15/04/2022 20:56 GMT+7

Quy hoạch khu đô thị ven sông Sài Gòn, hạn chế sử dụng vốn ngân sách

KTS NGUYỄN ĐÌNH HÒA
KTS NGUYỄN ĐÌNH HÒA

TTO - Quy hoạch kiến trúc cảnh quan hai bên bờ sông Sài Gòn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa chính thức được hoàn thành và phê duyệt làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng và kêu gọi đầu tư.

Quy hoạch khu đô thị ven sông Sài Gòn, hạn chế sử dụng vốn ngân sách - Ảnh 1.

Sông Sài Gòn đoạn chảy qua quận 1 về đêm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sông Sài Gòn giữ một vai trò quan trọng đối với việc hình thành và phát triển đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa và TP.HCM ngày nay.

Nhưng người dân nhiều năm qua không dễ dàng tiếp cận cảnh quan ven sông Sài Gòn để hưởng gió mát, cảnh đẹp ven sông vì thành phố đang thiếu những không gian phục vụ cộng đồng trên toàn tuyến sông (gồm hai bên bờ sông) dài khoảng 64km.

Tuyến đường ven sông Sài Gòn đi từ Củ Chi về trung tâm thành phố, giúp bảo vệ hành lang ven sông, chống xói mòn, sạt lở, giảm ùn tắc giao thông, đã cơ bản được thể hiện trong hầu hết các đồ án quy hoạch, là ước mơ của hàng triệu người dân.

Tuy nhiên, tuyến đường và kè ven sông Sài Gòn này đang được triển khai thực hiện từng đoạn tuyến ngắn, chưa có kế hoạch triển khai thực hiện một cách đồng bộ.

Hệ thống giao thông thủy trên sông Sài Gòn chưa được quan tâm và đầu tư phát triển tương xứng với tiềm năng về du lịch và giao thông thủy vốn có của nó.

Quy hoạch của TP.HCM trong tương lai theo tôi cần chú trọng hơn nữa việc hướng sông, phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông (bao gồm trục đường chính ven sông và các trục đường nhánh kết nối với trục đường chính), và phát triển khu đô thị ven sông Sài Gòn một cách đồng bộ, hài hòa với cảnh quan hai bên bờ sông.

Quy hoạch khu đô thị ven sông Sài Gòn, hạn chế sử dụng vốn ngân sách - Ảnh 2.

Hình minh họa phương án trích đoạn quy hoạch khu đô thị ven sông Sài Gòn - Ảnh: Tác giả cung cấp

Trục đường chính và các trục đường nhánh cần được xem xét, tính toán đảm bảo nhu cầu đi lại, di chuyển của người dân từ Củ Chi về khu vực trung tâm thành phố một cách thuận lợi. Trong trường hợp cần thiết, có thể điều chỉnh lộ giới và hướng tuyến của hệ thống giao thông ven sông cho phù hợp quy mô dân số và tính chất của khu đô thị ven sông.

Thành phố nên chủ động điều chỉnh quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan đô thị ven sông Sài Gòn theo 2 khu vực chức năng đô thị chính gồm:

- Phát triển tối đa trong điều kiện có thể quỹ đất ven sông Sài Gòn (dài tối thiểu 500m, sâu tối thiểu 50m) tạo thành quỹ đất công, để bố trí các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng như: các quảng trường, công viên cây xanh - thể dục thể thao, lối đi bộ, vườn hoa, nhà hàng, bến tàu - thuyền, trung tâm triển lãm, nhà hát… góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.

- Ưu tiên, lựa chọn điều chỉnh quy hoạch các khu đất hai bên các trục đường nhánh kết nối với trục đường ven sông Sài Gòn (chiều sâu khoảng 100m) đang được quy hoạch là đất nhà vườn thấp tầng (*) và đất công, trở thành các khu đất dự án phức hợp trung và cao tầng (chung cư kết hợp văn phòng, thương mại dịch vụ, công viên cây xanh, vườn hoa, bãi đậu xe…), giúp khai thác hiệu quả giá trị quỹ đất và không gian kiến trúc - cảnh quan ven sông, hạn chế ảnh hưởng đến quỹ đất ven sông để bố trí các công trình hạ tầng xã hội như đã nêu trên, giảm áp lực giao thông trực tiếp lên trục đường chính ven sông Sài Gòn.

Ưu tiên phương án bố trí quỹ nhà - đất để hoán đổi, đền bù và tái định cư tại chỗ cho các chủ sử dụng đất bị ảnh hưởng bởi dự án trong khu phức hợp nêu trên, có giá trị tương đương so với giá thị trường, để tạo sự đồng thuận tối đa của người dân.

Chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án và bán đấu giá phần đất khu dân cư phức hợp (trung hoặc cao tầng) cho các đơn vị phát triển dự án bất động sản chuyên nghiệp; sau đó, tổ chức đấu thầu thi công xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội ven sông và quỹ nhà đất tái định cư - hoán đổi cho các hộ dân theo đúng tiêu chuẩn đã thống nhất với các hộ dân.

Nội dung chi tiết của các dự án phức hợp (vị trí, ranh giới, diện tích, quy mô, cơ cấu - chức năng sử dụng đất, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, tầng cao...) cần được nghiên cứu cụ thể, đảm bảo tính khả thi về kinh tế giúp tạo điều kiện để triển khai thực hiện dự án, đảm bảo yêu cầu về phát triển bền vững môi trường sống đô thị, phù hợp các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và quy hoạch của TP.HCM.

Nguồn vốn thực hiện dự án là nguồn vốn vay của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0%, để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và quỹ nhà - đất để hoán đổi, đền bù tái định cư và chi phí tạm cư (nếu có) cho các hộ dân.

Nguồn tài chính chênh lệch thu được giữa chi phí cần bỏ ra cho các công tác nêu trên so với chi phí thu được từ việc bán đấu giá các khu đất phức hợp trung - cao tầng, sẽ được sử dụng để đầu tư thực hiện các công trình phục vụ cộng đồng và hoàn trả cho Ngân hàng Nhà nước (đối với khoản vay).

Kết quả đạt được từ giải pháp

Giải pháp giúp giảm tỉ lệ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách đối với việc triển khai thực hiện dự án từ 100% xuống còn 50%, 40% hay thậm chí là 0%, đồng thời tăng tỉ lệ đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa từ 0% có thể lên đến 100%.

Giải pháp giúp tăng nguồn thu ngân sách cho TP.HCM từ việc gia tăng giá trị bất động sản được hưởng lợi (trực tiếp - gián tiếp) từ các dự án đầu tư xây dựng công trình phục vụ cộng đồng nêu trên, giúp tăng sự đồng thuận của toàn xã hội đối với quá trình triển khai thực hiện dự án, theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt; góp phần phát triển kinh tế một cách bền vững, nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân TP.HCM.

Khi khu đô thị hai bên bờ sông Sài Gòn được hoàn thành, cùng với hình thành các bến tàu - thuyền ven sông, sẽ góp phần đáng kể đối với việc phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch. 

Dự án sẽ mang lại niềm tự hào đáng có cho người dân TP đối với cảnh đẹp sông Sài Gòn, giúp khai thác hiệu quả quỹ đất và không gian kiến trúc cảnh quan đô thị ven sông, đồng thời giúp giảm ùn tắc giao thông cho TP.HCM.

(*) Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu cho thấy tại khu vực ven sông Sài Gòn, thuộc phường An Phú Đông và Thạnh Lộc, TP Thủ Đức, còn khá nhiều quỹ đất trống lớn đang được quy hoạch là khu dân cư nhà vườn thấp tầng, chưa được đầu tư xây dựng công trình; rất thuận lợi để nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch theo các mô hình nêu trên (cần có giải pháp đền bù hoặc hoán đổi nhà đất có giá trị tương xứng so với giá thị trường đối với các cá nhân, tổ chức có nhà đất bị ảnh hưởng trong khu vực quy hoạch).

Quy hoạch khu đô thị ven sông Sài Gòn, hạn chế sử dụng vốn ngân sách - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Để dòng sông trở thành di sản ngàn năm Để dòng sông trở thành di sản ngàn năm

TTO - Ngàn năm là một ước lệ thời gian, sông Sài Gòn phải là di sản ngàn đời của con cháu, là biểu tượng về sự sống, hồi sinh và phát triển của một thành phố bậc nhất phương Nam và cả nước nói chung.

KTS NGUYỄN ĐÌNH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên