồi chuyển các thai phụ lên phòng sinh.

Khi lên phòng sinh, nhân viên y tế lại kiểm tra thêm một lần nữa. Ngoài ra, các thai phụ còn được dán thêm một miếng băng keo ghi đúng những thông tin như vậy trên cánh tay. Với những trường hợp sinh mổ, nhân viên y tế sẽ lấy miếng băng keo đó dán lên trên ngực em bé.

Phương pháp "da kề da"

Hiện nay, Bệnh viện Từ Dũ đã áp dụng phương pháp “da kề da” cho các ca sinh. Khi em bé vừa sinh ra, bé khỏe, khóc tốt sẽ được đặt ngay lên bụng mẹ. Lúc này bé vẫn chưa được cắt rốn. Em bé được lau khô để đảm bảo ấm áp, sau đó được đeo một cái lắc tay ghi đầy đủ họ tên mẹ, tuổi mẹ, số nhập viện, cân nặng, giới tính của bé.

Đặc điểm của chiếc lắc này chỉ có thể tháo rời khi lấy kéo cắt. Ngoài ra, bé còn được viết những thông tin này trên đùi bằng một loại mực an toàn cho bé nhưng khó phai. Theo phương pháp da kề da, các em bé sẽ nằm ngay trong vòng tay mẹ từ khi được sinh ra đến khi chuyển ra phòng ngoài.

Trường hợp sinh mổ, em bé khỏe mạnh cũng được thực hiện phương pháp "da kề da" ngay. Nếu mổ xong, bà mẹ tỉnh táo sẽ chuyển con theo suốt mẹ.

Với những bé phải điều trị tại khoa sơ sinh, thân nhân của sản phụ sẽ được gọi đến nhìn bé, xác nhận bé, sau đó nhân viên y tế mới chuyển bé đi. Bệnh viện cũng luôn có cảnh báo trực tiếp, bằng loa và những thông báo dán tại các khoa, phòng là giám sát em bé thật kỹ trong thời gian nằm viện. Lúc trẻ xuất viện, đội ngũ bảo vệ sẽ kiểm tra thông tin thêm một lần nữa giữa mẹ và bé.

Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, tại Bệnh viện Hùng Vương cũng đã triển khai phương pháp "da kề da". Khi bé được đưa trả về với gia đình, trong thời gian nằm viện bệnh viện cũng khuyến cáo các gia đình không nên để bé một mình, luôn có người trông bé.

Em bé đi chích ngừa, đi khám, người nhà luôn đi theo chứ không để cho nhân viên y tế một mình đưa bé đi vì hiện nay việc mua áo blouse để giả nhân viên y tế rất dễ. Khi em bé ra viện, người nhà phải xuất trình giấy ra viện, bảo vệ sẽ kiểm tra tên em bé ở lắc tay, lắc chân với tên của người mẹ. Về nhà người mẹ mới tháo lắc tay cho con và nhiều người giữ lại như một kỷ vật đầu đời của con.

Chưa thể có quy trình thống nhất

Trả lời về việc có nên có một quy trình thống nhất chung cho các bệnh viện để tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh, ông Nguyễn Đức Vinh - vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế - cho rằng mỗi bệnh viện có một điều kiện khác nhau, không thể áp quy trình của Phụ sản T.Ư cho bệnh viện tuyến huyện.

“Chúng tôi đã rà soát quy trình của Phụ sản T.Ư và thấy quy trình của họ như vậy là chuẩn, nhưng các bệnh viện khác thì mỗi giám đốc bệnh viện phải ban hành một quy trình riêng tùy điều kiện của mình, còn Bộ Y tế sẽ có các hướng dẫn chuyên môn chung như sinh đẻ thì quy trình thế nào, bé sinh xong thì vệ sinh cho bé và làm rốn như thế nào…” - ông Vinh nói.

THÙY DƯƠNG - LAN ANH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên