Sáng 27-3, trao đổi thảo luận tại hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 28 (mở rộng), ông Nguyễn Khắc Hoàng - cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM - cho biết tiếp đà phục hồi của tăng trưởng quý 4-2023, theo ước tính của Tổng cục Thống kê, quý 1-2024 tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP.HCM tăng 6,54% so với cùng kỳ.
Trong đó, khu vực nông nghiệp tăng khoảng 0,85%, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 5,37% và đóng góp 16,5% vào mức tăng GRDP nhưng cơ cấu chiếm đến 17,1% GRDP.
Việc này cho thấy sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực nhưng còn nhiều khó khăn.
Theo ông Hoàng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1%, cao hơn so với Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Mặc dù tốc độ tăng khá nhưng mức phục hồi khá chậm, từ năm 2019 đến nay bình quân chỉ tăng 1,8%/năm và vẫn còn 10/30 ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ, trong đó sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có giá trị gia tăng cao, giá trị số cao lại giảm 6,8%.
Ông Hoàng cho biết đối với 4 ngành trọng điểm chiếm trên 55% ngành công nghiệp nhưng một số ngành chưa mang lại tính trọng điểm, lan tỏa như kỳ vọng như chế biến thực phẩm, điện tử.
Một số ngành thâm dụng lao động thì xu hướng giảm nhanh như sản xuất trang phục, sản xuất giày da. Hoạt động chế biến, chế tạo là trụ cột của công nghiệp (chiếm hơn 90% giá trị toàn ngành công nghiệp) chỉ tăng 4,9%, thấp hơn mức tăng chung toàn ngành công nghiệp.
Bên cạnh đó, mặc dù chỉ số tiêu thụ của ngành chế biến chế tạo tăng 3,9% nhưng chủ yếu là tiêu thụ từ hàng tồn kho (tồn kho quý 1 giảm 12,3% so với cùng kỳ) và thu hút lao động lại giảm 5,8% so với cùng kỳ.
"Thành phố cần thực hiện rà soát quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp theo hướng chuyển đổi mạnh đối với các ngành thâm dụng lao động, đất và chi phí nhân công sang các ngành thâm dụng công nghệ thông tin, số, xanh… để tạo động lực tăng trưởng dài hạn", ông Hoàng nêu ý kiến.
Cũng theo cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM, trong quý 1, ngành xây dựng nhờ sự tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công góp phần thúc đẩy phục hồi khi tăng 7,92%. Cùng với đó, khu vực dịch vụ tăng 7,34%, đóng góp lớn nhất 71,8% vào tốc độ tăng, trong khi tỉ trọng chỉ chiếm 66,7% GRDP.
Tất cả 9 ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương, trong đó ngành vận tải kho bãi tăng cao nhất 16,24% nhờ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng phục hồi. Ngành lưu trú ăn uống tăng 6,92%; thương nghiệp tăng 5,68% và kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng trở lại ở mức 2,51% (quý 1-2023 giảm 10,1%).
Khoản thu thuế từ nhà, đất quý 1 tăng 36,9% so với cùng kỳ.
Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, bà Lê Thị Huỳnh Mai - giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM - cho biết đến hết ngày 26-3, tổng số vốn đã giải ngân là gần 2.500 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 3,1% trên tổng kế hoạch vốn giao (khoảng 79.000 tỉ).
Qua tổng hợp kế hoạch giải ngân từ các chủ đầu tư, tổng số vốn giải ngân đến hết quý 1-2024 dự kiến là 5.635 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 7,1%.
Bà Mai cho biết số vốn cần giải ngân trong các quý còn lại của kế hoạch đầu tư công năm 2024 là rất lớn, gần 74.000 tỉ đồng.
Do đó, để hoàn thành kế hoạch đề ra (giải ngân đạt từ 95% trở lên), bà Mai đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức và các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện, linh động trong bố trí, điều chỉnh kế hoạch vốn, kiên quyết cắt giảm vốn các dự án chậm tiến độ, bổ sung vốn kịp thời cho các dự án triển khai tốt.
Về thủ tục hành chính, tiếp tục rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục đầu tư để triển khai thi công dự án theo quy định. Các tổ công tác về đầu tư công của TP không chỉ nhận diện các vướng mắc, mà sẽ trực tiếp giải quyết nếu trong thẩm quyền...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận