26/08/2013 12:47 GMT+7

Quy định về trợ cấp cho sinh viên ngành độc hại?

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành
Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành

TTO - * Tôi đăng ký hộ khẩu tại huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, đang học cao đẳng hệ chính quy tại Trường ĐH Tài nguyên môi trường TP.HCM, chuyên ngành công nghệ môi trường.

Tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ năm học 2012-2013 để được hỗ trợ miễn, giảm học phí thuộc đối tượng là sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nhưng người làm thủ tục nói là “huyện sẽ ngưng việc trợ cấp tiền đối với sinh viên học ngành độc hại”.

Tôi đã tìm kiếm nhưng không thấy văn bản về việc này. Tôi muốn hỏi việc ngưng trợ cấp trên là chính xác không? Nếu chính xác thì cho tôi xin văn bản về việc ngưng trợ cấp. Nếu không thì tôi phải làm gì nếu Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành không tiếp tục trợ cấp? (Đ.H.)

- Theo khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH - Bộ Tài chính - Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015 quy định về trình tự, thủ tục hồ sơ cấp trực tiếp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí cho các đối tượng được miễn, giảm học phí học chính quy ở các cơ sở giáo dục đại học công lập như sau:

a) Trình tự, thủ tục và hồ sơ:

Trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu học kỳ, sinh viên phải làm đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí (mẫu đơn theo phụ lục III) có xác nhận của các cơ sở giáo dục đại học công lập gửi phòng LĐ-TB&XH cấp huyện kèm theo bản sao chứng thực một trong các giấy tờ sau:

+ Giấy xác nhận ngành, nghề độc hại của cơ sở giáo dục đại học công lập cấp cho đối tượng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 2 của Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH (đối tượng là sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc và một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại)…

Các cơ sở giáo dục đại học công lập có trách nhiệm xác nhận sinh viên thuộc đối tượng miễn, giảm học phí vào đơn đề nghị cấp tiền miễn, giảm học phí (theo mẫu phụ lục III) trong vòng 30 ngày sau khi kết thúc học kỳ đối với sinh viên đang học (đối với những sinh viên mới nhập học thì thực hiện xác nhận trong vòng 07 ngày kể từ khi nhập học) để sinh viên nộp về phòng LĐ-TB&XH cấp huyện làm căn cứ chi trả tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí.

b) Phương thức chi trả:

- Phòng LĐ-TB&XH chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thực hiện chi trả cấp bù học phí trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ sinh viên có con đang học tại các cơ sở giáo dục ĐH công lập. Chậm nhất trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp bù học phí miễn, giảm theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch số 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH, phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thanh toán, chi trả tiền cấp bù học phí miễn, giảm cho gia đình người học theo quy định (trường hợp hồ sơ không hợp lệ, phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm thông báo cho gia đình người học được biết trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ).

- Tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí được cấp như sau:

+ Đối với sinh viên học chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học công lập: cấp 10 tháng/năm theo kỳ hạn như sau: lần 1 cấp vào tháng 9 hoặc tháng 10 hằng năm; lần 2 cấp vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm.

Trường hợp gia đình sinh viên chưa nhận tiền hỗ trợ miễn, giảm học phí theo thời hạn quy định thì được truy lĩnh trong kỳ chi trả tiếp theo.

c) Thời điểm được hưởng: theo số tháng thực học kể từ ngày 1-7-2010.

Theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013 của Chính phủ quy định như sau: các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các chuyên ngành nhã nhạc, cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc; một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với dạy nghề. Danh mục các nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ LĐ-TB&XH quy định.

Điều 3 Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013 của Chính phủ quy định Nghị định số 74/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2013.

Vậy theo quy định Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 49/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, và Điều 3 Nghị định số 74/2013/NĐ-CP, kể từ ngày 1-9-2013 thì học sinh, sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại mà không thuộc trường hợp dạy nghề thì không thuộc đối tượng được giảm 70% học phí; còn trước ngày 1-9-2013 thì sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại đương nhiên vẫn được giảm 70% học phí.

Chiếu theo quy định pháp luật nêu trên, bạn đã nộp đầy đủ hồ sơ để được hỗ trợ miễn, giảm học phí thuộc đối tượng là sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại đối với năm học 2012-2013 nhưng công chức thuộc Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành, Tiền Giang trả lời là “huyện sẽ ngưng việc trợ cấp tiền đối với sinh viên học ngành độc hại” là chưa đúng.

Trường hợp Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành,Tiền Giang không hỗ trợ miễn, giảm học phí cho bạn thuộc đối tượng là sinh viên một số chuyên ngành, nghề nặng nhọc, độc hại đối với năm học 2012-2013, bạn làm đơn khiếu nại yêu cầu trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Châu Thành, Tiền Giang giải quyết.

Luật sư TRỊNH VĂN HIỆPVăn phòng luật sư Gia Thành
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên