Sáng 27-6, với 447/454 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ. Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Nhiều quy định mới về đường cao tốc
Luật được Quốc hội thông qua đã dành riêng một chương với nhiều quy định mới liên quan đến đường cao tốc.
Theo quy định, đường cao tốc là một cấp kỹ thuật của đường bộ, chỉ dành cho một số loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông; có dải phân cách phân chia 2 chiều xe chạy riêng biệt, không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác.
Chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định; có hàng rào bảo vệ, trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình.
Đường cao tốc được thiết kế theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan.
Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong khảo sát, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì đường cao tốc bảo đảm khoa học kỹ thuật hiện đại, số hóa, phát triển bền vững, giao thông xanh.
Đường cao tốc được đầu tư, xây dựng phù hợp với quy hoạch và đồng bộ các công trình sau: đường gom hoặc đường bên.
Trung tâm quản lý, vận hành giao thông tuyến đường cao tốc; trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu tiền sử dụng đường bộ; công trình kiểm soát tải trọng xe.
Theo luật mới được thông qua, căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng nguồn lực đầu tư và quy hoạch, cấp quyết định chủ trương đầu tư quyết định việc phân kỳ đầu tư, xác định việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy mô làn xe quy hoạch hoặc tiến độ dự án được xác định trong quyết định chủ trương đầu tư.
Cũng theo luật này, Nhà nước thu phí sử dụng đường cao tốc đối với 2 trường hợp.
Thứ nhất là đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo hình thức đầu tư công. Thứ hai là đường cao tốc được đầu tư theo các hình thức khác khi kết thúc hợp đồng, chuyển giao cho Nhà nước.
Trạm dừng nghỉ được xây dựng thế nào?
Luật cũng dành riêng một điều quy định về trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe, đồng thời giao Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết một số nội dung liên quan.
Cụ thể, trạm dừng nghỉ trên đường được xây dựng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành và tiêu chuẩn kỹ thuật do cấp có thẩm quyền công bố.
Trạm dừng nghỉ có mục đích phục vụ khai thác đồng bộ với công trình đường cao tốc, cung cấp các dịch vụ cho người tham gia giao thông đường bộ, hỗ trợ công tác cứu nạn, cứu hộ, sửa chữa, cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trường hợp dự án đường cao tốc được đầu tư theo hình thức đầu tư công, trạm dừng nghỉ được đầu tư cùng với dự án theo hình thức đầu tư công hoặc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Đối với dự án đường cao tốc được đầu tư theo phương thức đối tác công tư, trạm dừng nghỉ được đầu tư xây dựng cùng với dự án.
Riêng với công trình trạm dừng nghỉ sẵn có là tài sản công, Nhà nước lựa chọn nhà đầu tư vận hành, khai thác hoặc nâng cấp, mở rộng, cải tạo, hiện đại hóa, vận hành, khai thác theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hoặc kết hợp thực hiện trong dự án đường bộ cao tốc theo phương thức đối tác công tư.
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ nhu cầu sử dụng dịch vụ, tính chất dự án, cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định đầu tư điểm dừng xe, đỗ xe để phục vụ người tham gia giao thông đường bộ trên đường cao tốc.
Vị trí, quy mô trạm dừng nghỉ, điểm dừng xe, đỗ xe được xác định khi lập dự án, thiết kế xây dựng.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ quy định về phí giao thông nội đô không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật và cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chưa quy định nội dung này trong dự luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận