Lượng thịt đỏ ăn cho mức cho phép là không quá 350-500gram/người/tuần - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phải thuộc xu hướng chung
Theo TS Cường, trong khoa học, tác giả/nhóm tác giả có quyền đưa ra kết quả nghiên cứu trái chiều với xu hướng chung. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu để người dân ứng dụng trong cuộc sống phải là xu hướng chung.
Chẳng hạn, hàng trăm nghiên cứu cùng chủ đề, nếu số lượng nhiều nghiên cứu có chung kết luận thì đó là xu hướng chung. Những kết luận từ nghiên cứu đơn lẻ, trái ngược xu hướng chung thì ý nghĩa ứng dụng trong cuộc sống rất thấp.
TS Cường cho biết chủ đề thịt đỏ đã được giới khoa học nghiên cứu từ hàng chục năm trước.
Thông qua PubMed (truy cập về các tài liệu tham khảo và tóm tắt về các chủ đề khoa học đời sống và y sinh học), ngày càng nhiều các ấn phẩm nghiên cứu liên quan về thịt đỏ. Cụ thể, vào năm 1990 thông kê chỉ có 65 ấn phẩm, sau hơn 25 năm (2015) lên đến 400 ấn phẩm.
Hầu hết kết luận các ấn phẩm này đều chỉ ra rằng việc tiêu thụ thịt đỏ, đặc biệt là thịt chế biến sẵn có thể liên quan đến tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch và các bệnh ung thư.
Năm 2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố danh sách các loại thịt có khả năng gây ung thư cao gồm các loại thịt đã qua chế biến như thịt hun khói, giăm bông, xúc xích và kể cả các loại thịt đỏ chưa qua chế biến cũng mang nguy cơ tương tự.
"Tôi tôn trọng kết quả nhóm nghiên cứu NutriRECS. Tuy nhiên, chúng còn hơi cường điệu hóa, chưa đủ mạnh để bác bỏ những trường phái, quan điểm đi vào cuộc sống người dân bao lâu nay.
Tôi nghĩ cần thêm những nghiên cứu khác, nếu cùng kết luận với nhóm nghiên cứu NutriRECS thì mới có ý nghĩa" - TS Cường nói.
Hàm lượng khuyến cáo bao nhiêu?
Quỹ Nghiên cứu ung thư thế giới khuyến cáo lượng thịt đỏ ăn mức cho phép là không quá 350-500gram/người/tuần.
TS Cường cho hay thịt đỏ là thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng, chứa hàm lượng axit amin thiết yếu, vitamin B12 và một số khoáng chất như sắt, kẽm…
Thịt đỏ bao gồm 2 nhóm: tự nhiên (thịt heo, thịt bò, thịt dê, thịt cừu…) và chế biến sẵn (xúc xích, giò chả, dăm bông…).
Tuy nhiên, nếu ăn vượt khuyến cáo thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và ung thư (đại trực tràng, gan, tụy, tiền liệt tuyến, phổi, thực quản…) vẫn có thể xảy ra.
Tỉ lệ mắc bệnh sẽ cao hơn khi ăn nhiều thịt đỏ chế biễn sẵn vì chúng chứa các chất béo bão hòa, nitrite, nitrat, nitrosamine…
Theo TS Cường, mỗi thực phẩm đều có những chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể vì thế cần ăn đa dạng, mỗi thứ ăn một ít, không tẩy chay thực phẩm nào cũng như không ăn quá nhiều thực phẩm nào.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận