Đại biểu Đỗ Văn Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Tư liệu Quốc hội
Đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) khẳng định như vậy tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 3-11, về dự án Luật sửa đổi, bổ sung 37 luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Bỏ để tránh lãng phí
Nhấn mạnh về sự không cần thiết phải xây dựng một quy hoạch xây dựng ở cấp tỉnh, vị đại biểu này khẳng định nếu có thêm quy hoạch xây dựng sẽ phải đồng thời lập 2 loại quy hoạch. Và khi lập quy hoạch xây dựng, các địa phương chỉ cần copy quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt, lược bỏ một số nội dung, đổi tên thành quy hoạch xây dựng tỉnh để thẩm định, phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng.
Dự thảo luật này dự kiến sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch, nhưng đến nay nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn ý kiến khác nhau về việc có nên duy trì quy hoạch xây dựng, và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong dự thảo luật sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch.
Điều này cho thấy còn nhiều vấn đề phải thảo luận thêm về dự thảo luật này trước thời điểm Quốc hội dự kiến bấn nút thông qua luật vào ngày 21-11.
Về vấn đề có duy trì quy hoạch xây dựng cấp tỉnh ở các địa phương hay không, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng "quy hoạch xây dựng được tỉnh phê duyệt sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là một loại giấy phép con, làm cản trở dòng chảy quá trình phát triển kinh tế địa phương, gây lãng phí hàng nghìn tỉ đồng, kìm hãm sự phát triển kinh tế xã hội đất nước" – ông nhấn mạnh.
Đại biểu Sinh dẫn giải, theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch tỉnh đã kế thừa 7 nội dung hợp lý của quy hoạch xây dựng đang triển khai, và đã bổ sung thêm 8 nội dung mới, bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, đủ cơ sở thực hiện các quy hoạch chuyên ngành. Đây là công cụ để quản lý, tổ chức không gian, là cơ sở phân bổ mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, có định hướng, có lộ trình, kế hoạch triển khai cụ thể.
Vị này cũng khẳng định, Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua là một đột phá trong hoạt động quy hoạch. Việc loại bỏ quy hoạch xây dựng ở cấp tỉnh là cần thiết, việc duy trì quy hoạch xây dựng là dung túng cho một nhóm lợi ích, gây khó cho người dân, doanh nghiệp.
Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) băn khoăn, không hiểu việc đưa quy hoạch xây dựng tỉnh vào dự thảo luật sửa đổi để làm gì. Và nếu nói quy hoạch xây dựng vẫn sử dụng tốt thì việc Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch là vô nghĩa. Và để tránh tiêu cực liên quan tới công tác lập quy hoạch, đại biểu này đề nghị phải công khai quy hoạch cho dân biết, dân chia sẻ, dân đồng lòng và chấm dứt quy hoạch "treo".
Cùng quan điểm trên, đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cũng đề nghị cân nhắc không duy trì cùng lúc 2 loại quy hoạch tỉnh, và quy hoạch xây dựng. Nếu 2 quy hoạch này cùng tồn tại sẽ nảy sinh bất cập. Bởi cả quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng đều có điểm chung quy hoạch không gian, để sắp xếp nguồn lực cho phát triển. Tồn tại thêm quy hoạch xây dựng tỉnh chỉ là hình thức.
Chỉ cần một loại quy hoạch
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), tư tưởng chủ đạo Luật quy hoạch là thống nhất, tích hợp rất cả quy hoạch thành một loại quy hoạch duy nhất, thể hiện đầy đủ yếu tố kỹ thuật cho mọi chuyên ngành. Như vậy chỉ cần một loại quy hoạch duy nhất là quy hoạch tỉnh.
Giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu về những vấn đề trong dự thảo luật sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng, chia sẻ phải mất 3 kỳ họp Quốc hội mới thông qua được Luật Quy hoạch, và việc ban hành Luật sửa đổi các luật liên quan đến quy hoạch cũng là một thách thức vì nó nằm ở tất cả các bộ, ngành liên quan. Cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành.
Tuy nhiên, ông cho rằng phải đảm bảo thứ bậc của các loại quy hoạch, "không để tồn tại 2 loại quy hoạch ngang nhau ở cùng một cấp". Với quy hoạch tỉnh tích hợp, hiện có 45 quy hoạch chuyên ngành được lồng vào, qua đó loại bỏ 18 loại quy hoạch không cần thiết so với trước đây, bảo đảm nguyên tắc các quy hoạch không trùng nhau.
"Về có hay không quy hoạch xây dựng được lập ra tại cấp tỉnh, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, bộ sẽ xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Đối với quy hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc ban hành luật sửa đổi sẽ không xem xét bổ sung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, để bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo trong công tác quy hoạch.
"Trên thế giới không có cái niệm về quy hoạch xây dựng, chỉ có quy hoạch không gian hay quy hoạch vật thể, tổng thể - thực chất là quy hoạch tỉnh. Các vấn đề của quy hoạch xây dựng được tích hợp vào trong hệ thống quy hoạch quốc gia, trong các quy hoạch tỉnh, chứ không phải bỏ đi"
TS.Phạm Sỹ Liêm - phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận