Ông Phạm Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông - Ảnh: Q.P.
Ông Phạm Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, đánh giá như trên khi trình bày báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, tại hội nghị báo chí toàn quốc tổ chức ngày 24-12, ở Hà Nội.
"Đợt kiểm tra sức khỏe này còn nắm bắt thêm những vấn đề tồn tại trong chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý, điều hành, thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí", ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đối với các cơ quan báo chí in, báo điện tử tại 29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, 33 tổ chức hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn, và 31 địa phương theo đúng phương án quy hoạch. Hiện chỉ còn báo Tuổi Trẻ vẫn trực thuộc Thành đoàn TP.HCM.
Hệ thống báo chí sau quy hoạch có sự thay đổi rõ về cơ cấu, cách thức thông tin, thể hiện sự phân vai giữa báo và tạp chí, ông Tuấn nhận định.
Kết quả sau 3 năm thực hiện quy hoạch báo chí đã giảm được 39 cơ quan báo thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tổ chức hội ở Trung ương, giảm được 31 cơ quan báo chí thuộc các địa phương.
Đến nay, cả nước đã giảm được 70 cơ quan báo so với năm 2019 (có khoảng 195 cơ quan báo), tương đương giảm 36% tổng số cơ quan báo trên cả nước.
Đối với khối phát thanh, truyền hình, đến nay đã hoàn thành việc sắp xếp theo quy hoạch báo chí.
Đài Truyền hình Việt Nam đã sắp xếp các kênh truyền hình khu vực như VTV Huế, VTV Đà Nẵng, VTV Phú Yên thành kênh VTV8, sắp xếp các kênh khu vực Đông Nam Bộ và VTV Cần Thơ thành kênh VTV9.
Bên cạnh đó, mỗi đài phát thanh truyền hình địa phương sau sắp xếp có 1 kênh phát thanh thời sự chính trị tổng hợp, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương.
Riêng Hà Nội, TP.HCM được duy trì 2 kênh phát thanh thời sự - chính trị tổng hợp, 2 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và truyền thông đã cấp lại giấy phép hoạt động cho 130 cơ quan báo chí, trong đó có một số cơ quan được cấp phép lại bổ sung thêm loại hình báo điện tử.
Có một số tạp chí hết hạn giấy phép hoạt động báo chí nhưng chưa được xem xét cấp lại vì quá trình đánh giá cho thấy trong quá trình hoạt động của tạp chí có nhiều vấn đề không đảm bảo điều kiện cấp phép.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cũng cho biết, để chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên, riêng trong năm 2021 các cơ quan quản lý đã xử phạt 20 cơ quan báo chí với tổng số tiền 780,9 triệu đồng.
Trong đó, phạt 11 trường hợp vi phạm quy định thông tin điện tử với tổng số tiền trên 467,5 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 1 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 3 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận