Quý một của ông Biden

DANH ĐỨC 08/05/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Có rất nhiều kết quả đánh giá 100 ngày đầu tiên của ông Joe Biden - tổng thống Mỹ thứ 46. Đánh giá hay dở, đẹp xấu... là tùy góc nhìn và thái độ, tùy tính đếm lợi lộc hay thua thiệt chủ quan của từng người.

Hãng thăm dò quen thuộc Gallup đã khảo sát dư luận Mỹ và đưa ra kết luận vào cuối tháng 4 vừa rồi, rằng ông Biden được dân Mỹ đánh giá cao hơn người tiền nhiệm Donald Trump trong cùng khoảng thời gian 100 ngày đầu, tuy còn kém một số người tiền nhiệm khác. 

“Trung bình Biden đạt 56% tán thành trong toàn bộ quý đầu tiên… vượt xa thành tích 41% của cựu tổng thống Donald Trump, nhưng thấp hơn so với 65% của Barack Obama và 62% của George W. Bush”. 

Cũng theo Gallup, kết quả 56% của ông Biden vào hàng trung bình - tương đương các ông George H.W. Bush (58%) và Bill Clinton (55%).

Ảnh: USA Today

 

Thắng COVID-19 mới là chiến thắng trở lại 

Tuy nhiên, trong số 56% đó chắc chắn không có bà Ronna McDaniel - chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Đảng Cộng hòa. USA Today 29-4 dẫn lại lời bà McDaniel quả quyết: “Bất kỳ cuộc kiểm tra sòng phẳng nào các chính sách của Tổng thống Joe Biden sẽ kết luận rằng 100 ngày nắm quyền đầu tiên của ông là một thất bại hoàn toàn”. 

Sự bực dọc đó là dễ hiểu: 100 ngày đầu tiên cầm quyền, 20/42 sắc lệnh hành pháp mà ông Biden đã ký là để đảo ngược những chính sách của người tiền nhiệm, như việc người nhập cư không có giấy tờ, lệnh cấm nhiều người Hồi giáo nhập cảnh, cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội… 

Tuy nhiên, với tình hình Mỹ hiện nay, mọi thành tích biểu phải dựa vào tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất: năng lực chống đại dịch COVID-19.

Bản thân ông Biden, trong thông điệp đọc trước Quốc hội Mỹ hôm 28-4, tự “đánh giá thi đua quý 1” cho mình: “Khi tôi tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1, chưa đến 1% người cao tuổi ở Mỹ được chích ngừa đầy đủ COVID-19. 100 ngày sau, 70% người trên 65 tuổi ở Mỹ đã được bảo vệ đầy đủ”. 

6 ngày trước khi nhậm chức, ông Biden chỉ dám hứa sẽ chích ngừa được cho 100 triệu dân Mỹ sau 100 ngày cầm quyền. Đến giữa tháng 4, số người được chích ngừa đã là 202 triệu người (Axios 16-4), gấp đôi con số ông Biden đã hứa. 

Mới nhất, CDC ngày 3-5 loan báo đã chích hơn 246 triệu mũi chích ngừa trong hơn 312 triệu liều đã phân phối! Dân số Mỹ hiện là gần 333 triệu người, trong đó 22% là trẻ em - đối tượng tạm thời chưa chích ngừa. 

Có thể nói không mấy ngoa rằng, lúc này đây, dân Mỹ đang bơi trong vaccine COVID-19. Kết quả rành rành, theo lời ông Biden, là “số người cao tuổi tử vong do COVID-19 giảm 80% kể từ tháng 1”, “90% người Mỹ hiện sống trong bán kính 5 dặm [khoảng 8km] của một điểm chích ngừa”, và “mọi người trên 16 tuổi đều có thể đi chích ngừa ngay bây giờ”. 

Đó là những con số thật sự xa xỉ với phần lớn cả thế giới hiện giờ, nhất là ở những nước đang oằn mình vì đại dịch ở Nam Á hay Đông Nam Á.

Quan trọng không kém, số người đã chích ngừa có thể nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường, đi làm, đi học, vui chơi ăn uống, và đầu tư kinh doanh. 

Tờ báo chuyên về tài chính và kinh doanh Fortune hôm 30-4 ghi nhận: “Trong 100 ngày kể từ khi Tổng thống Joe Biden tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1, thị trường chứng khoán đã tăng 9,3%..., khoảng thời gian 100 ngày đầu tiên tốt nhất của các cổ phiếu với một tổng thống mới từ thời Franklin D. Roosevelt… năm 1933”. 

Ông Trump, xuất thân là một doanh nhân cỡ bự, đã luôn ước ao và tự hào với những con số kiểu đó cho tới khi nước Mỹ “vỡ trận” vì COVID-19 cách đây chưa lâu. 

Mối đe dọa dịch bệnh giảm xuống thì kinh tế tăng lại cũng là chuyện khách quan, nhưng nhờ thế mà ông Biden đã có thể (và có quyền) sử dụng tới 51 lần chữ “job” (công ăn việc làm) trong bài diễn văn hơn 8.000 từ của ông. 

“Nền kinh tế đã tạo ra hơn 1,3 triệu việc làm mới trong 100 ngày [vỗ tay] - nhiều hơn so với 100 ngày đầu tiên của bất kỳ tổng thống nào cho tới nay [vỗ tay]… Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF ước tính nền kinh tế của chúng ta sẽ tăng trưởng với tốc độ hơn 6% trong năm nay [vỗ tay]. Đó sẽ là tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất của đất nước này trong gần 4 thập kỷ qua [vỗ tay]”.

Nói như thế không có nghĩa là đánh giá ông Biden cao hơn ông Trump, mà là để thấy rằng phải thực sự coi việc chống COVID-19 là một cuộc chiến toàn quốc, toàn dân, và toàn diện. 

Hoạn lộ của ông Biden 

Đối lập gần như hoàn toàn với người tiền nhiệm, ông Biden đã trải qua một sự nghiệp chính trị chuyên nghiệp dài lâu, chứ không phải tay ngang như ông Trump. 

Toàn cảnh một khu vực chạy xe qua - chích vaccine ở tiểu bang California, Mỹ. Mỹ đã có đủ năng lực chích vaccine cho toàn dân. Ảnh: Getty Images

 

Ông làm thượng nghị sĩ tiểu bang Delaware suốt từ tháng 1-1973 cho tới khi lên phó tổng thống Hoa Kỳ tháng 1-2009 thời Obama. Suốt hơn 36 năm ròng rã ở Thượng viện đó, ông có 8 năm làm chủ tịch Ủy ban tư pháp (1987 - 1995), 2 lần làm chủ tịch Ủy ban đối ngoại 4 năm (2001 - 2003 và 2007 - 2009), rồi làm phó tổng thống 8 năm (2009 - 2017). 

Xuất thân từ trường luật Syracuse nổi tiếng, thành lập từ năm 1895, cùng mấy năm làm nghị viên hội đồng quận New Castle (bang Delaware), cũng đã cho ông một sự chuẩn bị các kinh nghiệm lập pháp và “đi cơ sở” quan trọng, hết sức “cổ điển”. 

Tóm lại, ông Biden như được đo ni đóng giày để làm tổng thống trong một nước phân quyền. (Cần nhắc, ông từng tranh cử năm 1988, khi mới 46 tuổi, nhưng rồi rút lui sớm vì nghi án đạo văn).

Suốt 36 năm làm thượng nghị sĩ, công việc chính của ông Biden là làm luật, và làm luật đúng thủ tục, mục đích và yêu cầu, tất nhiên có êkip trợ lý nghiên cứu và chấp bút. 

Dò mục “Công tác lập pháp chủ trì hoặc đồng chủ trì bởi Joseph R. Biden Jr” trên trang chủ Thượng viện Mỹ, đếm được tới 4.445 bộ luật, điều khoản tu chính, nghị quyết… do nghị sĩ Biden chủ trì hay đồng chủ trì. 

Có những luật khiêm tốn như “Luật dịch vụ bảo tàng và thư viện năm 2003”, có những nghị quyết đối ngoại như “Nghị quyết S.Res.332 nhân 10 năm thảm sát ở Rwanda năm 1994”, hay “Nghị quyết S.326 lên án bạo lực chủng tộc ở Kosovo”… 

Đã quen cầm cân nảy mực, nay trong cương vị tổng thống, ông Biden có xu hướng “làm gì cũng phải dựa trên pháp luật”, tức rất “nguyên tắc”.

Ở một góc nhìn khác, nếu tìm kiếm từ khóa “Burma” (tức Myanmar) cũng ở đề mục website nêu trên, sẽ tìm thấy 21 hồ sơ mà ông Biden chủ trì. 

Tỉ như đạo luật S.2257 về việc thúc đẩy dân chủ ở Myanmar năm 2007. Thí dụ này chỉ ra: Myanmar chỉ là một trong hàng trăm quốc gia - đề tài lập pháp khác mà ông Biden đã kinh qua, kiến thức mà ông Biden thụ đắc trong chừng đó năm làm nghị sĩ, riêng về đề tài Myanmar, dư đủ để ông, nay là tổng thống, hiểu vụ chính biến của giới quân nhân nước này đầu năm nay, và từ đó, tầm hiểu biết và cọ xát các vấn đề quốc tế cũng như quốc nội của ông có trương độ rất lớn.

Với một quá trình học vấn, đào tạo, làm việc dày dạn ở các vị trí đa dạng như thế, ông Biden cầm chắc không hành động ngẫu hứng, mà luôn có kế hoạch, chương trình, dự án bài bản. 

Tả xung hữu đột

Kiểu làm việc đó khiến dư luận ít được nghe những tuyên bố ầm ĩ, những tin nhắn Twitter gây sốc, hay những vụ cãi cọ gay gắt với báo chí như 4 năm qua. Nhà Trắng, giống như nước Mỹ, đang thực sự dần bình thường trở lại. 

Có thể thấy cả điều này trong chính sách đối ngoại, khi ông Biden đã ra nhiều quyết định sẽ để lại hệ quả lâu dài và sâu sắc, nhưng hầu như không gây chú ý. Quý 1 của ông về đối ngoại, do đó, là sự tiếp nối nhất quán thời ông làm thượng nghị sĩ, “em đẹp không cần son phấn”.

Đơn cử, sắc lệnh hành pháp 16-4 của ông Biden ra lệnh cho Bộ Ngân khố Mỹ ban hành một chỉ thị cấm các tổ chức tài chính của Hoa Kỳ tham gia thị trường trái phiếu sơ cấp và cho vay có mệnh giá bằng đồng rúp và không phải đồng rúp được phát hành sau ngày 14-6-2021 bởi Ngân hàng Trung ương, Quỹ Tài chính quốc gia, hoặc Bộ Tài chính Liên bang Nga. 

Chỉ thị này trên thực chất là tuyên bố Chính phủ Hoa Kỳ có quyền mở rộng các biện pháp trừng phạt với nợ nhà nước của Nga khi họ muốn. 

Cũng thế, ông Biden “làm việc” với Trung Quốc. 

“Tôi đã nói với ông ấy [Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình]: “Chúng tôi hoan nghênh sự cạnh tranh. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột”". 

"Nhưng tôi cũng nói rất rõ rằng chúng ta sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ một cách toàn diện. Mỹ sẽ chống lại các hành vi thương mại không công bằng làm giảm giá trị của người lao động Mỹ và các ngành công nghiệp của Mỹ, như trợ cấp từ nhà nước cho các hoạt động và doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, và việc đánh cắp công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ". 

"Tôi cũng đã nói với Chủ tịch Tập rằng chúng ta sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giống như chúng ta làm với NATO ở châu Âu - không phải để khởi đầu, mà là để ngăn chặn xung đột”. 

Ông Biden điện đàm với ông Tập hôm 10-2. Đến 8-4, Bộ Thương mại Mỹ đưa thêm 7 cơ sở siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, với lý do các hoạt động của những cơ sở này đi ngược lợi ích an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. 

Các công ty Mỹ bị cấm kinh doanh với những cơ sở trong danh sách trừng phạt này khi chưa được sự cho phép của Chính phủ Mỹ. 

Tất cả những điều đó đã diễn ra khá lặng lẽ, không có những tuyên bố nhận công, không gây ầm ĩ. Quan trọng là được việc.■

Vấn đề ý thức hệ

Trong đoạn kết bài phát biểu của ông Biden với lưỡng viện Quốc hội Mỹ, ông nhắc tới những biến cố bất hạnh mà nước Mỹ mới trải qua không lâu. 

“Vào lúc chúng ta tề tựu ở đây tối nay, những hình ảnh của đám đông bạo lực tấn công Điện Capitol này, xúc phạm nền dân chủ của chúng ta, vẫn còn sống động trong tâm trí chúng ta…" 

"Cuộc nổi loạn đó là một cuộc khủng hoảng sống còn - một bài kiểm tra xem liệu nền dân chủ của chúng ta có thể tồn tại không…" 

"Câu hỏi về việc liệu nền dân chủ của chúng ta có tồn tại lâu dài hay không vừa cổ xưa, vừa cấp thiết, lâu đời như chính nền cộng hòa của chúng ta - và ngày nay vẫn còn được nêu ra”. 

Điều mà nước Mỹ luôn tự hào suốt từ thế kỷ trước, luôn tìm cách “xuất khẩu” cho bằng được, nay được ông Biden đặt ra như một thực tế.

Tính nguyên tắc đó là điểm mạnh, nhưng cũng có thể là điểm yếu của ông Biden. Từng kinh qua chiến tranh lạnh, khó trách ông vẫn giữ góc nhìn ý thức hệ - dù Liên Xô và khối Đông Âu xã hội chủ nghĩa không còn nữa, thì vẫn còn những giá trị Mỹ phải được gìn giữ và khuếch trương. 

“Những đối thủ của nước Mỹ - những kẻ chuyên quyền trên thế giới - đang đánh cược rằng chúng ta không thể làm được - ông Biden nói - Họ tin rằng chúng ta đang quá giận dữ và chia rẽ. Họ coi hình ảnh đám đông tấn công Điện Capitol là bằng chứng rằng mặt trời đang lặn với nền dân chủ Mỹ…" 

"Song, họ đã lầm… Chúng ta phải chứng minh họ đã lầm rồi. Chúng ta phải chứng minh rằng nền dân chủ vẫn trơn tru. Trong 100 ngày đầu tiên, chúng ta đã cùng nhau hành động nhằm khôi phục niềm tin của người dân vào những gì nền dân chủ sẽ mang lại cho họ”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận