16/11/2022 18:16 GMT+7

Quy hoạch đô thị 'như mơ' nhưng thiếu tiền, thiếu khung pháp lý

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Cả nước có 883 đô thị lớn nhỏ, đóng góp hơn 70% GDP của nền kinh tế nhưng đang thiếu một luật về quản lý và phát triển đô thị.

Quy hoạch đô thị như mơ nhưng thiếu tiền, thiếu khung pháp lý - Ảnh 1.

Ông Trần Quốc Thái, cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Ảnh: THU HƯƠNG

Vấn đề được ông Trần Quốc Thái - cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) - nêu ra tại hội thảo cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị Việt Nam, do Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 16-11 tại Hà Nội.

Để lấp khoảng trống này, ông Thái cho biết thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ đề xuất Chính phủ xây dựng một luật về quản lý và phát triển đô thị, dự kiến tháng 10-2023 Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội việc xây dựng luật.

Hơn 20 luật liên quan tới quản lý đô thị

Dù chưa có luật riêng để quản lý đô thị, nhưng thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy hiện có tới hơn 20 luật liên quan đến quản lý đô thị như đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, quy hoạch, xây dựng…

Bên cạnh đó, còn có hơn 90 nghị định hướng dẫn các luật liên quan tới quản lý, phát triển đô thị.

Theo ông Thái, tốc độ đô thị hóa trên cả nước thời gian qua rất nhanh. Vào năm 1998, cả nước có 633 đô thị các loại nhưng đến năm 2022 đã có 883 đô thị. Tỉ lệ đô thị hóa của cả nước đạt 41,5%. 

Trong hệ thống đô thị hiện nay có khoảng 200 đô thị loại 4 (thị xã) trở lên, các đô thị đang đóng góp hơn 70% GDP của cả nước.

Cả nước hiện có khoảng 2.256 dự án phát triển khu đô thị mới với tổng diện tích phát triển đô thị mới khoảng 43.000 hecta.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, quá trình phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đang đối mặt với sáu nhóm vấn đề, đó là: phân loại đô thị đáp ứng đúng bản chất, đặc điểm vùng miền, vị trí văn hóa; phát triển đô thị gắn với kiểm soát được tỉ lệ đô thị hóa, đất phát triển đô thị, hình thành vùng đô thị, phát triển đô thị hạt nhân, đô thị vệ tinh; 

Cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị khi có tới 25% dân cư đô thị có điều kiện sống chưa đáp ứng yêu cầu; phát triển khu vực hình thành mới; quản lý hạ tầng đô thị, bảo vệ cảnh quan đô thị; phát triển đô thị theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Quy hoạch đô thị như mơ nhưng thiếu tiền, thiếu khung pháp lý - Ảnh 2.

GS Đặng Hùng Võ cho rằng đất đai là nguồn lực lớn nhất để phát triển đô thị - Ảnh: THU HƯƠNG

Quy hoạch đô thị "như mơ" nhưng thiếu tiền

Bộ Xây dựng đang đặt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 700 phường đạt tiêu chuẩn, nhưng để làm được điều này cần một nguồn lực khổng lồ khoảng 50 tỉ USD, trong khi ngân sách chỉ có thể huy động từ 5 - 7 tỉ USD cho phát triển đô thị.

Nhìn nhận về vấn đề quản lý, phát triển đô thị hiện nay, GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là quy hoạch rất đẹp, nhưng tiền đầu tư để thực hiện quy hoạch lại vướng mắc.

Theo ông Võ, nên có một báo cáo về thu từ đất để phát triển đô thị vì đất là nguồn lực có thể vốn hóa để phát triển đô thị. Bình thường phải lấy từ ngân sách để phát triển đô thị và số tiền này rất ít, nên cần cải cách nguồn thu từ đất để có nguồn lực trực tiếp cho phát triển đô thị.

"Nâng cấp đô thị ở các nước họ làm rất đơn giản, sử dụng nguồn lực đất tại chỗ, người dân tham gia cùng chính quyền bằng phương án như nghị quyết 18 Trung ương 5 khóa XIII đã đưa ra là phương án góp đất, tái điều chỉnh đất đai", ông Võ cho hay.

Một ví dụ về phát huy giá trị đất đai trong phát triển hạ tầng đô thị được ông Võ nêu ra là những năm qua TP Đà Nẵng đã phát huy rất tốt chủ trương này để trở thành thành phố đáng sống, thu hút nhiều khách nước ngoài đến thăm. 

Tất cả tiền xây dựng đô thị Đà Nẵng hiện nay đều lấy từ đất, thành phố đã quy hoạch mở rộng đường phố, đẩy giá đất hai bên đường để có tiền cải tạo hạ tầng đô thị.

Theo các chuyên gia, để phát huy tối đa nguồn lực đất đai đô thị hiện nay nhiều nước đã phân biệt rõ các loại đất và bán quyền phát triển trên đất. Đồng thời, họ tăng nguồn thu thông qua chính sách thuế tài sản; thu từ giá trị đất đai tăng thêm.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy trong giai đoạn năm 2000 - 2020, các địa phương chỉ tập trung vào việc thu tiền sử dụng, tiền thuê đất, thu một lần khi Nhà nước thu hồi và giao đất (chiếm 68%), thu thuế phí khi chuyển nhượng đất (chiếm khoảng 17%), thu tiền cho thuê đất (chiếm khoảng 13%) nên thu được rất ít.

Vì vậy, GS Võ kiến nghị cần thay đổi cơ chế nguồn thu từ đất đô thị hiện nay theo hướng tập trung vào thu thuế tài sản, các khoản thu từ giá trị gia tăng trên đất.

Đề nghị cân nhắc bỏ quy định thu hồi đất với các dự án đô thị, nhà ở thương mại Đề nghị cân nhắc bỏ quy định thu hồi đất với các dự án đô thị, nhà ở thương mại

TTO - Có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc bỏ nội dung quy định về thu hồi đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Lý do: đây là hoạt động kinh tế đơn thuần do chủ đầu tư là các doanh nghiệp bất động sản thực hiện.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên