Gói CGALEP lần này là động thái tiếp nối sau khi Cục Hải cảnh Trung Quốc ban hành hai quy tắc tố tụng hình sự liên tiếp vào năm 2023, nhằm làm rõ quy trình thực thi Luật Hải cảnh được thông qua vào năm 2021.
Tiếp tục mập mờ pháp lý
Bao gồm tổng cộng 16 chương và 281 điều khoản, CGALEP đang hứng chịu sự chỉ trích từ dư luận khu vực khi tiếp tục dựa trên diễn giải của Luật Hải cảnh công nhận Trung Quốc có chủ quyền đối với các khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa trên biển.
Điều này hoàn toàn trái với quy định ở điều 56 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 chỉ cho phép quốc gia ven biển có quyền chủ quyền trong việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và phi sinh vật và các hoạt động thăm dò năng lượng, khai thác kinh tế khác ở EEZ.
Không chỉ tự ý áp đặt khái niệm chủ quyền đối với khu vực EEZ trái với luật pháp quốc tế, Trung Quốc còn tự quy định phạm vi về quyền tài phán ở điều 257 của CGALEP khi cho phép CCG được tạm giữ từ 30 - 60 ngày đối với người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia hoặc có hành vi hỗ trợ người khác vi phạm luật xuất nhập cảnh Trung Quốc trong khu vực EEZ do nước này tự quy định. Phạm vi này đi quá giới hạn về quyền tài phán của quốc gia ven biển được quy định ở điều 56 của UNCLOS và cũng không phù hợp với đặc thù của khu vực EEZ là một lãnh thổ hỗn hợp.
Sự cân bằng về quyền giữa quốc gia ven biển và các quốc gia khác đòi hỏi một sự phân chia thẩm quyền tùy trường hợp cụ thể để giải quyết xung đột ở các lĩnh vực mới trong khu vực EEZ theo quy định của điều 59 UNCLOS, chứ không thể tự ý áp đặt từ một phía quốc gia ven biển như trong CGALEP.
Tuy nhiên, dường như Trung Quốc vẫn muốn duy trì cách diễn giải đơn phương về khái niệm "chủ quyền" đối với khu vực EEZ của họ để có thể tiếp tục mở rộng lập trường diễn giải pháp lý "mập mờ" có lợi cho năng lực "lưỡng dụng" của CCG.
Trong khi luật pháp quốc tế quy định tàu hải quân "vỏ xám" được phép triển khai để "sử dụng vũ lực" bảo vệ chủ quyền quốc gia, thì tàu chấp pháp "vỏ trắng" được "sử dụng vũ khí" để đảm bảo quyền chủ quyền hợp pháp. Sự chuyển giao quyền kiểm soát CCG từ cơ quan quản lý dân sự trong Bộ Công an và Cục Hải dương nhà nước sang Quân ủy Trung ương (CMC) vào năm 2018 đã chính thức tích hợp khả năng "sử dụng vũ lực" cho CCG.
Vì vậy, điều 22 của Luật Hải cảnh cho phép CCG được cân nhắc sử dụng vũ khí khi phát hiện có nguy cơ bị xâm phạm cả về chủ quyền lẫn quyền chủ quyền trên các vùng biển quy định. Đây có thể xem chính là cốt lõi của "thế trận vùng xám" mà Trung Quốc đang dày công củng cố cả trên Biển Đông lẫn biển Hoa Đông.
Càng kiểm soát, càng mất kiểm soát
Sự gia tăng quyền lực pháp lý cho lực lượng CCG lúc này lại là một động thái có thể mang đến tổn hại về uy tín cho Trung Quốc nhiều hơn là mục tiêu áp chế đối thủ trên thực địa. Đặc biệt nhất là khi quyết định công bố thủ tục CGALEP lại trùng với thời điểm một đoàn thuyền dân sự có khẩu hiệu "Atin Ito (Đó là của chúng tôi)" vượt qua được sự phong tỏa của CCG ở bãi cạn Scarborough để tiếp tế thực phẩm và nhiên liệu cho ngư dân Philippines.
Sự đột phá vòng vây của đoàn thuyền Atin Ito bị phía Trung Quốc cáo buộc được hậu thuẫn bởi Chính phủ Philippines khi phía CCG xác nhận có tàu cảnh sát biển Philippines BRP Bacagay theo sát hộ tống, bất chấp phía Trung Quốc triển khai đợt phong tỏa Scarborough được xem là lớn nhất bao gồm 1 tàu hải quân, 8 tàu hải cảnh và 34 tàu dân binh. Đây là "lỗ hổng" mới nhất trong "thế trận vùng xám" của Trung Quốc.
Tuy nhiên, động thái "vá lỗ hổng" bằng cách ban hành CGALEP chứa đầy các diễn giải xung đột với UNCLOS trên thực tế lại khiến cho không chỉ chính giới Philippines được công khai tăng cường chỉ trích, mà còn kết hợp với làn sóng quan ngại về sự mở rộng quyền lực phi pháp của CCG trước đó từ cả chính giới Nhật Bản và Hàn Quốc, góp phần làm suy giảm kỳ vọng cho Thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn hiếm hoi đang diễn ra tại Seoul.
Do đó, Trung Quốc không chỉ càng mất đi uy tín mà còn khó có khả năng tiếp tục tham gia cuộc đua kiến tạo các kiến trúc đa phương đảm bảo an ninh hàng hải ở khu vực Biển Đông nói riêng và Tây Thái Bình Dương nói chung.
Tựu trung lại, Trung Quốc dường như vẫn đang lún sâu vào các lối mòn về tư duy vốn đang tạo nên những "lỗ hổng" ngày càng lớn của họ trên mặt trận pháp lý. Nếu không kịp chuyển hướng sang đối thoại, "thế trận vùng xám" cũng như uy tín của Bắc Kinh sẽ ngày càng gặp nhiều thách thức đến nỗi không thể quay đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận