Tại phiên điều trần ở Thượng viện ngày 21-5 giờ địa phương, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã yêu cầu ông Blinken hỗ trợ việc áp đặt lại trừng phạt của Mỹ đối với quan chức ICC, nhằm đáp trả việc ICC phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Netanyahu.
"Tôi muốn thấy hành động, không chỉ là lời nói", thượng nghị sĩ Graham nói với Ngoại trưởng Blinken. "Ông có ủng hộ nỗ lực trừng phạt ICC không, không chỉ vì vụ việc liên quan đến Israel mà còn để bảo vệ lợi ích của chúng ta trong tương lai?".
"Tôi hoan nghênh việc hợp tác với ông về vấn đề này", ông Blinken đáp lại.
Trước đó một ngày, công tố viên trưởng Karim Khan của ICC đã xin lệnh bắt giữ thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng Israel và 3 lãnh đạo Hamas với cáo buộc tội ác chiến tranh và chống lại loài người xoay quanh xung đột Israel - Hamas.
Trong thông báo, ông Karim Khan cho biết có cơ sở hợp lý để tin rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, bộ trưởng quốc phòng Israel và ba lãnh đạo Hamas "phải chịu trách nhiệm hình sự" vì cáo buộc tội ác chiến tranh và tội ác chống lại nhân loại.
Ngoài ra, công tố viên ICC cũng xin lệnh truy nã Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, lãnh đạo Lữ đoàn Al Qassem của Hamas Mohammed Diab Ibrahim al-Masri (được biết đến nhiều hơn với tên Mohammed Deif) và lãnh đạo chính trị của Hamas Ismail Haniyeh.
Cả Tổng thống Joe Biden, Đảng Dân chủ, và các đối thủ chính trị của ông Biden đều chỉ trích gay gắt động thái của công tố viên Karim Khan. Washington lập luận rằng ICC không có thẩm quyền đối với cuộc xung đột ở Dải Gaza và đặt ra những lo ngại về quy trình tố tụng.
Theo Hãng tin Reuters, Mỹ không phải là thành viên của ICC, nhưng đã ủng hộ các vụ truy tố trước đây, bao gồm quyết định phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc chiến ở Ukraine vào năm ngoái.
Tại phiên điều trần ở Thượng viện ngày 21-5, Ngoại trưởng Blinken cho rằng ICC đã có nước đi "sai lầm nghiêm trọng". Theo đó, việc phát lệnh bắt giữ thủ tướng Israel sẽ gây khó khăn cho triển vọng đạt được thỏa thuận giải cứu con tin và ngừng bắn.
Các thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội trước đây đã đe dọa ban hành luật áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với ICC, nhưng biện pháp đó không thể trở thành luật nếu không có sự ủng hộ từ Tổng thống Joe Biden và các đảng viên Dân chủ, những người kiểm soát Thượng viện.
Năm 2020, chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump cáo buộc ICC đã xâm phạm chủ quyền quốc gia của Mỹ khi phê chuẩn điều tra về tội ác chiến tranh ở Afghanistan.
Mỹ đã nhắm vào nhân viên của ICC, bao gồm cả công tố viên lúc bấy giờ là Fatou Bensouda, bằng các biện pháp đóng băng tài sản và cấm đi lại.
Ông Biden đã dỡ bỏ các trừng phạt này vào tháng 4-2021, ngay sau khi nhậm chức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận