05/08/2022 10:04 GMT+7

Quỹ đất cho công nghiệp hỗ trợ hạn chế khiến ngành này khó phát triển mạnh

N.BÌNH
N.BÌNH

TTO - Từ năm 2018, TP.HCM đã có chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Tuy vậy, các khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất vẫn còn thách thức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này.

Quỹ đất cho công nghiệp hỗ trợ hạn chế khiến ngành này khó phát triển mạnh - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần có thêm đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất - Ảnh: N.BÌNH

Ông Hoàng Thọ Vượng - giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TP.HCM - cho biết quỹ đất dành cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khá hạn chế là một trong những yếu tố khiến ngành này chưa phát triển mạnh dù có chính sách kích cầu riêng.

Hiện chỉ có ba khu công nghiệp và Khu công nghệ cao có phân khu dành riêng cho nhóm doanh nghiệp này gồm: Phân khu trong Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2 có lấp đầy 93/200ha.

Với phân khu trong Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 có 104ha và khu công nghiệp cơ khí ôtô có 65ha lại chưa triển khai. Còn lại, phân khu trong Khu công nghệ cao có 50,3ha đạt chỉ tiêu được giao.

Hiện tại các dự án mới trong Khu công nghiệp Hiệp Phước không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên doanh nghiệp không thể thế chấp vay vốn ngân hàng, không thể xin giấy phép xây dựng để triển khai dự án theo tiến độ đầu tư hoặc theo quyết định phê duyệt tham gia chương trình kích cầu của UBND TP.HCM.

Khó khăn về quỹ đất nữa là dù quỹ đất sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn còn, nhưng chủ đầu tư các khu công nghiệp thường quy hoạch phân lô diện tích lớn ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn để tránh phải điều chỉnh quy hoạch và giảm chi phí đầu tư hạ tầng điện, nước, nước thải, đường giao thông nội bộ…

Thực tế, nhằm giúp doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, từ năm 2018 TP.HCM đã có chương trình kích cầu đầu tư dành riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Dù đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn này và phát triển, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn nhưng vẫn còn những tồn tại, khó khăn khiến cho chương trình chưa thể bứt tốc như mong muốn.

Các doanh nghiệp tham gia chương trình mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại để tham gia chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, tập đoàn sử dụng vốn FDI đầu tư tại Việt Nam và bước đầu trở thành nhà cung ứng cấp 1 như Công ty TNHH sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty CP CNHT Minh Nguyên..., góp phần tăng trưởng thị trường xuất khẩu tại chỗ của thành phố, chủ động tiếp cận khách hàng, đối tác để tìm kiếm đơn hàng, phát triển sản xuất.

Việc thay đổi máy móc thiết bị hiện đại sử dụng công nghệ mới của các nước tiên tiến góp phần làm tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất sản phẩm như Công ty TNHH Lập Phúc, Công ty TNHH sản xuất thương mại in Minh Mẫn, Công ty CP in Minh Phương..., đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó đã thu hút các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao để vận hành các thiết bị hiện đại, thay thế dần việc sử dụng lao động có trình độ tay nghề thấp.

Năng lực sản xuất của doanh nghiệp thành phố, đặc biệt là các doanh nghiệp có được sự hỗ trợ của thành phố tăng mạnh, sản xuất được các linh kiện, chi tiết đòi hỏi kỹ thuật và độ chính xác cao, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong cấu thành sản phẩm, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu mà có thể nhắc đến như Công ty TNHH chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn, Công ty TNHH sản xuất cơ khí chính xác Việt Nhật…, nâng cao tỉ lệ đóng góp GDP của thành phố.

Tuy số lượng doanh nghiệp tiếp cận và tham gia chương trình còn hạn chế nhưng trong số các dự án được phê duyệt từ chương trình, một số doanh nghiệp đã tham gia được vào chuỗi cung ứng như Công ty TNHH sản xuất Hiệp Phước Thành, Công ty CP CNHT Minh Nguyên, Công ty TNHH MTV bánh kẹo Á Châu... của các công ty, tập đoàn FDI lớn như Samsung, Hyundai, Toyota, Piaggo, McDonald's...

Trong đó, khó khăn về nguồn vốn đầu tư vẫn còn tồn tại do các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đa số là vừa và nhỏ nên nguồn vốn còn yếu và thiếu, lại không có tài sản bảo lãnh (thế chấp)… Vì vậy, các tổ chức tín dụng không đồng ý cho vay nên không đủ điều kiện tham gia chương trình.

Một tác động khách quan là dịch bệnh. Từ đầu năm 2020, dịch bệnh COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, đầu tư của các doanh nghiệp. Có nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận chương trình, xây dựng dự án, chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ pháp lý đầy đủ nhưng vì ảnh hưởng của dịch bệnh làm sản xuất bị đình trệ, sản phẩm tiêu thụ chậm, giảm doanh thu và lợi nhuận, ảnh hưởng đến hiệu quả và khả năng triển khai của dự án trong tương lai.

"Trong thời gian tới, cần nhất hiện nay là tạo thêm nhiều quỹ đất sản xuất cho ngành công nghiệp hỗ trợ với giá thành hợp lý để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất và tự tin vượt qua những rào cản về năng suất, chất lượng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", đại diện Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công thương TP.HCM, đề xuất.

Trong giai đoạn từ năm 2018 - 2021, UBND TP đã phê duyệt 15 dự án của 14 doanh nghiệp tham gia chương trình với tổng mức đầu tư là 1.176,078 tỉ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 617,241 tỉ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 78,405 tỉ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là 41,149 tỉ đồng.

Với mức lãi suất bình quân là 8% và thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm, ngân sách thành phố sẽ bỏ ra 216,034 tỉ đồng tiền hỗ trợ lãi vay để thu hút được 1.176,078 tỉ đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp thành phố.


Quỹ đất cho công nghiệp hỗ trợ hạn chế khiến ngành này khó phát triển mạnh - Ảnh 3.

Mời tham gia diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ"

Dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu đang tạo thời cơ chưa từng có cho các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành công nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức lớn đòi hỏi cả doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý phải vượt lên. Để tăng nội lực của ngành công nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, từ đó tăng thu nhập cho người lao động và tiềm lực của đất nước, Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Xây dựng nền công nghiệp tự chủ".

Kính mời các doanh nghiệp, hiệp hội chia sẻ kinh nghiệm phát triển, những vướng mắc cần tháo gỡ và các đề xuất.

Tuổi Trẻ cũng rất mong nhận được bài vở phân tích, chia sẻ trải nghiệm kèm những sáng kiến từ chính những người làm trong ngành công nghiệp, quý bạn đọc, chuyên gia nhằm thúc đẩy "xã hội sản xuất", giúp phát triển nền công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng.

Các bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: [email protected].

Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ - Kỳ 5: Thaco và bài toán Thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp tự chủ - Kỳ 5: Thaco và bài toán 'không đầu hàng'

TTO - Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) là một điển hình thành công trong ngành ôtô. Nhưng họ đang chọn hướng đầu tư mạnh vào cơ khí, linh kiện.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên