TTCT - Một bản quy hoạch tích hợp đa ngành cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến hoàn tất đầu năm 2021 trong hi vọng mở ra vận hội mới cho vùng đất này. Quy hoạch hệ thống giao thông ĐBSCL. (Nguồn: Liên danh tư vấn Haskoning-GIZ)Phục hồi sức khỏe hay đau đâu trị đó?Danh sách những vấn đề khó khăn, phức tạp của ĐBSCL là rất dài: hạn mặn gay gắt; sạt lở bờ sông, bờ biển; ngập lụt đô thị; ô nhiễm sông ngòi; cạn kiệt nước ngầm, sụt lún đất; thủy sản tự nhiên suy giảm; đất đai kiệt sức, lúa gạo nhiều nhưng nông dân không thoát nghèo; giao thông yếu kém; nhiều người đồng bằng bỏ đi nơi khác tìm cuộc sống mới...Danh sách ấy dễ gây cảm giác rối rắm, không biết bắt đầu từ đâu để giải quyết. Và dễ gây tâm lý lo lắng, thấy áp lực phải làm gì đó để nhanh chóng khắc phục. Nhưng nếu sa vào cách “đau đâu trị đó, uống thuốc giảm đau”, chỉ chuyên tâm “vật lộn” với từng vấn đề thì rất dễ bị vấn đề quật ngược lại, phát sinh tác dụng phụ, mắc kẹt ở hiện tại, khó đi tới tương lai.Bên cạnh hai chuyện nhức nhối lớn nhất là giao thông và giáo dục, các thách thức còn lại của ĐBSCL về đất, nước có thể xếp thành ba nhóm chính. Một là biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Hai là tác động từ thượng lưu sông Mekong gồm biến đổi khí hậu, lượng mưa trong lưu vực và tác động của thủy điện Mekong. Ba là những vấn đề phát triển thiếu bền vững ở nội tại ĐBSCL mà trung tâm là một nền nông nghiệp thâm canh, lấy sản lượng làm thành tích trong suốt một thời gian dài, dẫn đến hàng loạt hệ lụy.Đồng bằng đang ở ngã ba đường, cần chuyển hướng vì tiếp tục con đường cũ sẽ không bền vững và không thể ứng phó với những thách thức hiện tại, tương lai. Câu hỏi đặt ra: từ nay nên ưu tiên đầu tư vào đâu, nên tiếp tục đầu tư để duy trì, củng cố con đường cũ hay đầu tư cho con đường phát triển mới cho đồng bằng?Nhiều người thắc mắc, sau 3 năm ban hành, Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL đạt được những gì, bởi nhìn bên ngoài dường như rất ít động tĩnh. Nhưng bởi nghị quyết là định hướng ở tầm chiến lược, cần có những quy hoạch, kế hoạch cụ thể để triển khai trên thực tế và việc soạn thảo các quy hoạch, kế hoạch cần có thời gian. Ba năm qua, để triển khai Nghị quyết 120, Chính phủ đã cho soạn thảo Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐBSCL (phê duyệt tại Quyết định 324 của Thủ tướng ngày 2-3-2020) và Quy hoạch tích hợp ĐBSCL do liên danh Haskoning-GIZ tư vấn, đang trong quá trình soạn thảo, dự kiến hoàn tất đầu năm 2021.Quy hoạch hệ thống cấp nước ĐBSCL.Bộ ba chính sách vàngĐây là lần đầu tiên ĐBSCL có một quy hoạch tích hợp đa ngành cho toàn vùng, mang tên Quy hoạch tích hợp cấp vùng ĐBSCL giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050. Trước đây từng có vài lần quy hoạch như thế, như Quy hoạch tổng thể ĐBSCL do NEDECO Hà Lan thực hiện năm 1993 và Kế hoạch ĐBSCL (MDP) 2016 cũng do Hà Lan hỗ trợ, song nhưng chưa bao giờ được triển khai vì chưa có cơ sở pháp lý. Quy hoạch tích hợp lần này đã có cơ sở pháp lý vững chắc là Luật quy hoạch 2017 và định hướng của Nghị quyết 120.Bên cạnh việc đầu tư cải thiện đường sá giao thông, hệ thống logistics, quy hoạch tích hợp lần này được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề mang tính trọng tâm: chuyển hướng nền nông nghiệp sang hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện logistics, cải thiện tiếp cận thị trường, phát huy các sinh kế khác để giảm số vụ lúa. Đồng thời tôn trọng quy luật tự nhiên, xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên.Chuyển hướng nông nghiệp theo hướng này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề nội tại của ĐBSCL: giảm đê bao khép kín sẽ có nhiều không gian hấp thu và tạm trữ nước lũ trong các cánh đồng đầu nguồn. Nguồn nước lũ tạm trữ trong mùa lũ sẽ giúp cân bằng mặn ngọt vùng ven biển trong mùa khô. Với vùng ven biển, quy hoạch định hướng chuyển hệ thống canh tác thuận theo mùa mặn ngọt để giảm công trình ngăn mặn. Việc giảm thâm canh, giảm công trình ngăn sông sẽ giảm được ô nhiễm, sông ngòi thông thoáng hơn, dần dần phục hồi, giảm được áp lực sử dụng nước ngầm, giảm được đà sụt lún của đồng bằng.Luật quy hoạch 2017, Nghị quyết 120 và Quyết định 593 của Chính phủ về liên kết vùng có thể xem là “bộ ba chính sách vàng” cho ĐBSCL, mang nhiều hi vọng cho vùng đất sông nước này. Vấn đề là thực hiện các chính sách này như thế nào?Quy hoạch tích hợp sẽ gây ra ít nhiều bối rối vì đây là lần đầu tiên từ bỏ phương pháp quy hoạch đơn ngành, cục bộ địa phương, chuyển sang phương pháp đa ngành, tích hợp vào một quy hoạch cấp vùng cho toàn đồng bằng. Nhưng đây là cách tiếp cận quy hoạch phù hợp với cách tiếp cận quy hoạch tiên tiến trên thế giới. Dù quy hoạch này chỉ giải quyết được những vấn đề nội tại của đồng bằng, không giải quyết được những tác động từ bên ngoài như thủy điện thượng nguồn nhưng sẽ giúp đồng bằng khỏe mạnh hơn, có sức để đối phó với tác động từ bên ngoài.Sự chuyển hướng phát triển như thế cũng như chuyển hướng một con tàu lớn, rất nặng nề, đòi hỏi thời gian dài, có thể đến 10 năm. Nhưng ít ra con tàu không tiếp tục lao theo hướng cũ nữa.■* Bốn trọng tâm của Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 (theo đề xuất của tư vấn Haskoning-GIZ): - Nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng, sử dụng đất uyển chuyển. Trong đó chia đồng bằng thành ba vùng theo chế độ nước gồm vùng ngọt, vùng lợ, vùng mặn. Giảm dần sản lượng lúa từ 23 triệu tấn xuống còn 16 triệu tấn, gia tăng ngành thủy sản, cải thiện thu hoạch và chế biến đối với trái cây. Thay đổi hệ thống canh tác sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm 11,2 tỉ USD/năm, cải thiện chế biến giúp tăng 9,9 tỉ USD/năm (tức tăng 21,1 tỉ USD/năm đến năm 2050).- Quản lý nước: Giữ hệ thống hạ tầng điều tiết nước hiện có nhưng sẽ tránh đầu tư vào những công trình to lớn, can thiệp thô bạo vào điều kiện tự nhiên. Lùi vùng nước ngọt vào vùng an toàn trong đất liền, hạn chế can thiệp bằng công trình. Với vùng giao giữa ngọt-lợ: chấp nhận sự biến thiên theo mùa, chỉ điều tiết, hạn chế can thiệp bằng công trình ngăn mặn triệt để. Vùng lợ-mặn: phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái.Bố trí không gian phát triển, thúc đẩy hành lang kinh tế theo tuyến đông dân cư hiện tại có hình cánh cung từ TP.HCM về Cần Thơ và dọc sông Tiền, sông Hậu hướng về phía Campuchia để phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Từ đó kết nối mạnh và tỏa ra các cụm kinh tế chính như Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre...- Công nghiệp: Các ngành công nghiệp chính của ĐBSCL sẽ là công nghiệp dựa trên nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, năng lượng, vận tải và kinh tế biển. Thương mại và dịch vụ tập trung vào thương mại và dịch vụ liên quan tới nông nghiệp, du lịch nông nghiệp, dạy nghề, công nghệ 4.0.Phát triển các cụm công nghiệp dựa trên các sản phẩm chính, sản lượng, việc làm từ những sản phẩm này. Các cụm chính như: Cần Thơ (chức năng chính về quản lý, tập huấn, thương mại, phát triển và chuyển giao công nghệ, sản phẩm chất lượng cao), Bến Tre (trái cây/hoa màu), Đồng Tháp (lúa gạo), An Giang (lúa/thủy sản), Kiên Giang (hải sản), Hậu Giang (trái cây/hoa màu), Cà Mau (thủy sản)...Phát triển hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các vùng ảnh hưởng mặn như bán đảo Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre. Đáp ứng 60% nhu cầu nước sạch để giảm 50% lượng khai thác nước ngầm hiện nay.- Giao thông: Phát triển các tuyến giao thông chính: cao tốc TP.HCM - Cần Thơ - Cà Mau, tuyến N2 (Đức Hòa, Mỹ An, Cao Lãnh), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.Nâng cấp và phát triển các tuyến vận tải thủy chính như kênh Chợ Gạo, kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền, hành lang vận tải và logistics phía Nam, các cảng sông, cảng biển; tăng khả năng vận tải hàng hóa của các sân bay như sân bay Cần Thơ khi có nhu cầu cao (trên 500.000 tấn/năm cho hàng hóa có giá trị cao khoảng 8.000-10.000 USD/tấn).Phát triển tuyến đường ven biển còn nhiều cân nhắc, vì chi phí làm cầu qua các cửa sông rất lớn (5.000-20.000 tỉ đồng/cầu), lại ảnh hưởng lớn đến môi trường cửa sông và vận tải thủy. Vì vậy định hướng chung là tận dụng các tuyến đường có sẵn, chỉ phát triển tuyến mới khi địa phương thực sự có nhu cầu cao. Lùi vào đất liền để tận dụng được quỹ đất hai bên tuyến đường, thích ứng với nước biển dâng và biến đổi khí hậu. Trong 10 năm tới, tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ hiện hữu và nghiên cứu các tuyến bổ sung để kết nối với tuyến đường ven biển.Về năng lượng: ĐBSCL trở thành vùng xuất năng lượng, tập trung vào điện khí hóa lỏng và năng lượng tái tạo, không phát triển thêm điện than, phát triển đường tải điện thế cao, sử dụng đất đa chức năng cho các dự án điện năng lượng tái tạo.Theo tin từ Cổng thông tin Chính phủ, trước mắt Thủ tướng đồng ý tăng thêm 2 tỉ USD cho phát triển ĐBSCL trong giai đoạn tới. Số tiền này lấy từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó chủ yếu là ngân sách trung ương. Tags: EUAnhBrexit
Donald Trump - Tập Cận Bình: Quan hệ cá nhân, quan hệ siêu cường NGUYỄN THÀNH TRUNG 23/12/2024 1666 từ
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão CHÍ TUỆ 23/12/2024 Trưa nay áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển tây bắc quần đảo Trường Sa đã mạnh lên thành bão Pabuk (bão số 10).
Nhiều người ở TP.HCM bắt đầu đi làm, đi học bằng metro CHÂU TUẤN 23/12/2024 Từ sáng đến trưa 23-12, không ít người dân ở TP.HCM cho biết đây là lần đầu tiên dùng metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để đi làm, đi học.
Thưởng tối đa 5 triệu cho người báo tin vi phạm giao thông có tạo được 'tai mắt' để giám sát? NHẤT NGỌC HẠNH 23/12/2024 Thưởng tiền cho người báo tin vi phạm giao thông sẽ khuyến khích người dân tham gia giám sát, tuy nhiên cũng cần phạt những ai tố cáo sai.
Đàm Vĩnh Hưng rút đơn kiện tỉ phú Gerard Williams vì sợ công khai hồ sơ thuế? HOÀI PHƯƠNG 23/12/2024 Trong đơn kiện ngược, luật sư của ông Gerard Williams đưa ra bằng chứng Đàm Vĩnh Hưng vẫn nhảy múa vui vẻ sau tai nạn, chứ "không tàn phế".