TTCT - Với nền sản xuất lúa gạo lâu đời và là một nước xuất khẩu gạo hầu như không gián đoạn suốt gần 2 thế kỷ, không phải ngẫu nhiên mà Thái Lan đứng đầu thế giới một thời gian dài về giá trị xuất khẩu lúa gạo. Thái Lan bắt đầu xuất khẩu gạo chính thức từ năm 1851, khi vua Rama IV dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ngay sau khi đăng quang. Trước đó Thái Lan cũng có bán gạo sang các nước láng giềng rồi, bao gồm Trung Quốc và các khu định cư thuộc Anh trên bán đảo Mã Lai, nhưng xuất khẩu gạo ở quy mô chính thức vì lý do thuần túy lợi nhuận chỉ bắt đầu sau khi giới lãnh đạo đất nước nhận thức được sức mạnh của các nước phương Tây lúc bấy giờ đang bành trướng mạnh mẽ cùng chủ nghĩa thực dân ở châu Á.Quyết định của Rama IV là một thông điệp với phương Tây rằng Thái Lan sẵn sàng xem xét lại chính sách thương mại của họ, cởi mở hơn, và là một phần lý do giúp nước này thoát ách đô hộ nước ngoài trong thời kỳ thực dân. Quốc sáchNhắc lại lịch sử để thấy rằng ngay từ đầu, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo đã là một chính sách có tầm vóc quốc gia ở Thái Lan. Thật vậy, đó đã luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với nhà lãnh đạo cao nhất trên thực tế - và sau này trên danh nghĩa - ở Thái Lan: nhà vua. Rama V, tức vị vua lừng lẫy Chulalongkorn, ông cố nội của nhà vua Thái Lan hiện giờ, được tôn xưng là “Người cha của những cải cách ngành lúa gạo Thái Lan”.Vua Bhumibol Adulyadej (bên phải) và tình yêu cho lúa gạo Thái Lan khiến ông được người dân biết ơn và yêu mến. (Ảnh: phuketlinguaplus.com)Ông đã khởi động một chương trình cải cách lớn với sản xuất và phát triển hạ tầng phục vụ ngành lúa gạo. Trong thời gian cai trị dài của mình, 1868 - 1910, vua Chulalongkorn đã cho thành lập Bộ Nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất và cải thiện chất lượng gạo, xây dựng những hệ thống thủy lợi mới, cơ giới hóa đồng ruộng, lập trường nông nghiệp và khoa nông học ở các đại học, cử đoàn ra nước ngoài học tập, cũng như hỗ trợ thương mại.Cháu nội ông, nhà vua quá cố Bhumibol Adulyadej, được Thái Lan vinh danh là “Người cha của nghiên cứu và phát triển gạo” bởi những đóng góp to lớn của ông vào phương pháp canh tác, quản trị sản xuất, ứng dụng công nghệ, giảm bớt tác động của thiên tai...Ngay trong cung điện của mình, điện Chitralada, nhà vua đã cho lập một trung tâm nghiên cứu giống gạo và hỗ trợ tiền bạc hằng năm cho nhiều tổ chức nghiên cứu về gạo, bao gồm Quỹ gạo Thái Lan, Viện Nghiên cứu gạo quốc tế.Đích thân ông đã có vô số chuyến thăm tới khắp các vùng sản xuất gạo trên cả nước, gặp gỡ và lắng nghe người nông dân. “Chính sách của hoàng gia duy trì nghề sản xuất gạo là truyền thống mang tính di sản của Thái Lan và là nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước” - tờ Phuket News của Thái Lan viết nhân dịp kỷ niệm giỗ đầu của vua Bhumibol vào tháng 10-2017.Chuỗi giá trịSản xuất lúa gạo và chuỗi giá trị của ngành này đã thay đổi mạnh khắp châu Á từ những năm 1990, nhưng Thái Lan có sự khác biệt. Bắt đầu từ nông trại, “chuỗi giá trị lúa gạo của Thái Lan là một tập hợp các dòng chảy hơn là một chuỗi tổng hợp mọi loại lúa gạo duy nhất, như ở các nước khác” - tác giả Benjavan Rerkasem của Đại học Chiang Mai viết trong nghiên cứu năm 2017: “Chuỗi giá trị lúa gạo: Nghiên cứu tình huống với Thái Lan”.Theo đó, ở Thái Lan, các loại và thứ hạng gạo được giữ tách biệt qua suốt chuỗi giá trị, bắt đầu từ khi sản xuất, rồi qua quá trình chế biến, lưu kho, tiếp thị, đến khi đến với những nhóm người tiêu dùng khác nhau.Khi sản xuất, người nông dân Thái Lan có nhiều lựa chọn, với sự hỗ trợ từ các quỹ nhà nước, xã hội, các chương trình giống gạo cả nhà nước và tư nhân..., để hoặc trồng loại lúa truyền thống chất lượng cao nhưng năng suất thấp hơn, hoặc chọn loại có năng suất cao, đại trà, tùy vào tình hình thời tiết, thổ nhưỡng và điều kiện kinh tế của họ.Trong giai đoạn thứ hai, gạo thu hoạch từ các cánh đồng khác nhau được phân thành những thương hiệu khác nhau trong chuỗi giá trị, rồi những loại gạo khác biệt về chủng loại và đẳng cấp được chế biến, lưu kho, và tiếp thị riêng rẽ. Khi bán ra thị trường cũng vậy, và tất cả những điều này sẽ phát tín hiệu cho người nông dân giữ nguyên hoặc thay đổi lựa chọn sản xuất của họ trong vụ mùa tiếp theo.Lấy ví dụ, phần lớn gạo nếp ở Thái Lan, có sản lượng 5-7 triệu tấn/năm, được tiêu thụ trong nước, chủ yếu là ở miền Bắc và Đông Bắc, nơi nó là loại gạo được sử dụng hằng ngày, và để nấu các món xôi ở vùng còn lại trong nước; chỉ 2-5% gạo nếp là được xuất khẩu.Gạo đồ (parboiled rice, tức gạo thu được sau khi xử lý thóc bằng cách ngâm nước nóng hoặc sấy hơi nước, phơi khô, rồi mới xay xát, đánh bóng...), trong khi đó, hoàn toàn dành cho xuất khẩu. Loại gạo này hầu như không được biết tới ở Thái Lan, trừ với dân trong ngành.Gạo xuất khẩu cũng được phân biệt: các loại gạo khác nhau dành cho những thị trường khác nhau. Loại gạo hương lài cao cấp của Thái Lan, Hom Mali, chủ yếu chỉ dành cho các thị trường Mỹ, Trung Quốc và Hong Kong. Gạo trắng, loại phổ thông và giá thấp hơn, được xuất sang các nước châu Á khác và sang châu Phi.Trong khi đó, 84% gạo đồ xuất khẩu trong năm 2016 chỉ là sang 5 nước: Benin, Nam Phi, Nigeria, Yemen và Cameroon. Trong khi đó, Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai của gạo Thái Lan trong năm 2016 - không hề nhập gạo đồ mà chỉ nhập gạo trắng (72%) và Hom Mali (28%).Các số liệu được tập hợp tốt (xin xem trang của Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA): http://www.thairiceexporters.or.th/default_eng.htm) giúp những nhà xuất khẩu Thái Lan hiểu và đáp ứng được nhu cầu của từng thị trường đặc thù, qua đó nâng cao sức cạnh tranh và giá bán của gạo Thái, giúp định hướng một phần, thay vì chỉ chạy theo thị trường. Tới lượt mình, điều đó phát đi tín hiệu để người sản xuất lúa gạo điều chỉnh theo ở các vụ mùa sắp tới.Hàng loạt bước cải cách gần đây ở giai đoạn hai và ba của quá trình sản xuất - chế biến - bán hàng cũng đã giúp các loại gạo có tính vùng miền, sản lượng hạn chế của Thái Lan thương mại hóa tốt hơn.Điều này bao gồm phát triển các xưởng xay xát quy mô nhỏ và trung bình chế biến 0,5 - 20 tấn lúa một ngày, việc đóng gói và gắn thương hiệu ngay tại xưởng xay xát để đưa thẳng ra các cửa hàng bán lẻ, và một số trường hợp cả để xuất khẩu. Sự tham gia trực tiếp của người nông dân vào thị trường bán lẻ gạo xát đã giúp rút ngắn chuỗi giá trị và cho tới rất gần đây, mạng xã hội bắt đầu được sử dụng trong việc mua bán gạo.Trường hợp Hom MaliNhững cải cách đó đã giúp người nông dân, các cộng đồng nông nghiệp, và doanh nghiệp, hưởng lợi nhiều hơn từ việc sản xuất các loại gạo đặc sản, như gạo hữu cơ, gạo Nhật, và loại gạo mà người Thái vẫn luôn tự hào: Hom Mali, tức gạo thơm hương lài.Gạo Hom Mali của Thái LanDù tổng sản lượng gạo Hom Mali hữu cơ có chứng chỉ là rất nhỏ, chỉ khoảng 0,1% tổng sản lượng cả nước vào năm 2016, 37 cộng đồng nông dân ở vùng Đông Bắc và Bắc đất nước có lợi nhuận lớn từ việc sản xuất loại gạo đặc sản này do người sản xuất tham gia sâu vào giai đoạn hai và ba của chuỗi giá trị.Khoảng 5.000 nông hộ ở miền Bắc Thái Lan cũng sản xuất gạo Nhật theo cách tương tự, với thị trường rất ngách: cộng đồng những người Nhật Bản làm việc ở Thái Lan và các nhà hàng Nhật ở những đô thị lớn trong nước.Chính quyền Thái Lan đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thương hiệu gạo Hom Mali, thông qua các pháp nhân tại địa phương đăng ký bản quyền cho thương hiệu này ở hầu hết các thị trường xuất khẩu quan trọng (tính tới năm 2002, thương hiệu Hom Mali đã được đăng ký bản quyền ở 55 quốc gia), thông qua các đạo luật quy định tỉ mỉ và rõ ràng các tiêu chí để gạo được xếp loại Hom Mali, cũng như tổ chức các sự kiện để quảng bá thương hiệu này.Trong một sự kiện như thế, ở Hội nghị lúa gạo thế giới 2017, Hom Mali được chính thức tuyên bố là loại gạo ngon nhất thế giới, với các giám khảo là các đầu bếp danh giá, theo Bangkok Post tháng 11-2017.Để hiểu được tầm quan trọng và giá trị của các sự kiện như thế này, chỉ cần thực hiện một so sánh nhỏ: theo TREA, giá gạo Hom Mali tháng 3-2019 là vào khoảng 1.140 USD/tấn, trong khi đó giá gạo hương lài đặc sản của Việt Nam là khoảng 480 USD/tấn.■ Tags: Gạo Thái LanChuỗi giá trị gạoVua Rama IVNgười cha của những cải cách ngành lúa gạo Thái Lan
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.