Nhà văn Nguyên Ngọc đại diện Hội đồng Khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao giải cho các cá nhân đoạt giải - Ảnh: L.Điền |
Lễ trao giải vừa diễn ra đêm 24-3 tại TP.HCM.
Như vậy, nhà văn hóa Phan Khôi là người thứ 5 được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tôn vinh là “Danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại”, sau các tên tuổi từng được tôn vinh là: Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Châu Trinh, Phan Bội châu.
Phan Khôi - Tài năng kiệt xuất
Trong diễn từ vinh danh, nhà văn Nguyên Ngọc - Chủ tịch Hội đồng khoa học Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - lược thuật cuộc đời và những cống hiến quan trọng thật đáng kể của Phan Khôi cho văn hóa nước nhà: “Phan Khôi quả là một tác giả hết sức đa dạng, một nhà phê bình văn học uyên thâm và sắc sảo, một nhà nghiên cứu văn học sâu sắc, một nhà thơ tài hoa, một tác giả văn tự sự hấp dẫn, một tác giả xuất sắc của các thể loại tiểu phẩm, hoạt kê, châm biếm, một dịch giả tài năng, một nhà ngôn ngữ học tinh tế, cuối cùng là một nhà báo kiệt xuất”.
Ông Phan Trản - con trai nhà văn hóa Phan Khôi (trái) nhận quyết định tôn vinh cha mình là danh nhân văn hóa Việt Nam thời hiện đại - Ảnh: L.Điền |
Bên cạnh đó, Giải Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay cũng trao cho bốn hạng mục quen thuộc:
Giải Vì sự nghiệp văn hóa - Giáo dục trao cho GS Cao Huy Thuần “vì những đóng góp to lớn và sâu sắc cho sự nghiệp văn hóa và giáo dục Việt Nam; Giải Nghiên cứu năm nay trao cho hai tên tuổi lớn: GS Trần Đình Sử “vì những đóng góp to lớn và lâu dài trong lĩnh vực nghiên cứu văn học”, và GS Trịnh Văn Thảo (ở Pháp) “vì những đóng góp đặc sắc trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa và lịch sử Việt Nam cận và hiện đại”; Giải Dịch thuật thuộc về nữ dịch giả Nguyễn Hồng Nhung với những công trình dịch thuật công phu và đặc sắc về văn học và triết học Hungari; Giải Việt Nam học được trao cho nhà Việt Nam học người Canada Alexander Woodside “vì những công trình nghiên cứu uyên bác và đặc sắc về lịch sử Việt Nam”.
Mỗi giải thưởng trên được tặng kèm hiện kim 20 triệu đồng.
Tầm quan trọng của việc nhận thức bản sắc văn hóa
Giáo sư Cao Huy Thuần bày tỏ niềm bất ngờ khi nhận giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục năm nay. Ông cũng có một diễn từ quan trọng tại buổi lễ, tập trung nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc nhận thức bản sắc văn hóa - căn cước trường cửu của dân tộc trong quá trình phát triển và giữ lấy tư thế đường hoàng của người dân một nước có văn hiến.
Ở đó, tinh thần canh tân của Phan Châu Trinh là một mấu chốt quan trọng cần lan tỏa, cần gìn giữ để ngăn cản đà xâm thực văn hóa từ bên ngoài trong quá trình hội nhập hiện nay.
Giải Việt Nam học năm nay không trao được trực tiếp cho GS Alexander Woodside vì lý do sức khỏe của ông. Ban tổ chức Giải đã dành cho ông diễn từ vinh danh nhắc lại con đường đến với Việt Nam học của GS bắt đầu từ luận án tiến sĩ “Mô hình Việt Nam và Trung Hoa” mở ra sự nghiệp nghiên cứu Việt Nam học ở “khu vực tiếng Anh”.
Đây là lần thứ 10 Giải Văn hóa Phan Châu Trinh được thực hiện như một hoạt động văn hóa nhằm vinh danh các cá nhân xuất sắc đã và đang có những nỗ lực không mệt mỏi cho sự nghiệp canh tân Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, như ý tưởng và những khởi đầu của nhà văn hóa Phan Châu Trinh từ hơn một thế kỷ trước.
GS Chu Hảo - phó chủ tịch hội đồng quản lý Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - cho rằng những lời kêu gọi thống thiết của cụ Phan cách nay hơn một thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị thời sự, bởi chúng ta đang sống trong thời kỳ nhiễu nhương của nhân loại; dường như khắp nơi trên thế giới này cái ác đang lấn át cái thiện ở tầm vĩ mô, ngay tại cơ tầng văn hóa - giáo dục; dối trá và bạo lực lan tràn trong xã hội trên phạm vi toàn cầu. Và nước ta không là một ngoại lệ...
Thanh lọc khi đọc Hamvas
Trong số các giải thưởng năm nay, giải Dịch thuật được Hội đồng khoa học lưu ý trước tiên, không chỉ bởi nỗ lực phi thường của dịch giả Nguyễn Hồng Nhung trong bấy lâu nay, mà quan trọng là dịch phẩm Minh triết thiêng liêng của Hamvas Béla một trí thức “kỳ nhân dị sĩ” của Hungari. Nguyễn Hồng Nhung từng tâm sự về tầm quan trọng của Hamvas Béla và những tác phẩm của ông: “Có cảm giác mỗi ngày sống bây giờ sẽ rất thiếu thốn nếu không đọc Hamvas... Từ ngày đọc và dịch Hamvas, thấy mình thanh lọc, bớt dần những điều thừa, sửa lại những điều hiểu sai, làm sáng tỏ những điều trước kia mù mờ...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận