12/06/2014 10:06 GMT+7

Quốc Hội "lo lắng về hệ thống pháp luật phức tạp"

T.MAI - C.MAI
T.MAI - C.MAI

TTO - Phát biểu kết luận phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Bộ trưởng trả lời rất đầy đủ, khá rõ ràng nhưng về trách nhiệm thì có phần lúng túng, chưa thật sự thẳng thắn".

Sáng nay, Quốc hội tiếp tục dành thời gian cho bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời chất vấn một số câu hỏi của đại biểu

k8yRIbKt.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói một cách rất văn học: "Hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay phức tạp nhất thế giới", nhưng theo ông Nguyễn Sinh Hùng, phức tạp là đúng vì chúng ta đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện nên có tình hình đó, cần phải khắc phục dần.

Sau phiên chất vấn này, Quốc hội cũng cảm thấy lo lắng rằng hệ thống pháp luật của chúng ta có nhiều vấn đề phức tạp. Công tác xây dựng chương trình làm luật, triển khai thực hiện pháp luật có nhiều tồn tại, khiếm khuyết: chậm ban hành văn bản, chậm triển khai, chậm hướng dẫn... điều này rất đáng lo lắng. "Bộ trưởng nói tỉ lệ phần trăm không phẩy mấy thì đó là nói chung, nói riêng tôi cho là 100% " - Chủ tịch quốc hội nói về việc chậm ban hành, triển khai văn bản pháp luật.

Ban hành văn bản vừa chậm, vừa sai. Nếu sai thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đây là một yếu kém.

Công tác tổ chức phổ biến tuyên truyền, thực hiện pháp luật còn hhiều khó khăn, chỗ này là trách nhiệm của Nhà nước.

Trách nhiệm thuộc về ai? Ông Nguyễn Sinh Hùng thừa nhận Quốc hội có trách nhiệm, người chịu trách nhiệm lớn nhất là chủ nhiệm ủy ban pháp luật của Quốc hội. Tập thể chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cũng đều có trách nhiệm trong chuyện này.

Chúng ta có đạo luật gốc, đó là Hiến pháp hợp ý Đảng, lòng dân, chủ tịch Quốc hội đề nghị căn cứ vào kế hoạch để kiểm tra, đôn đốc để thực hiện tốt pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khẩn trương nghiên cứu sửa đổi luật ban hành văn bản pháp luật theo tình thần xử lý trách nhiệm nghiêm túc đối với những khuyết điểm, yếu kém trong tổ chức triển khai và hướng dẫn thi hành pháp luật.

Làm giàu bất hợp pháp có thể bị xử hình sự

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói ban soạn thảo sửa đổi BLHS đang nghiên cứu đưa vào một số tội mới, trong đó có tội làm giàu bất hợp pháp (không chứng minh được nguồn gốc số tiền đang có).

UrqSlvhW.jpgPhóng to
Bộ trưởng Hà Hùng Cường tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp QH sáng 11-6

Về thủ tục thi hành án phức tạp, nhiều vụ việc lớn tồn đọng kéo dài, bộ trưởng Bộ Tư pháp nói đã có chỉ đạo quyết liệt đối với việc thi hành những vụ án lớn.

Câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương về tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ "đại án" hàng ngàn tỉ đồng như vụ Huỳnh Thị Huyền Như (4.000 tỉ đồng) rất thấp, phải chăng người phạm tội chỉ đi tù là xong, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói: "Khi tòa án xét xử mấy vụ đại án, tham nhũng lớn, người dân thì rất mừng mà cơ quan thi hành án lại rất lo".

Theo bộ trưởng, vấn đề thi hành án, thu hồi lượng tài sản lớn trong các vụ đại án rất khó khăn do Việt Nam hiện chưa có hệ thống đăng ký tài sản thống nhất, minh bạch kể cả bất động sản lẫn động sản. Người dân không giao dịch, mua bán tài sản qua hệ thống tín dụng nên rất khó kiểm soát, xác minh tài sản.

Bên cạnh đó, việc "cắt khúc" quá trình thi hành án dân sự khỏi quá trình tố tụng hình sự hiện nay cũng là một khó khăn trong công tác thi hành án. Nhiều vụ đại án, tài sản thu hồi lớn thì phần thi hành án chủ động đã xong nhưng đối với các phần tài sản thi hành theo yêu cầu còn vướng, cụ thể như việc thi hành án bồi thường cho các doanh nghiệp "con, cháu" của Vinashin...

Bộ trưởng cũng xác nhận đã có nghiên cứu về quy định liên thông giữa cơ quan thi hành án dân sự với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, nhất là việc phối hợp trong áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với tài sản của vụ án.

Cũng liên quan chất vấn của đại biểu Đỗ Văn Đương rằng có nên áp dụng hình phạt tù suốt đời đối với tội phạm tham nhũng hay không, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết Quốc hội đã có chủ trương đổi Bộ luật hình sự.

Theo bộ trưởng, trong chủ trương, định hướng chính sách xử lý tội phạm tham nhũng thì sắp tới Việt Nam sẽ bổ sung một số nội dung trong quy định của luật pháp quốc tế về tội phạm.

Ban soạn thảo có thể đưa vào Bộ luật hình sự các tội mới như: tội làm giàu bất hợp pháp (giàu mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản), tội kê khai tài sản gian dối, tham nhũng trong khu vực tư nhân (hiện nay luật chỉ xử lý tội tham nhũng trong lĩnh vực công), bổ sung xử lý hình sự pháp nhân (để xử lý tình trạng sai phạm của doanh nghiệp, nhất là việc rửa tiền...).

Về yêu cầu của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị bộ trưởng làm rõ tính trái pháp luật của 312 văn bản, Bộ trưởng Hà Hùng Cường lý giải thêm về các con số văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đó, cho rằng hầu hết các văn bản sai pháp luật là do sai về căn cứ ban hành văn bản.

Cụ thể, trong số 312 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật thì 186 văn bản sai căn cứ, 64 văn bản sai về hiệu lực, 11 văn bản sai thẩm quyền, 54 văn bản sai nội dung (chiếm 0,17%) so với số văn bản được kiểm tra.

Bộ trưởng cũng khẳng định trong 54 văn bản sai nội dung trên thì không có văn bản nào vi hiến (chỉ sai nghị định Chính phủ, quyết định của Thủ tướng), có 4 văn bản chưa phù hợp quy định.

Theo bộ trưởng, nhiều văn bản sai luật sau khi bị phát hiện sai sót đã được chỉnh sửa ngay, chẳng hạn như thông tư của Bộ Giáo dục - đào tạo về cộng điểm ưu tiên (cộng điểm ưu tiên cho bà mẹ Việt Nam anh hùng). Một số thông tư quy định về kiểm định chất lượng an toàn thủy sản có dấu hiệu vi phạm cũng đã được chỉnh sửa kịp thời.

T.MAI - C.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên