Tất cả phóng viên phải mặc vest đen, sơmi trắng, cà vạt đen, giày da đen và có mặt từ 5h sáng đứng đến khi buổi lễ kết thúc mặc dù đoàn rước đã đi qua và không còn tác nghiệp nữa - Ảnh: LÊ NAM
Tất cả các nhà báo, phóng viên đăng ký đưa tin về lễ hỏa táng vua Bhumibol Adulyadej từ ngày 25 đến 29-10 đều phải được Bộ Ngoại giao Thái Lan phê duyệt danh sách và cấp thẻ hành nghề trong khoảng thời gian đặc biệt này.
Cơ quan này cũng ban hành các quy tắc mà những nhà báo tham gia sự kiện buộc phải tuân thủ, trong đó có phần quy định về trang phục, thời gian và địa điểm ghi hình.
Phóng viên nam buộc phải mặc áo vest đen, cùng loại vải với quần, áo sơmi trắng dài tay, cà vạt đen, tay phải gắn dải băng đen, giày da đen, vớ đen, dây nịt đen, râu cạo sạch, tóc cắt ngắn, tóc phải để màu tự nhiên không được nhuộm, không xỏ khuyên…
Nữ phóng viên phải mặc váy đen dài quá đầu gối và áo cùng loại vải, áo trắng dài tay, cà vạt đen, giày da đen bịt mũi, tóc búi hoặc buộc gọn… nên trông lực lượng phóng viên tham gia đưa tin rất chỉnh tề, chuẩn mực.
Các phóng viên ảnh được gửi tham khảo và đăng ký chọn một trong 13 vị trí đứng chụp hình trong những ngày diễn ra lễ tang. Họ chỉ được phép đứng chụp trong các địa điểm đã được quy định này mà không được ra ngoài chụp ảnh.
Máy ảnh (sau khi kiểm tra an ninh) phải là máy chuyên nghiệp, có ống kính rời. Tuyệt đối không được dùng máy ảnh du lịch, điện thoại, máy tính bảng.
Phóng viên được nhắc nhở phải cúi đầu chào trước khi chụp ảnh đoàn rước linh cữu nhà vua Bhumibol Adulyadej, thành viên hoàng gia... đi qua, và lại cúi chào khi đã chụp xong.
Sau mỗi tràng âm thanh "xoạch xoạch" của các màn trập máy ảnh phát ra là các phóng viên ảnh lại cúi gập người rồi lại chụp, rồi lại cúi gập người…
Phóng viên ảnh buộc phải đứng một vị trí đã chọn và không được di chuyển trong suốt thời gian xe chở linh cữu vua đi qua. Không đưa máy ảnh lên cao hay ngồi chụp ảnh.
Chỗ đứng chụp ảnh ngoài trời nắng nóng, trong trang phục vest kín nhưng phóng viên ảnh đứng trong khu quy định không được phép đội nón, che dù, đeo kính màu, kể cả là kính thuốc (cận hoặc viễn) nhuộm màu. Tuyệt đối không được "live stream" bằng điện thoại.
Theo kế hoạch ngày 26-10 sẽ đưa linh cữu nhà vua từ hHoàng cung ra quảng trường Sanam Luang nơi có đài hóa thân, chúng tôi được sắp xếp tại điểm tập trung lúc 3h sáng, sau đó di chuyển trên xe do Bộ Ngoại giao tổ chức để có mặt ở các vị trí chụp ảnh lúc 5h sáng.
Đến tối 25-10, Bộ Ngoại giao Thái thông báo khẩn là không thể tổ chức xe như kế hoạch. 4h sáng ngày 26-10, các phóng viên đã có mặt ở hoàng cung để đến địa điểm quy định trước 5h và chờ ở đây cho đến khi đoàn tiễn đưa linh cữu hoàn tất hành trình.
Các phóng viên Thái và quốc tế muốn được đứng trong khu vực tác nghiệp phải mặc vest đen, sơmi trắng, cà vạt đen, giày đen và phải sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp (DSLR). Hoàng gia Thái không chấp nhận các phóng viên đứng trong khu vực này nhưng lại sử dụng máy ảnh du lịch (compact) - Ảnh: THUẬN THẮNG
Các phóng viên chụp ảnh, quay phim tư liệu cho Thái Lan cũng phải ăn mặc theo quy định, tuy nhiên được ưu tiên hơn về vị trí và có thể đi lại chọn góc chụp - Ảnh: THUẬN THẮNG
Một phóng viên chụp ảnh tư liệu của Chính phủ Thái Lan - Ảnh: THUẬN THẮNG
Riêng các phóng viên quay phim phục vụ truyền hình trực tiếp của hoàng gia thì phải mặc đồng phục riêng của hoàng gia - Ảnh: THUẬN THẮNG
Các cần cẩu máy quay cũng được đeo dải băng tang trắng đen - Ảnh: THUẬN THẮNG
Cần cẩu máy quay trước đài hoa thân Phra Meru thì được đeo dải băng màu vàng hoàng gia - Ảnh: Thuận Thắng
Lễ hỏa táng vua Thái được diễn ra cực kỳ long trọng, công tác hậu cần cho báo chí được các phóng viên đánh giá cao. Tất cả các ảnh, video do lực lượng của hoàng gia quay được cung cấp liên tục về trung tâm báo chí và trang web chính thức www.kingrama9.net để chia sẻ cho các báo và hãng thông tấn - Ảnh: THUẬN THẮNG
Nhân viên Hãng thông tấn Reuters (Anh) ngồi chờ nhận phim do hoàng gia cung cấp ở trung tâm báo chí - Ảnh: LÊ NAM
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận