31/10/2018 10:03 GMT+7

Quy định chống chuyển giá: DN phản ứng khống chế lãi vay quá 'cứng'

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TTO - Các doanh nghiệp cho rằng việc khống chế lãi vay quy định tại khoản 3 điều 8 nghị định 20 rất "cứng", đang gây khó cho họ, nhất là các đơn vị hoạt động theo mô hình mẹ - con.


Quy định chống chuyển giá: DN phản ứng khống chế lãi vay quá cứng - Ảnh 1.

Siết chi phí lãi vay, theo các doanh nghiệp, có thể khiến giảm khả năng đầu tư mới. Trong ảnh: tại bến nhận than một nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL - Ảnh: Mậu Trường

Ngay cả thời hạn hiệu lực thi hành của nghị định này cũng khiến các doanh nghiệp (DN) đặt dấu hỏi có hay không việc "truy thu" thuế.

Thông lệ cũng có bối cảnh riêng

Bà Hương Vũ, chuyên gia thuế Công ty Ernst & Young Vietnam, nói trên thực tế không ít các tổng công ty nhà nước, tập đoàn tư nhân đứng ra vay vốn để cho các công ty con vay lại thực hiện các dự án, vì thế nếu áp quy định này vào khiến phát sinh tiền thuế phải nộp rất lớn.

Cũng theo bà Hương, quy định khống chế chi phí lãi vay này được Việt Nam tham khảo và áp dụng theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Hành động số 4 của Diễn đàn Hợp tác triển khai chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ("BEPS").

Bà Hương cho rằng việc điều chỉnh các quy định phù hợp với các thông lệ tốt của quốc tế này là cần thiết, nhưng cần nhấn mạnh các quy định trong OECD chỉ cung cấp các hướng dẫn chung để các quốc gia có thể áp dụng tùy theo điều kiện và bối cảnh riêng.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, chính sách khống chế tỉ lệ lãi vay được trừ cần sửa đổi theo hướng cho phép DN chuyển chi phí lãi vay sang kỳ sau, khi chi phí lãi vay vượt mức khống chế.

Mặt khác, đối với tập đoàn hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, có thể áp dụng cách cấn trừ lãi vay cho nhau để đảm bảo tổng chi phí lãi vay được trừ không vượt quá chi phí lãi vay thực tế trả cho bên cho vay.

Doanh nghiệp lại thêm nặng gánh

Luật sư Trần Xoa, giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng với quy định hiện nay của nghị định 20, công ty mẹ - con chỉ cần giao dịch với nhau một lần thì cũng bị quy là có giao dịch liên kết, từ đó truy lại để khống chế lãi vay, trong khi điểm yếu nhất của DN Việt Nam là vốn mỏng, phải đi vay rất nhiều.

Đấy là chưa kể ở nhiều DN, công ty con không thể vay vốn mà công ty mẹ sẽ đi vay, rồi cho công ty con vay lại và điều này được coi là một giao dịch liên kết.

"Nguyên tắc của việc này là chống chuyển giá. Nhưng luật hoàn toàn không quy định việc này, mà chỉ quy định trong nghị định 20. Mới đây, luật sửa đổi, bổ sung 6 luật thuế có đưa vào quy định này, nhưng hiện nay luật mới chưa được thông qua, trong khi cơ quan thuế vẫn dùng nghị định để truy lại thuế của DN là không hợp lý vì nghị định không thể đứng trên luật" - ông Xoa nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 30-10, ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty in vi tính Liên Sơn (Q.1, TP.HCM), nói cần nên nhìn rộng hơn vì DN đi vay được trừ chi phí lãi vay, nhưng ngược lại ngân hàng có lãi, lại đóng thuế thu nhập DN và khi đó Nhà nước vẫn thu được thuế.

"Nếu khống chế quá tay chẳng khác nào kìm hãm sự phát triển của DN, vì khi đó DN sẽ không dám đầu tư, không chớp được các cơ hội kinh doanh dù thấy trước mắt" - ông Linh nói.

Tổng giám đốc một DN có trụ sở tại TP.HCM cho biết quá trình thực hiện nghị định 20 có rất nhiều vướng mắc bất hợp lý, gây thiệt hại quyền lợi chính đáng của DN. Theo vị này, hiện một số cục thuế xác định quan hệ giữa cá nhân với DN nếu hội đủ điều kiện thì cũng là quan hệ liên kết, từ đó truy lại thuế.

Một trong những băn khoăn của các DN là thời hiệu thi hành. Dù có hiệu lực từ tháng 5-2017 nhưng các DN chưa rõ chi phí lãi vay cả năm 2017 đều bị điều chỉnh hay chỉ có chi phí lãi vay từ tháng 5-2017 mới bị điều chỉnh, vì nếu "truy thu" cả năm thì số thuế DN nộp sẽ rất lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Có thể cho phép tính mức khống chế lãi vay ròng thay vì lãi vay thuần. Chẳng hạn, tập đoàn A đi vay ngân hàng 100 tỉ đồng và một năm phải trả 10 triệu tiền lãi. Và 100 tỉ đó được tập đoàn A cho các công ty con vay lại 80 tỉ đồng. Tiền lãi mà tập đoàn A thu được khi cho vay lại được 8 triệu đồng. Nên chi phí lãi vay của tập đoàn A chỉ là 2 triệu đồng. Trong khi đó, nghị định 20 không quy định rõ lãi ròng hay lãi thuần, nên các cơ quan thuế xác định là lãi thuần. Và như ví dụ trên, với chi phí lãi vay mà tập đoàn A trả cho ngân hàng là 10 triệu đồng được xác định mức khống chế chi phí vay vốn.

Bà Hương Vũ (Ernst & Young Vietnam)

Siết thuế chống chuyển giá đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế

TTO - Không chỉ doanh nghiệp tư nhân mà cả các doanh nghiệp nhà nước lớn cũng lo lắng. Bộ Tài chính thừa nhận nhiều doanh nghiệp bị siết nhưng thực tế lại ít có động cơ chuyển giá.

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên