Phòng ban của cơ quan Chính phủ có 15-20 nhân viên có 2 cấp phó
Theo nghị định số 83 của Chính phủ sửa đổi quy định về số lượng cấp phó của các cơ quan, đơn vị, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9, đã sửa đổi quy định về số lượng cấp phó.
Cụ thể, chi cục có từ 1-3 phòng được bố trí một cấp phó; có từ bốn phòng trở lên được bố trí không quá hai cấp phó. Chi cục không có phòng được bố trí không quá hai cấp phó.
Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung quy định: Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định hoặc phân cấp quyết định số lượng cấp phó của người đứng đầu chi cục, bảo đảm bình quân không quá ba người trên một chi cục.
Việc bố trí này phải đáp ứng thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính 24/24 giờ, làm việc 3 ca/ngày và được giao từ 60 biên chế công chức trở lên; được giao quản lý theo khu vực liên tỉnh, liên huyện và có từ 9 phòng hoặc tổ chức tương đương trở lên.
Với cơ quan thuộc Chính phủ, ban và văn phòng có từ 15 - 20 người làm việc là công chức, viên chức được bố trí không quá hai cấp phó; ban, văn phòng có trên 20 công chức, viên chức thì thủ trưởng cơ quan quyết định số lượng cấp phó, bảo đảm không quá ba người trên một đơn vị.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên, số lượng cấp phó là không quá ba người trên một đơn vị.
Doanh nghiệp nhà nước tự quyết định thang bảng lương
Chính phủ cũng ban hành nghị định số 89 về chuyển đổi công ty nhà nước được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH một thành viên tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp.
Khi chuyển đổi, công ty sẽ được kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của công ty nhà nước, hoặc công ty con chưa chuyển đổi; được sử dụng toàn bộ tài sản, lao động, diện tích đất. Công ty cũng chịu trách nhiệm các nghĩa vụ như khoản nợ, hợp đồng lao động, quản lý và sử dụng đất đai.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng có hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo đó, mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch.
Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động.
Tạm ngừng lưu thông, phong tỏa tiền, tài sản liên quan khủng bố
Ngoài ra Chính phủ cũng ban hành nghị định về quy định việc tạm ngừng lưu thông, phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý đối với tiền, tài sản liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố; xác lập danh sách tổ chức, cá nhân liên quan đến khủng bố, tài trợ khủng bố.
Nghị định 106 quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ không quá 50% giá trị sản phẩm xử lý chất thải; hỗ trợ không quá 50% giá trị công trình khí sinh học, nhằm khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi, với mức tối đa không quá 1 tỉ đồng.
Với nghị định số 109 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi sơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, sẽ áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ và được áp dụng trong ba tháng.
Với thông tư quy định tính toán giá bán điện bình quân được Bộ Công Thương ban hành, hướng dẫn chi tiết về phương pháp lập giá bán điện bình quân hằng năm và trong năm cũng như công thức tính toán để có kết quả giá điện cuối cùng.
Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành thông tư sửa đổi quy định về việc mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận