Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp ngày 11-10 - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, thực hiện nghị quyết số 68 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nghị quyết số 68, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, sau 8 năm thực hiện, 8 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng 4 chỉ tiêu, nhiệm vụ thành phần chưa hoàn thành hoặc mới chỉ hoàn thành được một phần.
Về thu, chi và cân đối quỹ bảo hiểm y tế, bà Thúy Anh cho hay, năm 2020, tổng thu bảo hiểm y tế là 110.395 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 390 tỉ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, tổng chi cho công tác khám chữa bảo hiểm y tế là 99.730 tỉ đồng, cao hơn số được phép chi theo quy định hơn 2.000 tỉ đồng.
Dự kiến chi phí quản lý quỹ năm 2020 là 4.101 tỉ đồng, bằng 3,7% ước thực hiện thu bảo hiểm y tế, giảm so với năm 2019. Số dư quỹ lũy kế dự kiến là 32.991 tỉ đồng, tăng 111,6% so với năm 2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng với nguồn kết dư hơn 32.000 tỉ đồng, cần sử dụng để chi trả khám chữa bệnh COVID-19.
Bởi qua trao đổi lấy ý kiến các bệnh viện như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy... đều kiến nghị phải tháo gỡ khó khăn liên quan đến thanh toán khám chữa bệnh với trường hợp bệnh nền bị lây nhiễm.
Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng cần tính toán việc sử dụng quỹ để hỗ trợ ngân sách, phải bảo đảm an toàn quỹ cũng như hỗ trợ cho ngân sách để chữa bệnh nền và người bệnh COVID-19.
Còn theo ông Nguyễn Khắc Định - phó chủ tịch Quốc hội, cần so sánh để đảm bảo tính bền vững, làm rõ 2 bộ phận bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước chi trả và người dân tự mua.
Đồng thời, cần có phân tích kỹ hơn đối với bảo hiểm cho hộ nghèo, tích hợp công nghệ thông tin thẻ bảo hiểm y tế điện tử với thẻ căn cước công dân, đảm bảo hiệu quả khi thực hiện.
Cũng theo báo cáo thẩm tra, hạn chế trong việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế là tình trạng ngân sách chậm chuyển kinh phí, việc lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế chưa giải quyết triệt để. Xã hội hóa, hợp tác công tư chưa đầy đủ, thiếu chế tài giám sát dẫn đến tình trạng khó quản lý chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Do đó, Ủy ban Xã hội kiến nghị tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tiếp tục tăng đầu tư cho lĩnh vực y tế, ưu tiên dành ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, ưu tiên ngân sách cho y tế dự phòng, và chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Giải quyết dứt điểm vướng mắc trong quá trình thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; có giải pháp đột phá để duy trì và tăng tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Chuyển kinh phí mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng được ngân sách đóng và hỗ trợ, cân đối hỗ trợ thêm mức đóng cho một số đối tượng...
Hoàn thiện các chính sách, cơ chế quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là trụ cột mà Đảng và Nhà nước rất quan tâm. Do đó việc thực hiện chính sách pháp luật, quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm đặc biệt quan tâm, cần hoàn thiện hơn.
Trong đó, trọng tâm là cần quan tâm chi y tế dự phòng và y tế cơ sở, nghiên cứu tham mưu Chính phủ nâng mệnh giá bảo hiểm y tế lên mức phù hợp, coi đây là gói kích thích kinh tế cho đầu tư. Sớm rà soát lại chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền, tách các khoản cho phù hợp…
Đồng thời, cần nghiên cứu thêm gói dịch vụ bảo hiểm y tế cơ bản, mô hình bác sĩ gia đình, phạm vi khám chữa bệnh dùng bảo hiểm y tế chi trả tại bệnh viên tư, dùng vốn ODA đầu tư trạm y tế cấp xã…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận