24/05/2008 09:45 GMT+7

Quốc hội thảo luận Luật thi hành án dân sự: Đề nghị gắn tòa án với thi hành án

TRẦN LỆ THÙY
TRẦN LỆ THÙY

TT - Báo cáo tại Quốc hội đưa ra con số giật mình: có tới 300.000 bản án, chiếm 50% án, không thi hành được. "Thi hành án là khâu quan trọng nhất, nhưng lại là khâu yếu nhất trong hoạt động tư pháp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các bản án, quyết định của tòa án" - đại biểu Trần Văn Tấn, Tiền Giang nói tại cuộc thảo luận về Luật thi hành án dân sự ngày 23-5.

HLUCpj2g.jpgPhóng to
Một vụ thi hành án. Ảnh: C.M.
TT - Báo cáo tại Quốc hội đưa ra con số giật mình: có tới 300.000 bản án, chiếm 50% án, không thi hành được. "Thi hành án là khâu quan trọng nhất, nhưng lại là khâu yếu nhất trong hoạt động tư pháp, làm giảm hiệu lực, hiệu quả các bản án, quyết định của tòa án" - đại biểu Trần Văn Tấn, Tiền Giang nói tại cuộc thảo luận về Luật thi hành án dân sự ngày 23-5.

Lý do chính là vị trí của cơ quan thi hành án "lửng lơ”, "lưỡng tính" giữa hành chính và tư pháp. 15 năm qua, Chính phủ vẫn loay hoay khẳng định địa vị pháp lý của cơ quan thi hành án.

Chính quyền không mặn, bộ thì quá xa

Nhiều nguyên nhân không thể thi hành án

Đại biểu Phạm Xuân Thường nói nguyên nhân của việc không thi hành án còn do bản án thiếu thuyết phục. Án dân sự trong hình sự chiếm tới 47% tổng số lượng án, trong đó có tới 65,3% không có điều kiện thi hành. Nguyên nhân của việc không thi hành được ở loại án này chủ yếu là do người thi hành không có tài sản, đó là hầu hết các vụ án xâm phạm tài sản như cướp, trộm cắp, cướp giật đều do người nghiện ma túy gây ra. Loại án này trên thực tế không thể thi hành được.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng, Bình Định nói chính sự bất cập này đã dẫn đến cơ quan thi hành án trong thời gian qua đã bị đặt ra ngoài hệ thống cơ quan tư pháp và cũng đặt ra ngoài cơ quan hành chính các cấp dẫn đến không gánh được trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Nhiều biên bản của Bộ Tư pháp chỉ giao nhiệm vụ cho sở tư pháp làm giùm chức năng theo dõi các hoạt động của cơ quan tư pháp đối với cơ quan thi hành án. Vai trò của sở tư pháp trong quản lý cơ quan thi hành án hết sức mờ nhạt. Trong thời gian vừa qua, có nhiều cơ quan thi hành án phớt lờ sự lãnh đạo của giám đốc sở tư pháp và dẫn đến có những vấn đề xung đột trong việc điều hành công tác thi hành án.

Đại biểu Hồ Quốc Dũng đề nghị giao lại thi hành án cho tòa án, tránh tình trạng cắt khúc, tách rời hoạt động xét xử và thi hành án, gắn trách nhiệm của các thẩm phán với bản án họ tuyên. Nhiều bản án tuyên không rõ, không thi hành, tài sản thì bị tẩu tán ngay trong giai đoạn xét xử nhưng không được xem xét, qui kết trách nhiệm rõ ràng. Theo báo cáo, cơ quan thi hành án đề nghị tòa án giải thích hàng ngàn bản án đến 3, 4, 5 năm tòa án cũng phớt lờ".

Đại biểu Lê Văn Tâm, TP Cần Thơ đề nghị thực hiện phân cấp cho địa phương. Bộ Tư pháp làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác thi hành án trong phạm vi cả nước. "Tất cả việc thi hành án này do địa phương triển khai tổ chức thực hiện và nó gắn liền với từng địa phương của cấp huyện, cũng như cấp tỉnh, hiệu quả đạt được hay không, việc cưỡng chế được hay không cũng tại địa phương".

Không đồng ý cho tư nhân tham gia thi hành án

Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép cán bộ thi hành án được mang công cụ hỗ trợ như roi điện, do nhiều trường hợp bị tấn công. Tuy nhiên, trong Quốc hội có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Ông Phạm Xuân Thường, Thái Bình nói: "Không có lý do gì một nhân viên an ninh dân phố có thể sử dụng công cụ hỗ trợ, mà một chức danh tư pháp lại không được sử dụng công cụ hỗ trợ. Nếu người tấn công bị nhiễm HIV thì hậu quả thật khó lường".

Tuy nhiên, ông Trần Tiến Dũng, Hà Tĩnh, không đồng tình vì cho rằng sẽ tạo ra một cái gì đó nặng nề trong hệ thống chính trị.

Các đại biểu cũng tỏ ra lo ngại về việc liệu có đủ cử nhân luật để bổ nhiệm chấp hành viên không, trong khi lương thấp. Bà Trần Thị Hồng, Hà Nam, nói trong một năm Hà Nam có đến ba cán bộ chỉ công tác tại cơ quan thi hành án được một thời gian ngắn đã xin chuyển sang ngành khác công tác mặc dù họ có trình độ cử nhân luật, có năng lực trong công tác thi hành án.

Đa số ý kiến của Quốc hội không đồng ý với việc cho phép cá nhân, tổ chức tham gia thi hành án như đề nghị của Chính phủ. Bà Trần Thị Hoa Ry, Bạc Liêu, nói: "Vì trong thời gian qua chúng ta mới cho phép mở dịch vụ đòi nợ cũng đã xuất hiện tình trạng các dịch vụ này sử dụng các tay anh chị, rồi bọn đầu gấu để khống chế các con nợ theo kiểu xã hội đen, cũng gây bất bình rất lớn trong dư luận xã hội".

Quốc hội tiếp tục bàn về Luật thi hành án dân sự vào sáng nay 24-5.

TRẦN LỆ THÙY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên