Sáng 22-2, tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cơ hội mới cho tỉnh Đồng Tháp
Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
"Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Quy hoạch tỉnh đã xác định mục tiêu phát triển đến năm 2030: Đồng Tháp là tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số, một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn...
"Muốn quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện tốt, thành công, tỉnh phải có kế hoạch tốt, dành nhiều thời gian, nguồn lực và phải sớm.
Những dự án, đoạn tuyến giao thông đã có chủ trương được giao cho tỉnh Đồng Tháp phải chủ động đẩy nhanh sớm tiến độ.
Thí dụ đoạn cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, trung ương đã dành nguồn lực đủ, cố gắng trong nhiệm kỳ này sớm hoàn thành, hay đoạn cao tốc Cao Lãnh - Mỹ An dự kiến khởi công trong năm nay.
Triển khai sớm các dự án sẽ càng có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của vùng Đồng bằng sông Cửu Long", Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói.
Cấu trúc 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm
Ông Phạm Thiện Nghĩa - chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết mục tiêu phát triển giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh có trình độ phát triển khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7-7,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 160 triệu đồng/người/năm.
"Quy hoạch tỉnh đã định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc: 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm. Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn", ông Nghĩa nói.
Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - khẳng định tỉnh Đồng Tháp sẽ tranh thủ, tận dụng tối đa, hiệu quả mọi nguồn lực bên ngoài dành cho Đồng Tháp; tập trung nguồn lực triển khai 5 đột phá chiến lược.
"Thúc đẩy các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; duy trì, phát triển mới các hoạt động hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, tư vấn, đào tạo lớn của khu vực và TP.HCM, phát huy tốt trong tham gia hiến kế, giới thiệu các giải pháp hiệu quả, đột phá để triển khai quy hoạch tỉnh", ông Phong nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận