Việc tài xế không nắm được quy định để khai báo y tế trước khi vào TP Hà Nội cũng khiến tăng thêm tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ Hà Nội trong ngày 20-7 - Ảnh: NAM TRẦN
Các ý kiến cho rằng thời hạn có hiệu lực của giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 72 giờ theo quy định của Bộ Y tế là ngắn khiến doanh nghiệp và tài xế bị động, tốn kém về chi phí.
Nhiều địa phương yêu cầu tài xế trở về từ vùng dịch phải cách ly mặc dù có kết quả xét nghiệm âm tính. Nhiều địa phương chỉ công nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR…
Bên cạnh đó, cách hiểu văn bản số 5753/BYT-MT ngày 19-7-2021 của Bộ Y tế về xét nghiệm với tài xế chở hàng hóa cũng chưa thực sự thống nhất như: Có cần kiểm tra giấy xét nghiệm với xe di chuyển giữa các tỉnh liền kề cùng áp dụng chỉ thị 16 hay không? Đối tượng nào được miễn phí xét nghiệm?
Trong khi đó, lao động trong lĩnh vực vận tải vẫn chưa thuộc nhóm ưu tiên hàng đầu để được tiêm vắc xin.
Ngoài ra, một số địa phương chưa chủ động chuẩn bị, xây dựng phương án tổ chức vận tải, điều tiết giao thông, kiểm soát phương tiện trong điều kiện giãn cách theo chỉ thị 16. Việc này dẫn đến việc ùn tắc kéo dài khi khẩn cấp áp dụng kiểm soát người vào địa phương như Hà Nội, Hải Phòng vừa rồi…
Chia sẻ khó khăn với các địa phương đang căng mình chống dịch, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị của Bộ khi ban hành hướng dẫn phải cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính thống nhất cao khi triển khai thực hiện.
Các sở giao thông vận tải cần nâng cao tính chủ động trao đổi, hỏi ngay khi chưa hiểu để thống nhất việc áp dụng các quy định trong cùng một điều kiện giãn cách xã hội, không để vận tải hàng hóa bị gián đoạn…
Ông Thể đề nghị các địa phương phải hiểu rõ việc cấp giấy thông hành bằng mã QR chỉ áp dụng đối với xe đi và đến các địa phương áp dụng chỉ thị 16, tránh việc cấp không đúng đối tượng phát sinh thêm thủ tục cho doanh nghiệp và lái xe.
Với các địa phương dù chưa áp dụng chỉ thị 16, ông Thể đề nghị phải chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông để luôn trong tình trạng sẵn sàng. Khi triển khai cũng cần có "dự lệnh" để các doanh nghiệp vận tải, lái xe biết và chấp hành.
Để làm rõ hơn các quy định về y tế với tài xế, ông Thể giao Thứ trưởng Lê Anh Tuấn ngay sáng 22-7 phải làm việc trực tiếp với Bộ Y tế để làm rõ các quy định tại văn bản 5753 và tiếp tục kiến nghị về việc kéo dài hiệu lực giấy xét nghiệm COVID-19 đối với đội ngũ lái xe.
Về tình trạng ùn tắc tại các tuyến cửa ngõ TP Hà Nội Hải Phòng 2 ngày qua, hai địa phương cho rằng do áp dụng những nguyên tắc chặt để kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, một số lượng rất lớn xe đang di chuyển đến thành phố mà tài xế chưa nắm được quy định mới nên mất thời gian để kiểm tra giấy xét nghiệm của tài xế, hỗ trợ xét nghiệm cho tài xế và cấp giấy lưu hành…
Hai thành phố đã nghiên cứu các hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải và thay đổi phương pháp kiểm soát dịch như cấp thẻ nhận diện phương tiện qua phần mềm; thông báo rộng rãi về các yêu cầu y tế đối với tài xế để chủ động xét nghiệm, tiến hành kiểm tra xác suất...
Hà Nội đã lập luồng xanh, cấp thẻ nhận diện cho hơn 1.117 xe đi đến, cấp logo ưu tiên cho các xe chở hàng hóa dễ hỏng… Vì vậy, đến chiều 21-7, giao thông đã đảm bảo, không để ùn tắc kéo dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận