09/05/2014 12:05 GMT+7

Quốc tế giúp tìm nữ sinh Nigeria bị bắt cóc

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Hàng loạt quốc gia đã triển khai lực lượng để hỗ trợ tìm kiếm hơn 220 nữ sinh bị tổ chức Boko Haram - được mệnh danh là Taliban của Nigeria - bắt cóc.

cdnxEAIG.jpgPhóng to
Người gốc Phi biểu tình trước Đại sứ quán Nigeria ở Washington (Mỹ) để phản đối vụ bắt cóc của Boko Haram - Ảnh: Reuters

Theo AFP, hôm qua chính phủ các nước Mỹ, Pháp và Anh đều cho biết đã triển khai các nhóm đặc nhiệm đến Nigeria để dò tìm tung tích hơn 220 nữ sinh bị Boko Haram bắt cóc ở Chibok. Washington cho biết sẽ lập một trung tâm điều phối ở Đại sứ quán Mỹ tại Abuja nhằm cung cấp thông tin tình báo về nhóm Boko Haram. Trung Quốc cũng cam kết cung cấp thông tin tình báo từ vệ tinh để hỗ trợ.

“Không thể im lặng”

Taliban của Nigeria

Theo CNN, các chuyên gia an ninh quốc tế khẳng định Boko Haram hiện là một mối đe dọa lớn đối với an ninh và ổn định của Nigeria. Thủ lĩnh hiện tại của Boko Haram là Abubakar Shekau, kẻ mới tuyên bố sẽ bán các nữ sinh “ra thị trường” vì “Hồi giáo cho phép thực hiện chế độ nô lệ”. Người tiền nhiệm của hắn là Mohammed Yusuf từng công khai bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Taliban ở Afghanistan và Pakistan. Giới chuyên gia đánh giá Boko Haram cũng học tập mọi thủ đoạn của Taliban.

Ở các nước và trên các trang mạng xã hội, làn sóng biểu tình phản đối vụ bắt cóc tiếp tục lan rộng.

Mới đây, đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cũng gửi thông điệp lên trang mạng Twitter: “Chúng tôi cầu nguyện cho các nữ sinh Nigeria bị bắt cóc và gia đình họ. Giờ là lúc phải đưa các cô gái của chúng ta trở về”.

Hôm qua, biểu tượng nữ quyền Pakistan Malala Yousafzai - cô gái từng bị Taliban mưu sát - khẳng định thế giới phải hành động để giải cứu các nữ sinh Nigeria. “Nếu chúng ta tiếp tục giữ im lặng, hành động khủng bố đó sẽ lan rộng và liên tục lặp lại” - Malala cảnh báo.

Cô gửi thông điệp tới các nạn nhân Nigeria: “Chúng ta đều là chị em. Đừng bao giờ đánh mất hi vọng vì tất cả chúng tôi đều sẽ hành động vì các bạn”. Malala cũng cho rằng Boko Haram cần phải học lại các nguyên lý của đạo Hồi.

Đến nay, hàng trăm ngàn người đã ký vào bản kiến nghị ở trang web www.change.org để kêu gọi giải cứu các nữ sinh.

Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Nigeria và các nước châu Phi khác không hành động nhanh để giải cứu các nữ sinh.

Theo báo New York Times, thậm chí một số trang web mà phiến quân Hồi giáo Taliban và Al-Qaeda ở Afghanistan và Pakistan thường sử dụng cũng đăng tải các thông điệp phản đối hành động của Boko Haram.

Bất chấp làn sóng phản đối, tổ chức Boko Haram vẫn không tỏ dấu hiệu lùi bước. Tuần trước, nhóm này bắt cóc thêm 11 bé gái 12-15 tuổi ở vùng Gwoza, không xa Chibok.

Hôm 7-5, Boko Haram còn mở cuộc tấn công đẫm máu vào làng Gamboru Ngala - nơi quân đội Nigeria lập một căn cứ để tìm kiếm các nữ sinh.

Chúng tung tin đồn phát hiện dấu vết của các nữ sinh ở một địa điểm gần đó, dụ lực lượng Nigeria triển khai quân đi tìm rồi ập vào ngôi làng.

Nổi tiếng bạo lực

Các nhân chứng kể hàng chục tay súng cầm AK-47 và súng phóng lựu đã xả đạn bừa bãi vào làng, đốt cháy các ngôi nhà và hô vang: “Thượng đế vĩ đại”.

Số binh sĩ Nigeria ít ỏi còn ở trong làng đã phải bỏ chạy sang biên giới Cameroon. Nhà chức trách Nigeria cho biết sau cuộc thảm sát kéo dài 12 giờ, ít nhất 336 người đã bị sát hại, hàng trăm ngôi nhà và xe hơi bị đốt cháy.

Trước vụ bắt cóc tập thể gần đây, Boko Haram đã khét tiếng với những màn giết chóc cả người Thiên Chúa giáo và Hồi giáo ở miền bắc Nigeria, đánh bom các nhà thờ Thiên Chúa giáo và tấn công liều chết tại thủ đô Abuja, bao gồm vụ đánh bom xe trụ sở Liên Hiệp Quốc tại đây năm 2011.

Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) ước tính trong ba tháng đầu năm 2014, Boko Haram đã sát hại hơn 1.500 người. Trước đây, Boko Haram đã bắt cóc nhiều du khách và người lao động châu Âu tại Nigeria.

Năm 2013, nhóm này đã nhận được hơn 3 triệu USD tiền chuộc sau khi trả tự do cho một gia đình người Pháp bị bắt cóc ở Cameroon.

Boko Haram thường chiêu mộ thành viên ở các trường Hồi giáo. Đối tượng được nhắm đến là thanh niên trẻ, nhà nghèo, dễ dàng bị vũ khí và tiền bạc thu hút.

Thủ lĩnh Boko Haram là Abubakar Shekau từng thề trung thành với Al-Qaeda. Các nhà phân tích cho biết Boko Haram có tham vọng hoạt động vượt ra bên ngoài lãnh thổ Nigeria.

Chúng đã thiết lập quan hệ với các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Mali và Niger cũng như nhóm khủng bố AQIM ở Somalia.

Giới chuyên gia quốc tế cảnh báo Boko Haram có thể làm suy kiệt nguồn lực của chính quyền Nigeria, hủy hoại uy tín của quốc gia này trên trường quốc tế và biến nhiều khu vực ở miền bắc nước này thành những vùng hỗn loạn, vô chính phủ.

Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) nhận định chính quyền Nigeria sẽ khó lòng dẹp được Boko Haram trừ khi thực hiện các chính sách chống tham nhũng, kích thích phát triển ở miền bắc.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên