Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định 124 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị.
Bổ sung nhiều nội dung quan trọng
Quy định mới thay thế quy định 132 năm 2018 của Bộ Chính trị. So với quy định cũ, quy định 124 đã có nhiều nội dung bổ sung.
Trong đó, bổ sung nội dung như nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa, thấy được ưu điểm để phát huy, hạn chế, khuyết điểm để khắc phục.
Chủ động phát hiện, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Quy định cũng nêu rõ việc kết hợp chặt chẽ kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
Ngoài ra, bổ sung căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại nội dung về trách nhiệm nêu gương, ý thức tổ chức kỷ luật, văn hóa giao tiếp, tác phong, lề lối làm việc của cá nhân...
Về đối tượng kiểm điểm, quy định điều chỉnh, bổ sung đối tượng là "tập thể lãnh đạo các cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng, đơn vị sự nghiệp ở trung ương và địa phương; ban thường vụ cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương (bao gồm cả ban thường vụ cấp ủy cơ sở được giao quyền cấp trên cơ sở) và cấp ủy cơ sở".
Cùng với đó, đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, đảng viên mới kết nạp chưa đủ 6 tháng không thuộc đối tượng kiểm điểm theo quy định.
Kiểm điểm về trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình
Khi tiến hành kiểm điểm, quy định bổ sung các nội dung về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương; việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Đối với cá nhân là người đứng đầu, ngoài những nội dung kiểm điểm cá nhân để xác định trách nhiệm, thẩm quyền của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ, còn phải kiểm điểm rõ nhiều nội dung.
Như khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ.
Trách nhiệm nêu gương của bản thân và gia đình; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Trách nhiệm trong công việc; tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ.
Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, cá nhân phải kiểm điểm làm rõ trách nhiệm khi có dấu hiệu vi phạm, để xảy ra những vấn đề bức xúc, phức tạp, dư luận quan tâm...
Có biểu hiện "lợi ích nhóm", tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; có tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý bị kỷ luật, khởi tố...
Quy định 124 cũng giữ nguyên nội dung xếp loại chất lượng với 4 mức gồm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ và không hoàn thành nhiệm vụ.
Trong quy định mới, tỉ lệ số lượng tập thể, cá nhân được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không vượt quá 20% số được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ như quy định 132...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận