29/09/2013 12:53 GMT+7

Quỹ hội phụ huynh: tìm tiếng nói chung

HOÀNG HƯƠNG -  LƯU TRANG ghi
HOÀNG HƯƠNG -  LƯU TRANG ghi

TT - Từ bài viết “Mượn tay hội phụ huynh lạm thu tiền trường” (Tuổi Trẻ 21-9) và loạt bài “Dạy học bằng công nghệ hiện đại” (Tuổi Trẻ các ngày 23, 24, 25-9), câu chuyện tiền trường lại một lần nữa làm nóng dư luận. Diễn đàn chủ nhật tuần này mời những người trong cuộc cùng giãi bày chủ đề trên.

h0O77Gid.jpgPhóng to
Một tiết học bằng giáo án điện tử của học sinh một trường tiểu học ở TP.HCM. Đây là dụng cụ do phụ huynh đóng góp mua sắm - Ảnh: H.HG.

* Ông Bùi Thanh Hải (phó trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q.7, TP.HCM):

Muốn con có môi trường không thua trường quốc tế

Khi con tôi vào học lớp 1 ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh, cũng như nhiều phụ huynh khác, tôi đi tham quan trường một vòng và nhận thấy cơ sở vật chất của trường khá tốt rồi. Chúng tôi có tham khảo các thiết bị dạy học ở trường quốc tế và bàn với nhau nếu lớp học được gắn máy lạnh, có máy chiếu, máy vi tính nối mạng... cho giáo viên dễ dàng đổi mới phương pháp giảng dạy nữa thì con mình sẽ được học trong môi trường không thua gì trường quốc tế. Thế là ban đại diện phụ huynh đề xuất với ban giám hiệu trường. Được nhà trường đồng ý, chúng tôi lên kế hoạch, xem giá cả, rồi công bố cho tất cả phụ huynh biết và xin ý kiến của mọi người. Khi đã có sự đồng thuận mới vận động đóng góp.

Ở Trường Lương Thế Vinh, có phụ huynh khấm khá nhưng có phụ huynh rất khó khăn. Và ngay từ đầu, chúng tôi đã nói chỉ cần sự đồng thuận, còn việc đóng góp tiền bạc tùy thuộc khả năng kinh tế mỗi gia đình. Trên thực tế, có phụ huynh đồng thuận với chúng tôi bằng tấm lòng, có phụ huynh đóng góp 10.000 đồng, 20.000 đồng, có người khấm khá thì góp gấp nhiều lần như thế. Để tránh sự so sánh, mặc cảm giữa các phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh không bao giờ in ra hoặc dán lên bảng thông báo danh sách mỗi phụ huynh đóng bao nhiêu tiền. Tóm lại, chúng tôi vận động phụ huynh đóng góp để chăm lo những vấn đề thiết thực nhất của con em mình.

Nếu làm phép tính một cách rạch ròi, mỗi năm mình bỏ ra vài triệu đồng mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học để con em mình được học hành trong một môi trường tốt vẫn còn khá rẻ nếu so với mức phí ở trường quốc tế.

* Cô Phạm Thị Huệ (hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM):

Tại sao trường người ta làm được nhưng mình thì không?

Nhà trường chúng tôi đang gặp phải một mâu thuẫn: một bên là yêu cầu nâng cao chất lượng, xây dựng nhà trường tiên tiến, hiện đại; còn một bên thì kinh phí eo hẹp; kêu gọi phụ huynh đóng góp lại bị lên án. Ví dụ như hai năm gần đây, nhà trường không được thu khoản cơ sở vật chất từ phụ huynh nhưng ngân sách cũng không cấp bù, thế thì lấy gì chúng tôi sửa chữa trong nhà trường? Khi phần chi lương giáo viên đã “ngốn” gần hết khoản ngân sách nhà nước cấp, các hiệu trưởng đau đầu với câu hỏi: tại sao trường người ta làm được nhưng mình thì không?

Và như thế, không thể không kêu gọi sự đóng góp của phụ huynh. Năm nay, Trường Bạch Đằng sửa chữa nhà vệ sinh hết gần 20 triệu đồng, sắp cần thêm gần 18 triệu đồng nữa để sửa chữa, thay mới bàn ghế. Đó là chưa kể hàng loạt phong trào Đoàn, Đội khác, cái gì cũng phải có tiền mới làm được. Đợt vừa rồi, học sinh Trường Bạch Đằng tham gia một cuộc thi phong trào, mới chỉ may quần áo cho các em đã tốn hơn 30 triệu đồng, chưa kể tiền xe đưa đón các em đi thi, tiền nước uống, tiền ăn sáng...Chúng tôi cho các em đi thi bóng đá, nội chuyện mướn sân cho các em tập cũng mất 800.000 đồng/buổi.

Đã vậy, điều lệ hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh (do Bộ GD-ĐT ban hành) có nhiều điểm rất bất hợp lý: quỹ do cha mẹ học sinh đóng góp không được chi cho các hoạt động giáo dục. Thử hỏi, ở một nhà trường có nhiệm vụ chính là giáo dục mà quỹ không được chi cho giáo dục thì chi cho việc gì? Năm vừa rồi, để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trước cổng trường, chúng tôi phải phối hợp với chính quyền địa phương. Nhưng suy nghĩ mãi không biết lấy từ nguồn nào để chi bồi dưỡng cho lực lượng này. Anh trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị trích quỹ của cha mẹ học sinh nhưng tôi không đồng ý vì làm như thế là sai luật. Cuối cùng một phụ huynh đã tự móc 20 cái giỏ xách mang đến bán đấu giá trong buổi họp cha mẹ học sinh. Nhà trường lấy tiền đó để bồi dưỡng cho lực lượng giữ an ninh.

* Thầy Đặng Văn An (hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn, Q.4, TP.HCM):

“Con sâu làm rầu nồi canh”

Nếu như ngân sách nhà nước cấp đủ cho mọi hoạt động của trường thì chúng tôi vận động phụ huynh đóng góp nữa làm gì. Đằng này, ngân sách cấp quá ít, có trường chi lương cho giáo viên còn thiếu thì làm sao tổ chức các hoạt động giáo dục khác.

Tôi cũng thừa nhận có trường thu quá nhiều khoản ngoài quy định, mức thu cũng quá cao so với đời sống phụ huynh. Tôi đọc báo thấy có trường thu quỹ hoạt động của cha mẹ học sinh lên tới 1 triệu đồng thì nhiều quá. Nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Trên thực tế, các trường đều phải hạch toán chi li từng đồng một.

Phụ huynh không hiểu cứ than cái gì nhà trường cũng thu tiền. Nhưng trên thực tế, từ cuốn sổ liên lạc đến giấy thi, sổ điểm... tất cả nhà trường phải đi mua chứ ngân sách đâu có cấp. Mà đi mua thì phải kêu gọi phụ huynh đóng góp. Một năm nhà trường phải tham gia hàng tá phong trào từ văn nghệ đến thể dục thể thao. Tất cả đều phải có tiền mới làm tốt được.

Từ năm học vừa rồi, Nhà nước không cho thu tiền quỹ hoạt động của cha mẹ học sinh. Trường Đặng Trần Côn phải thu theo kiểu tài trợ (nhà trường lập một ban tiếp nhận, ai có điều kiện thì đóng, không thì thôi). Lên kế hoạch các công trình, dự toán khoảng hơn 300 triệu đồng. Nhưng đến cuối năm hạch toán chỉ có hơn 100 triệu đồng, chi cho khoản học bổng và khen thưởng học sinh là hết, không thể thực hiện các công trình khác.

* Một phụ huynh Trường tiểu học Phạm Ngọc Thạch, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (đề nghị không nêu tên):

Phụ huynh phải biết rõ tiền mình bỏ ra hiệu quả thế nào

Tôi bức xúc là trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm đã yêu cầu chúng tôi phải đóng rất nhiều khoản tiền. Ngoài những khoản trong quy định còn có khoản học tiếng Anh với phần mềm Phonics, khoản mua bảng tương tác. Chúng tôi thắc mắc thì cô chủ nhiệm nói tất cả khoản thu ấy do bộ và Sở GD-ĐT quy định. Nhiều phụ huynh bức xúc, nghi ngờ có sự nhập nhằng gì ở đây nên cô giáo mới nói như thế. Và tôi chọn cách gọi điện đến báo Tuổi Trẻ để phản ảnh sự bức xúc này.

Tôi chỉ lưu ý nhà trường rằng phụ huynh bây giờ cũng có theo dõi thông tin trên các phương tiện truyền thông nên không thể áp đặt họ được. Với những khoản thu thuộc dạng “vận động”, nhà trường cần giải thích cho chúng tôi hiểu. Thậm chí có thể làm cho chúng tôi xem, ví dụ như bảng tương tác, có thể giới thiệu cho chúng tôi biết nếu con em chúng tôi được học bằng bảng tương tác thì có lợi ích gì. Tâm lý phụ huynh phải biết rõ tiền mình bỏ ra để làm gì, việc làm đó có hiệu quả thế nào đối với việc học của con em mình. Nếu thấy phù hợp chúng tôi đồng lòng đóng góp.

* Ông Hoàng Anh (phụ huynh):

Tự nguyện hay triệt buộc?

Con tôi đang học lớp chồi một trường mầm non có tiếng ở quận 7. Nhiều năm nghe vợ than phiền vụ đi họp phụ huynh, năm nay tôi “xung phong” đi họp để có ý kiến nếu cần. Vào cuộc họp, cô giáo thông báo trường con tôi dự định thực hiện các công trình phụ huynh như lắp máy nước nóng (để các cháu tắm), bổ sung bàn ghế (một số đã hư hỏng), mua máy tính (cho cô giáo), mua máy sấy tay (để các cháu dùng sau khi rửa tay), tổng cộng hơn 700 triệu đồng. Sau khi chia đều cho các lớp, mỗi phụ huynh phải đóng góp 700.000 đồng. Vài phụ huynh có ý kiến nên xem xét lại công năng các loại máy móc, bàn ghế để mua cho phù hợp thì vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh nói: “Mình sắm cho con mình, để con mình hưởng nên các phụ huynh cố gắng một chút”.

Không ai có ý kiến gì thêm về khoản 700.000 đồng đóng vì mọi thứ hình như đã an bài. Về phần lớp, năm nay ban đại diện đề nghị sắm thêm một số quạt gắn tường để chống nóng. Nếu đồng ý thì mỗi phụ huynh sẽ đóng 120.000 đồng. Thôi thì để con mát mẻ, đóng thêm khoản tiền này cũng không sao. Nhưng rồi vị trong ban đại diện cha mẹ học sinh lại “phán”: Tổng cộng là 820.000 đồng, tôi đề nghị các phụ huynh chúng ta xem đóng hẳn 850.000 đồng cho chẵn, thêm có 30.000 đồng chứ mấy, để lo các chi phí phát sinh”. Thông báo tình hình xong, các vị mạnh thường quân của lớp đứng lên phát biểu đồng tình và đóng tiền làm... mẫu. Ai có sẵn tiền thì đóng luôn, không thì bữa khác. Cuộc họp kết thúc mà trong lòng những phụ huynh chúng tôi như có tảng đá đè nặng. Không phát biểu thì ấm ức, mà phát biểu có tính chất phản đối thì bị các vị mạnh thường quân kia “dập” xuống hết. Một vài phụ huynh nữ im lặng lầm lũi bước ra khỏi cổng trường rồi nói oang oang với nhau, đại ý không thể chấp nhận nổi kiểu thu tiền này, đại ý “họ” giàu có nên tưởng ai cũng giàu như “họ” chắc... “Họ” ở đây là các vị phụ huynh đã được bầu làm ban đại diện cha mẹ học sinh.

Cả lớp 45 cháu, không phải phụ huynh nào cũng có thể thoải mái đóng số tiền 850.000 đồng. Những người trong ban đại diện cha mẹ học sinh, theo tôi biết, đều có điều kiện kinh tế khá, có người đi ôtô tới họp. Tôi ngạc nhiên là các nhà quản lý giáo dục luôn nói rằng khoản tiền này là tự nguyện. Tôi mong họ hãy làm phụ huynh đi họp đầu năm để biết tự nguyện đóng tiền trường là thế nào.

____________

Tin bài liên quan:

HOÀNG HƯƠNG -  LƯU TRANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên