Bà Lê Thị Nga (phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) nói như vậy khi trao đổi với báo Tuổi Trẻ về tình trạng xây dựng nghị định, thông tư xa rời thực tế.
Phóng to |
Bà Lê Thị Nga - Ảnh: Việt Dũng |
Như chuyện đùa
"Xã hội sẽ không thể phát triển được nếu người làm tốt cũng được đánh giá như người làm không tốt. Không có lý do gì để chấp nhận tình trạng chất lượng ban hành văn bản như vậy, chẳng những không có ai bị giáng chức, kỷ luật mà đến cuối năm, tuyệt đại đa số công chức làm công tác này đều được đánh giá là hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" Bà Lê Thị Nga |
* Buộc thành viên gia đình đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ có thể bị phạt đến 1 triệu đồng. Quy định này cùng với một số nội dung khác trong dự thảo nghị định về phòng chống bạo lực gia đình đang bị dư luận cho rằng khó khả thi. Bà nghĩ sao về vấn đề này?
- Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành quy định trách nhiệm chứng minh vi phạm thuộc về người xử phạt. Nhưng việc này rất khó chứng minh khi nó xảy ra trong gia đình, giữa vợ chồng mà lại bắt bên thứ ba đi chứng minh. Hơn nữa, những quy định về xử phạt tiền có khi người bị hại phải bỏ tiền của mình ra nộp phạt bởi truyền thống gia đình VN là “của chồng công vợ”, nghĩa là tài sản chung và người vợ thường nắm “tay hòm chìa khóa”. Pháp luật là phải chuẩn mực chung theo thông lệ thế giới và phù hợp với truyền thống đạo lý, phong tục, tập quán của người dân. Nếu cơ quan soạn thảo cứng nhắc, máy móc về mặt pháp luật thì có thể không sai nhưng không khả thi.
* Có những trường hợp tính khả thi rất ít và hầu như không thể đi vào đời sống, ví dụ thông tư quy định ưu tiên tuyển sinh với bà mẹ VN anh hùng, người hoạt động cách mạng trước năm 1945...?
- Đúng là có một số văn bản sau khi ban hành thì người đọc không tin ai đó lại có thể nghĩ ra được quy định như vậy. Câu chuyện cộng điểm cho bà mẹ VN anh hùng, người hoạt động cách mạng trước năm 1945 có thể xem là điển hình. Nhiều người nghĩ đây là chuyện đùa. Đành rằng xét theo góc độ cụ thể hóa pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng thì quy định như vậy không sai, nhưng trước khi cho ra đời một quy định thì cần phải trả lời câu hỏi: thực tế đã xảy ra hoặc dự liệu sẽ xảy ra vấn đề gì để cần thiết phải ban hành quy định? Đánh giá tác động của quy định đó vào thực tế thế nào? Pháp luật làm ra không phải để cho có mà phải đạt được mục đích quản lý xã hội.
Cũng có giải thích của một vị quan chức có trách nhiệm trong việc cho ra đời quy định đó là tới đây độ tuổi của bà mẹ VN anh hùng sẽ trẻ hơn. Có thể đúng vậy, nhưng thử hỏi cơ quan chức năng tổng kết lứa tuổi đi thi đại học thường là bao nhiêu, thực tiễn có trường hợp mẹ VN anh hùng nào đi thi đại học chưa? Đối với những người hoạt động cách mạng trước năm 1945 thì còn ai có thể dự thi đại học? Dự báo trong thời gian tới có bao nhiêu đối tượng thuộc diện này dự thi? Có ai trong số những người đề xuất sáng kiến này dám dũng cảm trực tiếp hỏi những người có công này xem cách mà chúng ta quan tâm đến các cụ như vậy có làm cho họ cảm thấy chính sách của Nhà nước là thật sự thiết thực và làm cho họ hài lòng không? Khi dư luận có phản hồi về tính bất hợp lý, không khả thi của quy định này thì theo tôi, cơ quan chức năng nên tiếp thu một cách cầu thị, không nên bao biện.
Thí điểm việc kiểm soát thông tư
* Theo bà, có cần phải quy định lại cách thức thẩm định các thông tư trước khi ban hành?
- Nên để Bộ Tư pháp tham gia quy trình thẩm định việc ban hành thông tư ở các bộ ngành khác. Tôi được biết hiện nay Bộ Tư pháp đã xây dựng đề án thí điểm cơ chế kiểm soát hoạt động xây dựng và ban hành thông tư trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức. Theo đó, sẽ có cơ chế thẩm định thông tư bảo đảm tính khách quan, minh bạch theo hướng giao một cơ quan thực hiện việc thẩm định đối với thông tư của tất cả các bộ ngành.
* Đó là với thông tư, còn với nghị định thì thực tế cho thấy vẫn “lọt lưới” không ít quy định xa rời thực tế?
- Ở tầm nghị định có thẩm định của Bộ Tư pháp, rồi có cả hội đồng thẩm định nếu văn bản liên quan đến nhiều bộ ngành. Nhưng vẫn có quy định “trên trời” được ban hành, đơn giản vì Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không được chấp hành nghiêm túc. Từ khâu soạn thảo không bám sát cuộc sống, không nắm vững “luật về làm văn bản quy phạm pháp luật” đến khâu thẩm định thiếu nghiêm túc thì sẽ cho ra đời những sản phẩm kém chất lượng.
Kỷ luật nghiêm thì sẽ chuyển biến
* Bà nhìn nhận như thế nào về tình trạng ban hành các văn bản pháp luật hiện nay?
- Một xã hội được quản lý theo pháp luật là xã hội văn minh. Nhưng coi chừng quy định mà xa rời thực tế, thiếu khả thi thì có thể dẫn đến hệ quả ngược lại, còn tệ hơn là không ban hành. Và hệ quả rất lớn. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo ra tình trạng lờn pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi. Lần này công dân không chấp hành cũng không sao thì lần sau họ cũng có thể sẽ không chấp hành. Một người không chấp hành, nhiều người cũng sẽ không chấp hành. Cứ như vậy dần dần làm ý thức pháp luật của người dân bị xói mòn từ bên trong. Không chỉ người dân không chấp hành mà nguy hiểm hơn là cả người có trách nhiệm phải thực thi công vụ cũng coi việc không thực thi đó như chuyện đương nhiên. Cuối cùng, không phải quy định nào cũng thiếu khả thi, có những quy định đúng nhưng xã hội sẽ coi hiệu lực của các quy định là tương tự nhau.
* Ý thức chấp hành pháp luật của con người không phải tự nhiên mà có...
- Nó phải được rèn giũa qua thời gian dài, đặc biệt ngoài ý thức tự giác của công dân thì việc thực thi nghiêm trách nhiệm của người thi hành công vụ có tác động lớn tới hình thành ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Lĩnh vực giao thông đường bộ là rất rõ. Chúng ta luôn coi tai nạn giao thông là do ý thức của dân kém, vậy ý thức của người thi hành công vụ trong lĩnh vực này thì sao? Chúng ta hãy hình dung: cũng là người dân ấy, khi tham gia giao thông ở VN thì sẵn sàng lạng lách, vượt đèn đỏ, sẵn sàng chở quá tải..., nhưng ra nước ngoài lại răm rắp đi theo đúng luật. Vì sao? Vì họ biết rằng vi phạm giao thông ở nước ngoài sẽ bị phạt nặng, rất nghiêm minh, khó có thể hối lộ được người thi hành công vụ để bỏ qua vi phạm. Thay vì ban hành nhiều, hãy tập trung nguồn lực để ban hành văn bản có chất lượng và tổ chức thực hiện nghiêm. Thay vì phát động, hô hào theo kiểu phong trào, hãy thực hiện hằng ngày, thường xuyên, kiên trì, bền bỉ, kết quả phải được đo đếm bằng con số cụ thể.
* Bà có đề xuất giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng xây dựng nghị định và thông tư kém chất lượng?
- Giải pháp của mọi giải pháp là chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức bằng việc quy rõ, quy đến cùng trách nhiệm cá nhân và kỷ luật nghiêm. Tôi từng nói rằng hàng chục năm nay chưa thấy một cán bộ lãnh đạo nào, công chức nào bị giáng chức, buộc thôi việc hay bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định, ban hành văn bản sai trái, thiếu khả thi, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, làm giảm hiệu quả quản lý. Đâu phải chúng ta không truy được địa chỉ trách nhiệm, trong từng khâu của quy trình ban hành văn bản đều có người chịu trách nhiệm rõ ràng, từ chuyên viên đến vụ phó, vụ trưởng, thứ trưởng, bộ trưởng. Hồ sơ của từng công đoạn theo quy định đều phải có bút tích lưu lại ý kiến của từng cấp, kể cả trên phương tiện điện tử. Vấn đề quan trọng là chúng ta có thật sự muốn tìm địa chỉ trách nhiệm hay không. Hiện nay, nếu bộ nào ban hành văn bản kém chất lượng thì Quốc hội có thể chất vấn, rồi lấy phiếu tín nhiệm bộ trưởng. Còn dưới cấp bộ trưởng, khi xảy ra chuyện liên quan đến việc ban hành văn bản, cứ kỷ luật một, hai trường hợp thật nghiêm minh và công bằng, tôi nghĩ tình hình sẽ chuyển biến ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận