18/08/2006 22:50 GMT+7

Quốc lộ 80 - con đường đau khổ

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống (Đồng Tháp) được đầu tư nâng cấp từ nhiều năm nay. Thế nhưng dự án hiện đang bị... treo! Con đường lẽ ra được nâng cấp trở thành con đường... đau khổ.

YO7rYudW.jpgPhóng to

Quốc lộ 80 những đoạn chưa thi công đang hư hỏng trầm trọng - Ảnh: Đức Vịnh

TT - Quốc lộ 80 đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống (Đồng Tháp) được đầu tư nâng cấp từ nhiều năm nay. Thế nhưng dự án hiện đang bị... treo! Con đường lẽ ra được nâng cấp trở thành con đường... đau khổ.

Một trăm cây... chuối một giờ (!)

Nhiều chặng mới rải đá cấp phối một bên, mặt đường lởm chởm đá dăm, đầy ổ vũng loang lổ. Xe cộ nối đuôi nhích chậm rãi, lắc lư... Mùa mưa thì bùn đất tung tóe, mùa khô thì bụi bặm mù trời.

Người dân sống dọc hai bên đường than thở: "Cảnh nắng bụi mưa bùn này đã gần hai năm nay! Lắm bữa ăn cơm "phải giăng mùng”. Chỉ những đụn đá lù lù như voi phục giữa lòng đường, ông Lê Công Hoàng - ấp An Thạnh, xã An Nhơn, Châu Thành - nói: "Nó nằm đống hàng tháng trời rồi. Ban đêm không chỉ xe hai bánh mà cả... ôtô cũng đâm sầm vào. Tai nạn cứ... lai rai hoài!”.

Dự án cải tạo nâng cấp QL 80 đoạn Mỹ Thuận - Vàm Cống (dài 49km, vốn đầu tư 600 tỉ đồng) gồm 7 gói thầu về đường và năm gói về cầu (tổng số 28 cầu) do Ban quản lý các dự án giao thông 9 làm chủ đầu tư, được Bộ GTVT phê duyệt ngày 16-11-2001. Trong đó mới có ba gói thầu về đường và một gói về cầu triển khai thi công từ tháng 10-2004, hai gói thầu về đường khác khởi công từ tháng 3-2005.

Đến nay sau hai năm, về đường phần lớn chỉ mới làm xong nền móng, đang rải đá dăm và mới thảm bêtông nhựa được một vài kilômet! Mặt đường lởm chởm đá, loang lổ ổ trâu nên các phương tiện lớn nhỏ qua lại đều phải... bò, phải lách tránh liên tục. "Chỉ hơn 40 cây số mà chạy mất hơn 3 giờ. Hành khách, lái xe đều rêm cả người!” - cánh tài xế xe đò ngao ngán.

Anh Nguyễn Thanh Dũng, tài xế xe tải của Công ty Agifish thường ngày chở hàng qua con đường này, kể khổ: “Ngồi trong cabin mà bị dằn xóc tung cả người!. Chuyện xe khách bị gãy nhíp, bị bể bánh, hư vỏ xe thì thường xuyên”.

Đường đã thế còn cầu cũng không thua kém. Ông Nguyễn Văn Hòa, nhà gần cầu Chín Ngươn (Bình Phú, Lấp Vò), bực bội: “Xe chạy qua, cầu rung giật rầm rầm, cứ tưởng sập tới nơi”.

Còn cánh tài xế xe tải kể: "Mỗi lần qua cầu thiếu đường nín thở. Cứ sợ mấy "cụ" cầu già này đổ sụm xuống!”. Do cầu đường qua lại quá nhiêu khê, nhiều xe tải, xe khách phải vòng sang ngả tỉnh lộ 848, qua phà Cao Lãnh rồi theo tỉnh lộ 942, tỉnh lộ 941, qua phà An Hòa (An Giang) để về TP.HCM...

Các tuyến tỉnh lộ này do đó cũng đang trong tình trạng xuống cấp. Một số xe tải về An Giang, Kiên Giang và một số huyện phía trên của Cần Thơ thường chịu khó "bò” tới Lai Vung rồi theo quốc lộ 54 về Vàm Cống.

Con đường... đau khổ nhưng cánh tài xế còn đau khổ hơn. Họ than vãn: "Công ty khoán nhiên liệu, trong khi xe phải bò... một trăm cây chuối một giờ trên mặt đường thế này làm nhiên liệu tốn gần gấp đôi. Chúng tôi phải đắp tiền lương vào”.

Ông Trần Văn Lợi, chánh văn phòng UBND thị xã Sa Đéc, cũng chỉ biết thở dài: "Cảnh nắng bụi mưa bùn kéo dài đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc sinh hoạt, làm ăn của người dân. Thiệt hại kinh tế không thể nào tính được”.

Nhà thầu tháo chạy

Dự án hiện đang vướng khâu giải phóng mặt bằng. Có 2.971 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 277 hộ bị giải tỏa trắng cần bố trí tái định cư.

Kinh phí bồi hoàn ban đầu dự toán chỉ 64 tỉ đồng, nay do điều chỉnh chính sách, khung giá theo Luật đất đai mới đã nhảy lên 120 tỉ đồng! Tuy vậy, trên đoạn đã thi công hiện vẫn còn 12 hộ khiếu nại không chịu nhận đền bù. Vấn đề này đang chờ tỉnh Đồng Tháp giải quyết.

Với sáu gói thầu đã triển khai, tiến độ thi công theo hợp đồng là đến tháng 6, tháng 7-2006 thì hoàn tất. Nhưng đến nay đã tháng 8-2006 mà khối lượng công trình vẫn còn khá lớn, thậm chí hiện nhiều đơn vị trúng thầu đang... án binh bất động, cho phương tiện nằm đống.

Riêng gói thầu số 3, cầu Cái Gia Lớn mới làm hai trụ cầu, đắp đất làm đường dẫn rồi... để đó. Còn cầu Cái Tàu, đơn vị trúng thầu chưa khởi công đã... tháo chạy. Sáu gói thầu còn lại hiện chưa... nhúc nhích gì, dự kiến tổ chức đấu thầu vào tháng chín và cuối năm nay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Khắc Quân - phó tổng giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông 9 - nhìn nhận: "Đúng là quá chậm”.

Một số đơn vị thi công cho biết giá nhựa đường từ 3.700 đồng vọt lên 8.000 đồng/kg; nhiên liệu, mọi vật tư, chi phí khác đều tăng 30% so với giá thầu cũng đã ảnh hưởng đến khả năng thi công của họ. Ngoài ra, khâu thiết kế tư vấn lập hồ sơ chậm, chưa chính xác phải làm đi làm lại nhiều lần và nhà thầu chưa thực hiện đúng kế hoạch cũng làm chậm tiến độ.

Vướng mắc nhất hiện nay, theo ông Quân, là do giá các loại nhiên liệu, vật tư, nhân công... đều tăng cao nhưng Chính phủ chưa cho phép điều chỉnh giá nên các nhà thầu không thể thi công, bởi họ đều đang nợ ngân hàng. "Tình cảnh các nhà thầu đang rất khó khăn. Chúng tôi cũng đang chờ Chính phủ, nếu không cũng khó đẩy nhanh tiến độ" - ông Quân nói.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên