Theo đó đối tượng dự tuyển đi học nước ngoài là công dân nước Việt Nam đáp ứng các điều kiện sau: có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đảm bảo có đủ sức khỏe để tham gia khóa học ở nước ngoài; không trong thời gian bị kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; có văn bằng, chứng chỉ theo yêu cầu của từng chương trình học bổng tương ứng; đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định của từng chương trình học bổng; trong độ tuổi theo quy định của từng chương trình học bổng; nộp đầy đủ, đúng thời hạn hồ sơ và lệ phí tuyển sinh (nếu có) theo quy định tại thông báo tuyển sinh; đáp ứng các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức (đối với ứng viên là công chức, viên chức); đáp ứng các điều kiện cụ thể khác của từng chương trình học bổng.
Đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh là ứng viên thuộc các cơ quan, địa phương được ưu tiên về đào tạo nhân lực theo quy định của Chính phủ; ứng viên có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu khoa học; các đối tượng ưu tiên khác theo quy định hiện hành của Nhà nước và của từng chương trình học bổng cụ thể.
Về phương thức tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ, tuyển sinh đi học nước ngoài được thực hiện theo một trong các phương thức: xét tuyển; hoặc kết hợp giữa xét tuyển và thi tuyển.
Căn cứ quy định của từng chương trình học bổng, đơn vị chủ trì tuyển sinh thống nhất ý kiến bằng văn bản với các đơn vị liên quan quyết định phương thức tuyển sinh đi học nước ngoài.
Trên cơ sở quy định cụ thể của từng chương trình học bổng, căn cứ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng tuyển chọn thống nhất với đơn vị chủ trì tuyển sinh và các đơn vị liên quan quy định các tiêu chí tuyển chọn và thứ tự ưu tiên của các tiêu chí.
Tiêu chí tuyển chọn bao gồm các nội dung: thành tích, giải thưởng trong học tập, nghiên cứu, công tác (nếu có); kết quả học tập của cấp học, trình độ đào tạo đã tốt nghiệp trước đó; điểm ngoại ngữ (theo quy định cụ thể của chương trình học bổng); đánh giá và thứ tự ưu tiên theo đề nghị của cơ quan giới thiệu dự tuyển (nếu có); thời gian công tác (nếu có); kết quả thi tuyển (nếu có); các tiêu chí và quy định ưu tiên khác theo quy định của từng chương trình học bổng.
Đối với việc bồi dưỡng ngoại ngữ, ứng viên được tuyển chọn đi học nước ngoài cần chủ động bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ để đáp ứng điều kiện ngoại ngữ của cơ sở giáo dục ở nước ngoài.
Ứng viên được tuyển chọn đi học nước ngoài nếu có nguyện vọng tạm dừng học tập hoặc công tác để bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ phải xin phép cơ sở giáo dục hoặc cơ quan công tác. Sau thời gian học ngoại ngữ ứng viên phải trở về cơ sở giáo dục, cơ quan công tác để tiếp tục học tập, công tác trong khi chờ làm thủ tục đi học nước ngoài.
Ứng viên đã được tuyển chọn đi học nước ngoài hoàn thiện thủ tục cử đi học sau khi nhận được văn bản tiếp nhận đào tạo chính thức từ cơ sở giáo dục nước ngoài. Ngoài hồ sơ dự tuyển đã nộp, hồ sơ đi học nước ngoài cần bổ sung thêm các loại giấy tờ quy định.
Về quy trình xử lý hồ sơ đi học nước ngoài, đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo học bổng ngân sách Nhà nước, học bổng Hiệp định, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp giấy triệu tập đi học nước ngoài và ra quyết định cử đi học khi có văn bản của cơ quan công tác đồng ý cử ứng viên đi học nước ngoài
Đối với ứng viên đang công tác tại cơ quan, đơn vị, địa phương được tuyển chọn đi học theo học bổng khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo kết quả trúng tuyển đến ứng viên và cơ quan công tác của ứng viên để giải quyết thủ tục đi học nước ngoài.
Đối với ứng viên chưa có cơ quan công tác, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cử đi học nước ngoài.
Thời hạn giải quyết thủ tục cử người đi học ở nước ngoài tối đa là 30 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận kết quả cấp học bổng của phía nước ngoài (nếu có) và nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ không tính vào thời hạn giải quyết.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 06-5-2016.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận