Đây là nội dung được bổ sung đột xuất, bởi chương trình nghị sự kỳ họp thứ 2 của Quốc hội được Quốc hội thông qua ngày 20-10 không có nội dung xem xét tờ trình của Chính phủ về việc dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2009, dự án điện hạt nhân Ninh Thuận dự kiến có hai nhà máy với công suất trên 4.000 MW, phù hợp với công nghệ và thế hệ lò được chọn.
Thời điểm đó, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 dự kiến được khởi công vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Tuy vậy, thời điểm khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 phải lùi lại nhiều lần, lý do được nêu nhiều nhất là các yếu tố liên quan đến đảm bảo an toàn, an ninh.
Nay, việc dừng dự án này sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định.
Cách đây hơn một tháng, ngày 3-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo một số bộ và Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN về các giải pháp cân đối nguồn điện, đảm bảo đủ điện phục vụ nhu cầu phát triển đất nước trước mắt và dài hạn.
Thủ tướng lưu ý tốc độ tăng nhu cầu điện rất nhanh, đặc biệt là khu vực phía Nam. Nếu không giải quyết tốt nhu cầu này sẽ dẫn đến thiếu điện nghiêm trọng ngay trong năm 2018. Ông yêu cầu các cơ quan chức năng phải bàn các giải pháp, kể cả việc xây dựng nhà máy nhiệt điện, thủy điện, năng lượng tái tạo và cũng phải đặt vấn đề mua điện của láng giềng như Lào, đảm bảo đủ điện cho đất nước.
“Các đồng chí đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng thiếu điện ở miền Nam đối với năm 2018, 2019 một cách hiệu quả nhất và một số giải pháp khác đến 2021 - 2030 để hiệu chỉnh Sơ đồ Quy hoạch điện 7 hợp lý, không gây ra thiếu điện” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận