Một phiên “điều trần” của “Quốc hội trẻ” với đại biểu Quốc hội là các bạn sinh viên đến từ các trường đại học ở Hà Nội - Ảnh tư liệu |
Ngô Lê Mỹ Linh |
“Khi tham gia dự án, chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều, ví dụ như tìm hiểu được quy trình, thủ tục để ban hành một văn bản pháp luật, quy trình thực hiện một phiên điều trần, rồi vai trò, trách nhiệm, chức năng của một đại biểu Quốc hội...; được tiếp xúc với những đại biểu Quốc hội dày dạn kinh nghiệm. Đồng thời, với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Anh, Hội đồng Anh, chúng tôi được tập huấn về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng trình bày, đó là những kiến thức hiện đại, chuyên nghiệp của châu Âu mà các nghị sĩ của họ thường áp dụng” - Linh cho biết.
Chúng tôi rất muốn đặt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội là tại sao Quốc hội không hỏi giới trẻ nhiều hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa để giới trẻ có cơ hội bày tỏ ý kiến, bộc lộ và thể hiện mình? |
* Hoạt động của dự án “Quốc hội trẻ” có giúp bạn hiểu thêm về các hoạt động chính trị, hoạt động ban hành chính sách của Chính phủ, Quốc hội?
- Là một sinh viên luật, tôi phải luôn tìm hiểu về chính sách, pháp luật cũng như hoạt động lập pháp. Nhưng khi tham gia dự án “Quốc hội trẻ” thì tôi được sống trong bối cảnh nghị trường như thật và mọi thứ trở nên cụ thể, rõ ràng, thiết thực hơn.
Ví dụ, trong giai đoạn 1 của dự án, chúng tôi đóng vai đại biểu Quốc hội để thảo luận về vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học; giai đoạn 2 là nâng cao khả năng ngoại ngữ cho sinh viên các trường đại học, đó là những vấn đề rất gần gũi.
Trong quá trình này chúng tôi được biết là Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội như Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tiếp cận và giải quyết vấn đề này như thế nào, đồng thời chúng tôi được cung cấp các văn bản giải trình của Chính phủ, cụ thể là Bộ Lao động - thương binh và xã hội.
Qua đó bản thân tôi nhận thức được rằng chính trị không phải là những chuyện “trên trời”, mà chính trị là những vấn đề rất cụ thể, gắn với cuộc sống hằng ngày, với công việc và số phận mỗi con người.
* Theo cảm nhận của bạn thì các đại biểu Quốc hội có thật sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của những người trẻ và người trẻ có thật sự quan tâm đến chính trị?
- Cụ thể là khi tham gia dự án “Quốc hội trẻ”, nhiều đại biểu Quốc hội rất nhiệt tình hướng dẫn, tham gia ý kiến cùng với chúng tôi.
Đặc biệt trong giai đoạn 2 của dự án, chúng tôi thật sự đóng vai đại biểu Quốc hội, tự tìm hiểu các vấn đề, các văn bản, chính sách, tự tổ chức các phiên họp, tìm cách giải quyết vấn đề, cuối cùng đưa ra các kiến nghị bằng văn bản.
Tôi nghĩ rằng các kiến nghị chúng tôi đưa ra chỉ được một số đại biểu Quốc hội quan tâm ghi nhận, chứ chưa nhận được sự quan tâm sâu sắc của một cơ quan của Quốc hội và của Quốc hội.
Trong hoạt động chung, cá nhân tôi thấy rằng tiếng nói của người trẻ vẫn còn rất ít và chưa thật sự có trọng lượng. Điều này có thể có nhiều nguyên nhân.
Ví dụ, các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội luôn diễn ra trong giờ hành chính, khi mà những người trẻ bận học, bận làm việc, do đó các đại biểu Quốc hội thường chỉ tiếp xúc được với người già, người về hưu.
Tôi từng được nghe một đại biểu kể rằng ở Singapore, đại biểu Quốc hội của họ thường tiếp xúc cử tri vào khoảng từ 21g và có những cuộc kéo dài đến quá nửa đêm. Các cuộc tiếp xúc này thường có nhiều cử tri trẻ tham gia trao đổi với người đại diện của mình.
Cũng còn một nguyên nhân nữa là đôi khi nhiều đại biểu Quốc hội coi học sinh, sinh viên, người trẻ vẫn là trẻ con, thiếu chín chắn nên thường bỏ ngoài tai những gì chúng tôi phát biểu.
Về phần thanh niên, tôi cho rằng nguyên nhân chủ quan là chính, khi nhiều người còn thờ ơ, không quan tâm đến hoạt động chính trị, hoạt động xây dựng chính sách, cho đó là việc của người khác, không liên quan đến mình.
* Từ thực tế đó, bạn mong muốn điều gì?
- Tôi rất mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm hơn nữa và chủ động hơn nữa trong việc quan tâm, tìm hiểu những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ, ý kiến của những người trẻ.
Nếu các đại biểu Quốc hội thật sự nghĩ rằng tuổi trẻ là tương lai của đất nước, thanh niên là trụ cột của đất nước, thì việc lắng nghe giới trẻ cần được tăng cường hơn với các biện pháp thiết thực hơn nữa.
Ví dụ, khi Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức phiên điều trần về chính sách, pháp luật giải quyết việc làm cho thanh niên, sinh viên thì tại sao không mời các bạn sinh viên, những người đã tốt nghiệp đại học chưa có việc làm tham dự và phát biểu ý kiến trực tiếp, mà chỉ dừng lại ở sự tham dự của các tổ chức Đoàn, Hội?
Chúng tôi rất muốn đặt câu hỏi với các đại biểu Quốc hội là tại sao Quốc hội không hỏi giới trẻ nhiều hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa để giới trẻ có cơ hội bày tỏ ý kiến, bộc lộ và thể hiện mình?
* Bạn có khao khát trở thành một đại biểu Quốc hội không? - Điều tôi quan tâm và lo nhất là cơ hội nghề nghiệp của mình và các bạn học cùng mình sau khi ra trường. Còn việc trở thành một đại biểu Quốc hội thì đúng là một khao khát lớn, đặc biệt tôi là con của một đại biểu Quốc hội, nhưng tôi nghĩ con đường để đi đến nghị trường còn xa và phải phấn đấu, học tập rất nhiều. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận