Quốc vương Abdullah chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Muhyiddin vì dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do COVID-19 mà không xin ý kiến của ông - Ảnh: AFP
Trong tuyên bố ngày 29-7, Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad Shah thể hiện sự tức giận và cho rằng nội các của Thủ tướng Muhyiddin không xem vương pháp ra gì.
Theo quy định, việc ban bố hoặc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp quốc gia phải được đưa ra thảo luận tại quốc hội và được Quốc vương Malaysia chấp thuận mới chính thức có hiệu lực.
Quốc vương Abdullah đã chấp thuận ban bố tình trạng khẩn cấp ngày 12-1 trước sự bùng phát của dịch COVID-19. Trải qua gần 7 tháng, tình hình dịch bệnh tại Malaysia vẫn phức tạp nên có nhiều suy đoán lệnh khẩn cấp sẽ được gia hạn sau ngày 1-8 tới.
Tuy nhiên, hôm 26-7, Bộ trưởng Luật và các vấn đề Quốc hội Takiyuddin Hassan tuyên bố chính phủ sẽ không gia hạn tình trạng khẩn cấp. Ông này cũng nhấn mạnh quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp đã được đưa ra trước đó 1 tuần.
Thông tin ông Takiyuddin nêu ra khiến hoàng cung và các nghị sĩ đối lập trong quốc hội bất ngờ vì không ai được thông báo hay xin ý kiến về việc này. Một số chính trị gia đối lập phản đối việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Malaysia liên tục tăng.
Trong tuyên bố trưa 29-7, hoàng cung cáo buộc ông Takiyuddin không tôn trọng các nguyên tắc đã được nêu trong Rukun Negara. Đây là một tập hợp các nguyên tắc ứng xử đối với quốc vương và chế độ quân chủ lập hiến Malaysia.
"Vị bộ trưởng này đã không quan tâm đến các quyền và chức trách của Bệ hạ với tư cách là nguyên thủ quốc gia, như đã được nêu trong hiến pháp liên bang. Bệ hạ thực sự buồn trước tuyên bố ngày 26-7 rằng chính phủ đã thu hồi tất cả các sắc lệnh khẩn cấp do Người ban hành mà không được sự đồng ý của Người", tuyên bố có đoạn nêu rõ.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), Quốc vương Malaysia thường chỉ giữ vai trò nghi lễ và ít khi can thiệp hoặc bình luận về công việc của chính phủ. Việc Quốc vương Abdullah quở trách Thủ tướng Muhyiddin và các bộ trưởng được xem là động thái bất thường.
Thủ tướng Muhyiddin (phải) liên tục đối mặt với các yêu cầu từ chức vì cách chống dịch đang áp dụng bị cho là không hiệu quả - Ảnh: REUTERS
Nhà nghiên cứu chính trị Malaysia Wong Chin Huat nhận xét các phát ngôn của quốc vương là "trực tiếp, mạnh mẽ và không hề có ý định giữ thể diện" cho ông Muhyiddin.
Điều này càng tạo thêm áp lực cho đương kim thủ tướng, vốn đang đối mặt với những chỉ trích và yêu cầu từ chức vì chống dịch không hiệu quả.
Nhà quan sát chính trị Bridget Welsh nhận định các phát ngôn của ông Takiyuddin đang khiến chính phủ của ông Muhyiddin mất đi tính chính danh, tạo cảm giác đây là một nội các coi thường quốc vương và chế độ quân chủ lập hiến.
"Đây rõ ràng là một sự phản bội Quốc vương và đi ngược lại hiến pháp liên bang", lãnh đạo phe đối lập UMNO Ahmad Zahid Hamidi chỉ trích.
Một chính trị gia đối lập kỳ cựu khác, ông Anwar Ibrahim, tuyên bố đã nộp yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Muhyiddin và cảnh báo sẽ có chính phủ mới vì ông Muhyiddin đã mất đi sự ủng hộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận