24/01/2019 14:46 GMT+7

Quy tắc trên mâm cơm Việt: Học ăn đứng đầu 4 'sự học'

Độc giả HUYỀN NGA
Độc giả HUYỀN NGA

TTO - Ông bà ta ngày xưa có câu tục ngữ rất hay, gói gọn trong vài chữ mà vô cùng thâm thúy: "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Trong 4 cái sự học này, 'học ăn' được xếp ở vị trí đầu tiên. Vì sao vậy?


Quy tắc trên mâm cơm Việt: Học ăn đứng đầu 4 sự học - Ảnh 1.

Bữa cơm của một gia đình người Bắc - Ảnh: CÁT KHUÊ

Phải chăng người xưa xem trọng việc ăn mà đặt nó ở vị trí đầu tiên, hay bởi người xưa cho rằng nết ăn chính là tính người? Nhiều người chỉ cần nhìn xem "nết ăn" của một người cũng có thể đánh giá sơ sơ về tính cách của người đó như thế nào.

Ăn trông nồi, ngồi trông hướng

Ngày xưa, mỗi lần ăn cơm ở nhà, ba má tôi hay câu "ăn trông nồi, ngồi coi hướng". Hồi đó, mâm cơm gia đình ở nông thôn hay ăn là ngồi ở dưới chiếc chiếu trải dưới đất. Ở đầu mâm là các nồi cơm, canh, cá. Mâm tròn nằm chính giữa.

Thường người phụ nữ nội trợ trong gia đình là má tôi ngồi chỗ nồi cơm, được cho là vị trí rất quan trọng, vị trí để định vị hướng của những người tham gia trong bữa ăn.

Cách bày biện mâm cơm là canh, cá thì được múc ra dĩa, tô còn cơm là để nguyên trong nồi (không như kiểu mâm cơm bây giờ là múc cả tô cơm ra cho ai muốn bới thì bới).

Phía bên kia, ba tôi ngồi, và các anh chị em tôi ngồi những vị trí còn lại. Mỗi lần có thành viên trong mâm cơm ăn hết cơm thì chuyền chén lên đầu mâm cho má tôi bới thêm. Má là người phụ trách phân chia đồng đều cho các thành viên trong mâm cơm, sao cho ai cũng được ăn no hoặc vừa đủ.

Có lẽ ông bà ta cho rằng, các mẹ, các bà là những người hiểu rõ "sức ăn" của từng người. Hoặc các bà các mẹ là người khéo léo, có thể xới cơm không bị rơi rớt ra ngoài.

Khi ngồi ăn như vậy, hầu hết các thành viên trong bữa cơm đều có thể với tới được thức ăn mà mình muốn gắp. Trong khi đó, người phụ nữ ngồi ở đầu mâm cơm đôi khi nhường phần của mình cho các thành viên khác.

Có lần, tôi vào ăn cơm nhưng mặt không hướng về phía nồi cơm mà hướng ra mặt đường, vừa ăn vừa xem người ta qua lại. Khi gắp thức ăn, tay tôi bị vướng vì người ngồi kề bên. Lập tức ba tôi la: "Ăn trông nồi, ngồi phải trông hướng chứ. Ngồi xoay mặt ra đó thì sao mà gắp thức ăn? Đang ăn thì phải tập trung vào mâm cơm".

Lúc đó tôi mới thực sự hiểu câu "ăn trông nồi" nghĩa là khi ăn thì phải lấy cái nồi cơm làm chủ đạo, và khi ăn mặt phải hướng về phía đó.

Nết ăn - tính người

Không phải không phải vô cớ mà các đôi yêu nhau, muốn giới thiệu gia đình hai bên thì hay có lời đề nghị "mời về nhà ăn cơm". Làm sao để người lớn có thể đánh giá sơ bộ nàng dâu tương lai hay chàng rể tương lai chỉ qua một bữa cơm? Bởi con người ta mỗi khi ăn cơm sẽ thể hiện được tính tình của mình trong đó.

Ví dụ, hồi trước tôi có quen một người Bắc, khi về nhà anh ta ăn cơm kiểu "ra mắt", tôi hơi bị choáng vì phép tắc phải mời hết tất cả người lớn trong mâm cơm trước khi ăn, trong khi mâm cơm bữa đó có đến mười mấy người. Tôi là người miền Trung, bữa ăn ít lễ nghĩa, cũng đợi ba mẹ ăn trước, nhưng không phải mời từng người một như vậy.

Trong bữa ăn, cách người ta cầm đũa, gắp thức ăn, cách nhai, cách kết thúc một bữa ăn cũng phải tỏ ra cho phải phép. Ví dụ trong khi ăn, chỉ được phép gắp thức ăn trước mặt mình, không được với tay ở đĩa thức ăn xa hơn. Bất chợt thiếu nước mắm, xì dầu, ai là người đứng lên phụ trách chêm thêm những thứ đó? Hoặc khi ăn thiếu cái chén, đôi đũa hay bất chợt có khách vào chơi đúng bữa ăn thì phải làm thế nào…

Nếu là nam, khi rót rượu mời người lớn thì cách nâng ly phải như thế nào, vị trí cụng ly ra sao, cách mời các vai vế người lớn, cách uống như thế nào mới gọi là phải phép…

Tóm lại, người lớn sẽ "xem mắt" con dâu hoặc con rể qua bữa ăn để hiểu sơ về tánh tình của người đó xem có hợp hay không, có cần điều chỉnh hay thay đổi gì không. Thậm chí, với những người lớn tinh ý, họ sẽ nhận ra ngay người mình đang xem mắt là người tham ăn hay người ăn từ tốn, người có hiểu biết hay là người quê mùa cục mịch, người tự nhiên hay giả vờ lịch sự từ tốn… Từ đó người lớn cũng ít nhiều có thể suy ra được cách giáo dục của mỗi gia đình.

Ngược lại, con dâu hay con rể tương lai cũng sẽ phần nào hiểu được văn hóa của nhà chồng, nhà vợ mà mình có ý định kết hôn. Từ đó họ cũng tự có nhận định riêng hợp với cách sống của mình hay không, nên tiếp tục hay rút lui…

Ở mỗi thời đại, vùng miền, mỗi gia đình có quy tắc riêng về cách ứng xử trên mâm cơm. Đó cũng được xem là văn hóa.

Tuy nhiên, theo sự phát triển của thời gian, những quy tắc này có thể thay đổi cho phù hợp mỗi gia đình, hoặc giữ nguyên như một nét truyền thống của mỗi nhà. Dù thay đổi hay giữ nguyên,mỗi cách ứng xử trên mâm cơm gia đình Việt cũng góp phần làm phong phú và đặc sắc hơn cho đời sống văn hóa của người dân.

Bạn nghĩ sao về những quy tắc trên mâm cơm Việt? Mời bạn chia sẻ ý kiến trong phần Bình luận cuối bài viết, hoặc gửi bài về email [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Khóc cười chuyện giới trẻ áp dụng quy tắc trên mâm cơm

TTO - Bên cạnh những ý kiến trái chiều khác nhau về việc áp dụng những quy tắc khắt khe trong cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ cũng chia sẻ những kỷ niệm 'khó đỡ' trước áp lực ứng xử chuẩn mực trên mâm cơm nhà mình.

Độc giả HUYỀN NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên