24/01/2015 09:08 GMT+7

​Quốc vương Abdullah - nhà cải cách ở Trung Đông

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TT - Quốc vương Abdullah đã được an táng vào cuối ngày 23-1 sau lễ cầu nguyện tại cung điện Hoàng gia. Ông qua đời sáng cùng ngày ở tuổi 90.

Quốc vương Abdullah (trái) cùng Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon trong một sự kiện tại trụ sở LHQ ở New York tháng 11-2008 - Ảnh: Reuters
“Quốc vương Abdullah có nhiều đóng góp trong việc giải quyết các thử thách quốc tế cũng như khu vực trong giai đoạn hỗn loạn và nhiều thay đổi, đồng thời thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo lớn
Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon

Cả khu vực Trung Đông chắc chắn sẽ có ít nhiều thay đổi sắp tới.

Trong thông điệp chia buồn gửi đến Saudi Arabia, Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ sự thương tiếc và ca ngợi vua Abdullah là một nhà lãnh đạo quyết đoán, một người bạn của nước Mỹ. Ông Obama gọi mối quan hệ Mỹ - Saudi Arabia là “yếu tố đảm bảo sự ổn định và an ninh cho khu vực Trung Đông”.

Nhà cải cách của Trung Đông

Vua Abdullah bin Abdul Aziz al-Saud của Saudi Arabia là một nhà lãnh đạo được đánh giá có tư tưởng tiến bộ. Dưới vương triều của mình, ông đã mang lại nhiều thay đổi cho đất nước cũng như có sức ảnh hưởng rộng trong khu vực.

Khi lên ngôi năm 2005, vua Abdullah bắt tay vào giải quyết những bất ổn trong đời sống đất nước như tình trạng thất nghiệp, chênh lệch giàu nghèo, nhu cầu nhà cửa và giáo dục cho dân số trẻ...

Nhà vua thiết lập các chương trình dạy nghề để khắc phục tình trạng thất nghiệp trong lớp trẻ có trình độ, cho xây thêm trường đại học và cấp học bổng cho hàng chục ngàn sinh viên ra nước ngoài du học.

Một trong những dự án giáo dục tham vọng nhất của ông là “Đại học khoa học và kỹ thuật Abdullah” trị giá 12,5 tỉ USD. Đó là ngôi trường đúng phong cách phương Tây, nơi các học viên nam nữ có thể học chung một giảng đường.

Đây là một thay đổi rất lớn tại đất nước nơi mà một cuộc nói chuyện nhỏ giữa nam và nữ chỗ công cộng cũng có thể bị cảnh sát tôn giáo cảnh cáo.

Có nhiều cái “đầu tiên” chỉ xảy ra dưới triều đại Abdullah. Lần đầu tiên nhà vua cho phép phụ nữ giữ vị trí trong Hội đồng Shura, một cơ quan chuyên cố vấn cho nhà vua và chính phủ. Ông chỉ định nữ phó thủ tướng đầu tiên của đất nước năm 2009.

Nhà vua cho phép phụ nữ được hành nghề luật sư, ông cũng hứa sẽ trao quyền cho họ bỏ phiếu và ứng cử vào các vị trí hội đồng thành phố. Năm 2012, lần đầu tiên đất nước Saudi Arabia có hai nữ vận động viên tham gia Olympics...

Về tôn giáo, vua Abdullah gọi cách diễn giải tín ngưỡng của nhóm phiến quân Al Qaeda là biện minh cho hành động khủng bố. Nhà vua ra lệnh phải bỏ tất cả ngôn ngữ kích động trong sách vở, đồng thời bắt 900 giáo sĩ Hồi giáo phải tham gia các lớp đào tạo lại.

Ông cũng cho bắt giữ và hành hình một số phiến quân  - điều này khiến hoàng gia Saudi trở thành kẻ thù số 1 của Al Qaeda.

Dù không phải ai cũng hài lòng với cách vua Abdullah điều hành đất nước, nhưng đa số ý kiến nói những thay đổi ông mang lại có nhiều ý nghĩa đối với Saudi Arabia, quốc gia vốn có nhiều luật lệ Hồi giáo khắt khe.

Cán cân quyền lực Trung Đông lung lay?

Báo New York Times nhận xét điểm quan trọng trong đường lối đối ngoại lẫn đối nội của vua Abdullah chính là “cân bằng”: dù theo đuổi cải cách nhưng ông dè chừng các thế lực bảo thủ, dù liên minh với phương Tây nhưng ông vẫn đảm bảo lợi ích cho đất nước.

Trong các vấn đề quốc tế, vua Abdullah luôn thể hiện lập trường cứng rắn: ông gọi cuộc tấn công vào Iraq do Mỹ dẫn đầu là “chiếm đóng bất hợp pháp”; đề xuất kế hoạch hòa bình Trung Đông, kêu gọi các nước Ả Rập công nhận nhà nước Israel có điều kiện...

Saudi Arabia hiện là quốc gia Ả Rập đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) do Mỹ dẫn đầu.

Trong quan hệ khu vực, chính sách ưu tiên hàng đầu của Saudi Arabia là đối đầu với Iran - biểu tượng quyền lực của người Hồi giáo dòng Shiite tại vùng Vịnh.

Theo một điện tín ngoại giao bị tiết lộ, năm 2008 vua Abdullah từng kêu gọi Mỹ cân nhắc hành động quân sự chống lại Iran để ngăn chương trình hạt nhân của nước này.

Trả lời kênh Fox News, một cựu viên chức ngoại giao Mỹ am hiểu hoàng gia Saudi Arabia nhận xét cái chết của nhà vua Abdullah, đi đôi với sự kiện Chính phủ Yemen mới sụp đổ là “một kịch bản bất lợi nhất” cho Mỹ vì chúng tạo điều kiện cho Iran mở rộng tầm ảnh hưởng trong khu vực.

Cũng theo nhà ngoại giao này, cùng với việc Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi ra đi, sức ảnh hưởng của Tehran giờ đây đã vươn tới ít nhất bốn thủ đô của khu vực Trung Đông - đó là Sanaa của Yemen, Baghdad của Iraq, Damascus của Syria và (ở mức độ ít hơn) Beirut của Libăng.

Một số nhà phân tích cho rằng việc thái tử Salman bin Abdulaziz lên ngôi trước mắt không đặt ra vấn đề gì lớn nhưng vấn đề sức khỏe của ông, trong tương lai không xa, có thể gây ra cuộc khủng hoảng về người kế vị. Salman từng phải phẫu thuật thoát vị đĩa đệm vào năm 2010, tờ The Atlantic cho biết ông còn bị chứng giảm trí nhớ.

Chuyên gia Jane Kinninmont của Trung tâm Chatham House ở London (Anh) nói vua Salman được đánh giá là “có tư tưởng tương đối tự do”. Theo bà, tân vương Salman có thể “thực thi cách tiếp cận đổi mới nhưng vẫn trong khuôn khổ các giới hạn đã vạch ra của hoàng gia”.

Tuổi thơ dữ dội

Abdullah bin Abdul Aziz al-Saud chào đời tại Riyadh năm 1924 trong một đại gia đình đông đúc. Cha ông là Abdul Aziz có đến 22 người vợ.

Tổ tiên của Abdul Aziz là những người đi tiên phong đặt nền móng cho đất nước Saudi Arabia vào năm 1744. Ông cưới nhiều vợ một phần với mục đích củng cố liên minh với các bộ tộc Ả Rập khác.

Mẹ của Abdullah, bà Fahda bint Asi al-Shuraim, là con gái của một vị thủ lĩnh có sức ảnh hưởng đến tận đất Syria, Iraq và Jordan.

Vua Abdul Aziz là một người cha khắt khe trong việc nuôi dạy các con. Người ta nói ông từng tuyên bố: “Tôi dạy các con tôi đi chân trần, thức dậy hai tiếng trước mặt trời mọc, chỉ được ăn một ít và cưỡi trên những con ngựa không có yên cương”.

Có lần cậu bé Abdullah không thèm mời một vị khách ngồi vào chỗ của mình, Abdul Aziz đã nhốt con vào tù trong ba ngày.

Abdullah được các học giả hoàng gia dạy dỗ từ nhỏ, hoàng tử bắt buộc phải có kiến thức về tôn giáo, văn học Ả Rập và khoa học. Cậu bé học được từ những người du mục Bedouin lối sống truyền thống, nghệ thuật cưỡi ngựa và đánh trận trên sa mạc.

Năm 1962, Abdullah được phong chức chỉ huy đội vệ binh quốc gia, tổ chức có nhiệm vụ bảo vệ nhà vua và là đối trọng với quân đội.

Bốn người anh cùng cha khác mẹ của Abdullah đã lên ngôi trước khi người anh Fahd chỉ định ông là người kế vị. Dù Abdullah chỉ chính thức lên ngôi sau khi Fahd qua đời do bệnh nặng tháng 8-2005, nhưng trước đó ông đã giữ một vai trò quan trọng trong việc điều hành đất nước.

 

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên