13/11/2021 12:21 GMT+7

Quốc hội: Không lồng ghép 'lợi ích nhóm' trong văn bản luật, kết hợp công tư trong phòng chống dịch

N.AN
N.AN

TTO - Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống dịch, đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư.

Quốc hội: Không lồng ghép lợi ích nhóm trong văn bản luật, kết hợp công tư trong phòng chống dịch - Ảnh 1.

Quốc hội vừa bấm nút thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 2 - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 13-11, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, sau khi xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, các kết quả giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, các cấp ngành và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đã khắc phục khó khăn, nỗ lực vượt qua thách thức.

Công tác xây dựng pháp luật được đánh giá có nhiều chuyển biến, song việc triển khai thi hành luật, pháp lệnh vẫn là khâu yếu, có lúc chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao, còn chậm.

Do đó, Quốc hội yêu cầu thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, gắn với việc tổ chức thực hiện, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Không để bị tác động, chi phối bởi các hành vi không lành mạnh hoặc lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của tổ chức, cá nhân vào các văn bản quy phạm pháp luật, không để chậm, nợ văn bản.

Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng… đạt kết quả tích cực, chất lượng. Song tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm về ma túy diễn biến rất phức tạp.

Theo đó, một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng; vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19 vẫn diễn ra ở nhiều nơi, công tác quản lý nhà nước về đấu thầu, chỉ định thầu, định giá, cổ phần hóa, thoái vốn trong doanh nghiệp nhà nước, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều bất cập.

Với những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Quốc hội yêu cầu các cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân, nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Quốc hội đánh giá Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, định hướng sát tình hình; các cơ quan chức năng, địa phương chủ động thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác phòng, chống dịch đã đạt được những kết quả quan trọng, dịch COVID-19 đã từng bước được kiểm soát, các địa phương đang từng bước triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Công tác ngoại giao vắc xin đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 10-2021 đến nay, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng có dấu hiệu tăng nhanh, trong đó nhiều ổ dịch mới được phát hiện, cho thấy tình hình dịch COVID-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát mạnh trở lại, nên cần đánh giá sâu sắc công tác phòng chống dịch.

Vì vậy, Quốc hội yêu cầu thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp. Khẩn trương đánh giá hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ một cách tổng thể, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ các nhóm đối tượng bảo đảm hiệu quả, phù hợp với thực tiễn.

Rà soát tổng kết các quy định liên quan phòng chống dịch để sửa đổi, bổ sung quy định đồng bộ, thống nhất, kịp thời, phù hợp thực tiễn. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng, chống dịch, đẩy mạnh việc xã hội hóa, kết hợp công - tư trong công tác phòng, chống dịch và có cơ chế huy động hiệu quả các tổ chức y tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ y tế trong phòng, chống dịch.

Đồng thời, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu và đề xuất cơ chế huy động đầu tư vào hoạt động sản xuất trang thiết bị, vật tư y tế trong nước; có kế hoạch để chủ động về vắc xin và thuốc điều trị bệnh COVID-19.

Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế; nâng cao năng lực dự báo, giám sát, tăng cường thanh, kiểm tra, kiểm toán, thực hiện khen thưởng kịp thời và xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 đảm bảo thống nhất, đồng bộ, bám sát mục tiêu "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch" gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng ý xử lý tiền bù giá bao tiêu sản phẩm tại lọc hóa dầu Nghi Sơn

Tại nghị quyết này cũng cho phép Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được sử dụng lợi nhuận sau thuế, sau trích các quỹ để xử lý số tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn và thực hiện dự toán, quyết toán theo quy định.

Chính phủ được giao thực hiện và báo cáo Quốc hội số tiền xử lý bù giá nêu trên khi lập và thực hiện dự toán, quyết toán hằng năm; số liệu xử lý bù giá phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán.

Thực hiện nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ trung ương đến địa phương Thực hiện nghị quyết 128 phải nhất quán, thông suốt từ trung ương đến địa phương

TTO - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và từng bước chuyển sang trạng thái mới. Thời gian tới đây, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp được thực hiện phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên