Vị trí suối Đá hiện là đường đi nhưng trong quy hoạch là suối nên dải đất hai bên suối thành đất hạ tầng, khiến đất ông Lân bị từ chối cấp giấy chủ quyền đất ở - Ảnh: D.N.Hà |
Do khu đất này có nguồn gốc là đất công nên việc cấp giấy chủ quyền bị hoãn nhiều năm. Đến năm 2007, đất của tôi bị thu hồi hơn 30m2 để làm dự án cống hộp suối Nhum.
Năm 2014, UBND P.Linh Xuân cho biết cơ quan chức năng đồng ý cấp giấy chủ quyền cho các hộ dân mua đất trong khu vực và yêu cầu mỗi hộ dân phải nộp 26 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng thì mới được xác nhận để làm thủ tục cấp giấy chủ quyền.
Đầu năm 2015, tôi nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền tại UBND Q.Thủ Đức. Bản vẽ hiện trạng vị trí lần đầu do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Q.Thủ Đức (nay là Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thủ Đức) lập vào tháng 1-2015 xác nhận lô đất thuộc khu dân cư hiện hữu cải tạo theo quy hoạch chi tiết xây dựng.
Cuối tháng 3-2015, hồ sơ của tôi bị Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thủ Đức trả về với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (chưa đóng đủ tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu đất) và hiện trạng khu đất chưa có mốc ranh để xác định vị trí thửa đất.
Tôi phải ký hợp đồng hơn 3 triệu đồng để thuê Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thủ Đức đo vẽ bản đồ cắm mốc theo yêu cầu trên. Bản vẽ lần thứ hai của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thủ Đức lập tháng 5-2015 cũng xác nhận đất của tôi nằm trong khu dân cư hiện hữu cải tạo.
Bổ sung xong hồ sơ và nộp hết khoản tiền xây dựng cơ sở hạ tầng còn lại, tôi tiếp tục nộp hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền đất ở. Tới ngày hẹn nhận kết quả, hồ sơ của tôi bị từ chối cấp giấy.
Công văn của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thủ Đức cho biết: hai bản đồ hiện trạng vị trí trước đó xác nhận lô đất của tôi thuộc khu dân cư hiện hữu cải tạo theo quy hoạch chi tiết xây dựng không chính xác.
Quy hoạch đúng là một phần lô đất thuộc khu dân cư hiện hữu và một phần thuộc quy hoạch cây xanh. “Vị trí đất của ông Lân xin cấp giấy chủ quyền thuộc quy hoạch đất văn hóa, không phù hợp để cấp đất ở đô thị”, công văn trả hồ sơ ghi.
Khi nhận được công văn từ chối cấp giấy chủ quyền, tôi hết sức bất ngờ trước thông tin về quy hoạch sử dụng đất của khu vực này.
Cùng một chỗ là Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thủ Đức, nhưng trong hai bản đồ trước kia thì nói đất tôi thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu, khi thì nói là một phần quy hoạch cây xanh, một phần thuộc khu dân cư hiện hữu, rồi cuối cùng lại từ chối vì thuộc quy hoạch đất văn hóa.
Tôi đến UBND P.Linh Xuân để tìm xem quy hoạch sử dụng đất thì chỉ thấy một bản đồ to, không có mốc xác định vị trí nên người dân thường như tôi không thể xem được quy hoạch sử dụng đất của mình. Tìm hỏi cán bộ phường về quy hoạch thì chỉ được xem quy hoạch chi tiết xây dựng. Theo quy hoạch chi tiết xây dựng được UBND Q.Thủ Đức phê duyệt năm 2010, lô đất của tôi có một phần thuộc quy hoạch cây xanh, một phần thuộc quy hoạch khu dân cư hiện hữu. Tôi hỏi về quy hoạch sử dụng đất thì cán bộ phường nói “quy hoạch đó cao siêu lắm, dân biết làm gì”.
Tôi nhờ người quen đến Sở Tài nguyên và môi trường xem bản đồ quy hoạch sử dụng đất thì mới rõ là toàn bộ lô đất của mình thuộc quy hoạch dải cây xanh cách ly hai bên suối Đá.
Nhưng điều ngạc nhiên là con suối này vừa được Nhà nước đặt cống hộp cách đây vài năm (một phần đất của tôi bị thu hồi cho dự án này), hiện trạng là con đường đất đỏ. Nay trong đồ án quy hoạch sử dụng đất lại là một con suối rộng nên “treo” luôn cả lô đất của tôi.
* Ông Trần Văn Bình (trưởng Phòng tài nguyên và môi trường Q.Thủ Đức): Không phải đất văn hóa mà là đất hạ tầng Theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2.000 thì vị trí đất ông Lân đang sử dụng có một phần thuộc hành lang bảo vệ suối Đá (thuộc đường giao thông hai bên suối), một phần đất thuộc khu dân cư hiện hữu cải tạo. Theo quy hoạch sử dụng đất định hướng đến năm 2020 thì đất của ông Lân có một phần đất phát triển hạ tầng, một phần là đất ở đô thị. Ký hiệu đất văn hóa trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất có sự nhầm lẫn trong việc chọn mã sử dụng đất. Ghi chú về quy hoạch trên bản đồ hiện trạng vị trí và bản đồ cắm mốc của ông Lân chưa chính xác, đề nghị ông Lân liên hệ đơn vị này để điều chỉnh lại. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thể hiện ranh của suối Nhum (bao gồm cả suối Đá) trùng với ranh của dự án tiêu thoát nước suối Nhum đã được cơ quan chức năng thu hồi đất. Bản đồ quy hoạch trên đã cập nhật và thể hiện đúng hiện trạng cũng như định hướng quy hoạch. * Ông Thái Văn Lân: Rốt cuộc đất của tôi là đất gì? Nghe Phòng tài nguyên và môi trường Q.Thủ Đức trả lời xong, tôi càng rối hơn vì không biết phần đất mình đang sử dụng thuộc quy hoạch gì, có được cấp giấy chủ quyền đất ở hay không? Nếu thuộc đất văn hóa hoàn toàn như Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Thủ Đức trả lời thì cả lô đất sẽ không được cấp giấy chủ quyền đất ở. Nếu chỉ có một phần thuộc quy hoạch hạ tầng, còn một phần thuộc đất ở đô thị như Phòng tài nguyên và môi trường Q.Thủ Đức trả lời thì phần thuộc đất ở đô thị được cấp giấy chủ quyền đất ở. |
* Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM): Các cơ quan nên ngồi lại để giải quyết cho dân Trường hợp mỗi quy hoạch một kiểu, một cơ quan trả lời một phách, không thống nhất với nhau khiến người dân lúng túng như ông Lân không phải là cá biệt. Quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chi tiết xây dựng do hai cơ quan khác nhau lập và thẩm định nên có trường hợp chồng chéo, mâu thuẫn nhau. Cuối cùng người bị ảnh hưởng quyền lợi là người dân. Các cơ quan chức năng Q.Thủ Đức phải phối hợp xem lại bản đồ quy hoạch để có nhận định thống nhất và giải quyết cho người dân một cách thấu đáo, đúng quy định. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận