Phó thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trung tâm năng lượng sạch miền Trung
Phạm vi lập quy hoạch gồm diện tích tự nhiên trên đất liền và đảo Cồn Cỏ là 4.701km2, gồm 10 huyện, thị xã, thành phố. Quy hoạch hướng đến khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đổi mới sáng tạo, thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Trị thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, cơ cấu kinh tế là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là trung tâm hậu cần, trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mekong.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.
Để thực hiện các mục tiêu trên, quy hoạch hướng đến xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng và hiệu quả…
Với ngành công nghiệp năng lượng, Quảng Trị phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối, điện hydrogen, tập trung các nguồn nhiệt điện khí, điện gió và công nghiệp khí tại vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ; ưu tiên áp dụng công nghệ sản xuất khí hydro xanh và khí amoniac xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Khu kinh tế Đông Nam hướng đến là khu kinh tế biển tổng hợp, trọng tâm là công nghiệp năng lượng, công nghiệp đa ngành khai thác lợi thế ven biển, logistics; phát triển cảng Mỹ Thủy trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và thế giới. Hình thành và phát triển khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo (Quảng Trị) - Dansavan (Lào).
Hình thành thương hiệu du lịch từ chiến tranh
Về du lịch, quy hoạch xây dựng Quảng Trị thành điểm đến du lịch hấp dẫn đặc trưng riêng về lịch sử - văn hóa ở khu vực miền Trung, hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ đổ nát do chiến tranh tàn phá, ký ức chiến tranh - khát vọng hòa bình
Phát huy các di tích lịch sử trên địa bàn, quy hoạch nêu Quảng Trị lựa chọn các di tích trọng điểm đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, di sản thế giới nhằm nâng tầm giá trị và làm giàu văn hóa Quảng Trị. Đến năm 2030, có ít nhất 1 hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, có ít nhất thêm 1 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di tích quốc gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận