15/03/2015 10:10 GMT+7

​Quốc hội trẻ: Để có trách nhiệm với bản thân và đất nước

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Phiên họp toàn thể của Quốc hội trẻ thảo luận về giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, do sinh viên của nhiều trường ĐH tại Hà Nội “đóng vai” các nghị sĩ diễn ra sáng 13-3.

Những cánh tay của các “nghị sĩ trẻ” trong giờ biểu quyết - Ảnh: V.Hà
Đây là cơ hội cho việc hình thành, rèn luyện các kỹ năng trình bày, phản biện, nâng ý thức về quyền của mình để tham gia cuộc sống một cách tích cực nhất. Bởi vậy, phiên họp Quốc hội trẻ không nên bám sát kịch bản quá mà chỉ nên dựa vào sự chuẩn bị của mình để thuyết trình, lắng nghe, tranh luận thật sự. Nếu làm được như vậy các em sinh viên sẽ có những hiểu biết, kỹ năng nhanh hơn, hình thành thói quen bày tỏ suy nghĩ, quan điểm, khả năng thuyết phục người khác - điều vốn là điểm yếu của nhiều người trẻ hiện nay
Nhà sử học DƯƠNG TRUNG QUỐC

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác “Quốc hội trẻ Việt Nam” giữa Văn phòng Quốc hội, Đại sứ quán Anh, Vụ Thông tin và thư viện - Văn phòng Quốc hội.

Cơ hội cho nhiều suy ngẫm

Tuy chỉ là phiên họp giả định nhưng đây là cơ hội thật sự tốt cho nhiều bạn trẻ biết về trình tự xây dựng, ban hành những quy định pháp luật; vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc hoạch định chính sách liên quan tới đời sống xã hội, có ý thức trách nhiệm với bản thân và với những vấn đề đang diễn ra trong đời sống.

Phiên họp giả định về một vấn đề gần với sinh viên là điều rất nhiều sinh viên năm cuối quan tâm. Phùng Quốc Dân, sinh viên khoa luật Viện ĐH Mở Hà Nội, cho biết: “Dù kịch bản đã được định trước với sự hướng dẫn của các anh chị trong dự án, nhưng những “đại biểu” được chỉ định đóng vai cũng buộc phải đọc, nghiên cứu tài liệu những vấn đề liên quan tới kỳ họp Quốc hội, các chính sách hiện có liên quan tới sinh viên, khuyến khích người trẻ tài năng, hỗ trợ sinh viên nghèo vay vốn học tập, làm việc; các chính sách liên quan tới tuyển dụng lao động; những bất cập như tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo...”.

Theo Phùng Quốc Dân, để được tham gia phiên họp mô phỏng như phiên họp Quốc hội thật trong vai các nghị sĩ, sinh viên trường bạn phải qua thi tuyển với các bài viết thể hiện sự hiểu biết về vai trò của Quốc hội, những vấn đề về đời sống xã hội và bài thi tiếng Anh.

Còn Nguyễn Thị Yến, sinh viên khoa quản lý nhà nước Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết những “nghị sĩ trẻ” được chọn từ các khoa như luật, quản lý nhà nước, có thành tích học tập tốt, gương mẫu, tham gia các hoạt động xã hội và đặc biệt có khả năng thuyết phục, có giọng nói tốt...

Với những sinh viên trong tương lai có thể làm những nghề liên quan tới hoạch định chính sách pháp luật, quản lý nhà nước thì việc cọ xát, làm quen với hoạt động nghị trường cũng là một cơ hội học tập.

Theo một số sinh viên, các bạn đều có sự chuẩn bị trước bằng văn bản. Những tình huống phản biện, tranh luận, xuất hiện các ý kiến trái chiều đều là kịch bản được dựng sẵn, nhưng nội dung vấn đề nêu ra là suy nghĩ, tìm hiểu thật của các bạn với sự hỗ trợ, giúp đỡ của bộ phận triển khai dự án.

Chu Đình Linh, một “nghị sĩ trẻ”, đề cập những con số người trẻ qua đào tạo thất nghiệp rất nhiều, đáng là điều phải suy ngẫm. Tại sao thất nghiệp mà chỉ tiêu đào tạo vẫn tăng, tại sao qua đào tạo mà thị trường lao động không chấp nhận, các đơn vị tuyển dụng phải đào tạo lại?

Ở đây có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, của các cơ sở đào tạo và người học. Nhiều bất cập cần phải khắc phục để tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở tuyển dụng với cơ sở đào tạo và người học...

Một số “nghị sĩ” khác cũng đề cập vấn đề cử tuyển và sử dụng sinh viên tốt nghiệp trong diện cử tuyển thế nào, để bổ sung nhân lực chất lượng cao cho các vùng khó, vấn đề hỗ trợ cho vay vốn, miễn học phí cho sinh viên nghèo, tăng cường các giải pháp phân luồng, định hướng nghề nghiệp để giảm tình trạng sinh viên ra trường làm trái ngành nghề...

Ngoài ra các bạn sinh viên cũng mạnh dạn đề cập trách nhiệm của các bộ, ngành cần được quy định cụ thể để hạn chế việc né tránh trách nhiệm, đẩy mạnh việc đề xuất những giải pháp cụ thể, sát thực hơn...

Cần đi từ đóng vai tới làm thật

Phiên họp của Quốc hội trẻ, theo quan sát của nhà sử học Dương Trung Quốc - đại biểu Quốc hội nhiều khóa - thì “các em đã làm như thật, rất chuẩn”. Nhưng theo ông, “chuẩn quá, trung thành với kịch bản quá thành ra không hay!”.

Đúng như ông Dương Trung Quốc nhận xét, phiên họp của Quốc hội trẻ sẽ không phải là một “vở kịch” nếu như các bạn trẻ có thể đưa được nhiều hơn suy nghĩ thật, tranh luận thật, đề xuất thật sự của các bạn vào phiên họp, để cùng hướng đến một mục đích có ý nghĩa hơn việc “trình diễn”.

Đó là sự phản ảnh, kiến nghị có giá trị, như một “kênh” thông tin cho các nhà hoạch định chính sách tham khảo. Sự phản biện, cọ xát, lắng nghe và thuyết phục lẫn nhau một cách thật sự trên diễn đàn Quốc hội trẻ cũng là một cơ hội tốt để thế hệ trẻ nuôi dưỡng, duy trì khả năng, phẩm chất cần có đối với những công dân trong xã hội đang có nhiều biến động và hội nhập sâu.

Đây cũng là điều mà ông Nguyễn Sỹ Dũng, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tâm đắc và mong muốn Quốc hội trẻ có sự vượt lên xa hơn những gì đang thí điểm. Để những phiên họp tương tự không chỉ là diễn, không chỉ là mô phỏng y như thật phiên họp Quốc hội mà là diễn đàn thật sự của những người trẻ góp phần xây dựng những nghị quyết, chính sách cho người trẻ nói riêng và với đời sống xã hội nói chung.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên